Cụ thể, ngày 1/4 vừa qua, chi nhánh Royal Mail ở Gloucester đã dán tấm áp phích thông báo "đạt được thỏa thuận" với Liên đoàn Người lao động Tuyền thông (CWU), nhằm chấm dứt sóng đình công gây gián đoạn hệ thống bưu cục nhiều tháng qua.
Áp phích tuyên bố các nhân viên sẽ được tăng lương 11%, tính từ mốc 12 tháng trước, cùng nhiều quyền lợi khác. Họ cũng khuyến khích các nhân viên chia sẻ thông điệp trên mạng xã hội, khiến nó lan truyền rộng rãi khắp các chi nhánh khác của Royal Mail trên toàn quốc.
Tuy nhiên, sau đó sự ăn mừng nhanh chóng biến thành làn sóng tức giận khi các nhân viên nhận ra đó là một cú lừa. Nhiều người quyết định bỏ ngang các nhiệm vụ của mình vì điều này cộng với việc không đạt được thỏa thuận với ông chủ.
“Với phần lớn nhân sự, chỗ làm việc giờ đây đã trở thành môi trường cực kỳ độc hại, nơi những 'trò đùa' khiếm nhã được chấp nhận và cho đó chỉ là trào lưu văn hóa”, đại diện công đoàn của Royal Mail nói với The Times.
Trên các diễn đàn, nhân viên của Royal Mail đã kêu gọi sa thải người quản lý đứng đằng sau trò lừa bịp cùng với các bình luận bày tỏ sự phẫn nộ.
"Tôi không thể tin được có người lại làm như vậy. Có nhiều trò đùa kỳ quặc nhưng nó hài hước và không gây hại đến ai. Họ đã đưa ra một lời nói dối kinh khủng với những người đang mắc kẹt trong khủng hoảng tinh thần và vấn đề tiền lương", một người cho hay.
"Không quản lý nào nên đùa cợt về thù lao của chúng tôi với những gì họ đã làm, dù có là ngày Cá tháng Tư hay không", một người khác bình luận.
Trước làn sóng giận dữ, Royal Mail mới đây đã phải lên tiếng xin lỗi: "Chúng tôi xin lỗi vì bất kỳ nỗi khó chịu nào do trò đùa sai lệch này gây ra. Tấm áp phích đã bị gỡ bỏ, quản lý chi nhánh cũng đã xin lỗi".
Royal Mail là công ty bưu chính được thành lập vào năm 1516 với tư cách là cơ quan chính phủ. Theo Đạo luật Dịch vụ Bưu chính 2011, phần lớn cổ phần của Royal Mail đã được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán London vào năm 2013. Chính phủ Anh ban đầu giữ 30% cổ phần của Royal Mail nhưng đã bán đi vào năm 2015.
Mộc Miên (T/h)