(ĐSPL) - Phải tận mắt chứng kiến những chiếc điện thoại “sang"đến “siêu sang” trong lô hàng lậu trị giá 3 tỉ đồng này mới thấy được mức độ tinh vi của công nghệ “cải tử hoàn sinh” cho smart phone từ công nghệ địa phương Trung Quốc.
Cận cảnh thủ đọn tuồn điện thoại "chết" vào Việt Nam
Nghi vấn về những chiếc điện thoại smartphone đời mới kém chất lượng, không rõ nguồn gốc được bán trên thị trường đã trở thành hiện thực. Ngày 15.5, dư luận cả nước rúng động khi phòng cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Chức vụ (PC46, Công an TP. Hà Nội) bắt giữ vụ vận chuyển 1.210 chiếc điện thoại di động không rõ nguồn gốc bằng ô tô từ TP.Móng Cái (Quảng Ninh) về Hà Nội tiêu thụ.
Phải tận mắt chứng kiến những chiếc điện thoại “sang"đến “siêu sang” trong lô hàng lậu trị giá 3 tỉ đồng này mới thấy được mức độ tinh vi của công nghệ “cải tử hoàn sinh” cho smart phone từ công nghệ địa phương Trung Quốc.
Tại khu vực quốc lộ 18 (thuộc địa phận TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), PC46, Công an TP.Hà Nội phối hợp với phòng 5 -cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế và Chức vụ (C46, bộ Công an) tiến hành kiểm tra hành chính xe container BKS 16L-9881 do Trần Văn Quyết (ở xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) điều khiển và xe 15C-039.54 do Nguyễn Đình Sỹ (ở xã Cô Dũng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) lái.
Qua kiểm tra, cảnh sát phát hiện hơn 1.200 chiếc điện thoại di động các loại không hóa đơn, chứng từ đang được vận chuyển từ TP.Móng Cái (Quảng Ninh) về Hà Nội tiêu thụ. Ước tính giá trị lô hàng này lên đến 3 tỉ đồng. Thượng tá Thành Kiên Trung -Phó phòng PC46 cho biết, đây là một đường dây buôn bán vận chuyển điện thoại di động lớn. với thủ đoạn mới. Để vận chuyển hàng về Thủ đô, các đối tượng đã ngụy trang dưới nắp capo xe và gầm container hòng qua măt lực lượng chức năng.
Ảnh minh họa |
Để tìm hiểu rõ hơn về thủ đoạn của các đối tượng, PV đã tìm gặp một trinh sát (thuộc PC46, Công an TP.Hà Nội), người trực tiếp theo dõi vụ việc này. Trao đổi với PV, trinh sát này kể lại: “Đã từ lâu, chợ Vinh Cơ (Quảng Ninh) là “trạm trung chuyển” hàng điện tử lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Đây là địa bàn khá phức tạp mà các đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng rồi chở vào các thành phố để tiêu thụ.
Từ trước Tết Nguyên đán 2015, chúng tôi đã có thông tin các đối tượng vận chuyển điện thoại lậu về Việt Nam qua đường này. Và từ đó chuyên án được lập ra, tôi nhận được nhiệm vụ từ cấp trên phải theo sát các đối tượng. Một điều rất khó khăn, các đối tượng chủ hàng không thuê một hay hai người vận chuyển mà thường xuyên thay đổi lái xe để đánh lạc hướng lực lượng điều tra.
Chính vì thế, chúng tôi rất khó khăn trong việc xác định xe nào chở hàng, xe nào trống. Thậm chí, nhiều “cơ sở” của chúng tôi đang hoạt động ở trên đó cũng không biết sự xuất hiện của loại hình tội phạm này”.
Cũng theo trinh sát này thì, hai đối tượng bị bắt giữ chỉ làm nhiệm vụ vận chuyển thuê. Còn chủ của lô hàng trên là một người đàn ông tên Mạnh (ngụ tại Móng Cái, Quảng Ninh). Người này nổi tiếng ở khu vực chợ Vinh Cơ là giàu có và ăn chơi. Mạnh có một quầy bán đồ điện tử ở trong chợ. “Qua quá trình trinh sát và khai thác từ phía lái xe, chúng tôi biết được lô hàng trên là của rất nhiều chủ khác nhau chứ không phải một mình Mạnh. Tuy nhiên, Mạnh chiếm số lượng hàng lớn nhất và hắn là người trực tiếp thuê hai lái xe”, trinh sát kể.
Các trinh sát PC46 đều khẳng định, việc sử dụng xe container để vận chuyển hàng buôn lậu là thủ đoạn mới của giới tội phạm hiện nay. Bởi loại xe này đi từ khu vực cửa khẩu về đều là xe trống và rất ít khi các cơ quan chức năng kiểm tra. Hơn nữa, các đối tượng này lại giấu ở hốc lên xuống của xe. Nếu không trinh sát từ đầu, theo sát từng đường đi nước bước của chúng thì rất khó để có thể bắt giữ.
“Siêu sang” cũng dính
Theo quan sát của PV, “kho” điện thoại hơn 1.200 chiếc vừa bị phát hiện và bắt giữ có đầy đủ các chủng loại từ hạng “sang” như iPhone, Samsung, Nokia, Sony... đến hạng “siêu sang” là Vertu. Nhìn bề ngoài, tất cả số điện thoại này đều mới, đẹp “long lanh” như hàng chính hãng, với đủ các màu sắc và mẫu mã. Các trinh sát tiết lộ, đây toàn bộ là điện thoại đã “chết” hoặc hết “đát” được các đầu nậu Trung Quốc nhập về từ các nước trên thế giới rồi cài linh kiện rởm, thay vỏ, sau đó vận chuyển lậu sang Việt Nam để bán với giá rẻ.
Đầu nậu Trung Quốc sẽ xuất theo đơn đặt hàng ra chợ Vinh Cơ, sau đó, các chủ hàng Việt Nam sẽ vận chuyển về những đại lý quen của họ ở các tỉnh, thành phố để tiêu thụ.
Ảnh minh họa. |
“Theo chúng tôi được biết, các loại điện thoại lậu này được tiêu thụ ở miền Bắc và cả miền Trung, thậm chí là TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác. Mỗi ngày có đến 700- 800 điện thoại được vận chuyển vào Hà Nội rồi được xé lẻ ra để tiêu thụ. Năm 2011, Công an TP.Hà Nội cũng đã bắt được 1.400 chiếc điện thoại thông minh được vận chuyển trên 3 ô tô từ cửa khẩu vào Việt Nam”, một trinh sát cho biết.
Theo ghi nhận của PV, những chiếc smartphone này bề ngoài hết sức bóng bẩy, như mới, rất khó để phân biệt đâu là hàng mới và đâu là hàng cũ, hàng hư hỏng được sửa chữa, tút tát lại. Theo một trinh sát, người tinh tường đến mấy cũng có khi bị lừa. Bởi, vẻ bề ngoài những chiếc smart phone này trông như mới và đặc biệt, tất cả đều là các sản phẩm chính hãng. Vẻ ngoài trông như mới nhưng chất lượng của những chiếc điện thoại làm theo công nghệ “cải tử hoàn sinh” của Trung Quốc chỉ sau khi dùng một thời gian ngắn sẽ gặp trục trặc.
"Cũng theo lãnh đạo PC46, đến nay vẫn chưa thể xác định lô hàng này sẽ được bàỵ bán tại những siêu thị, cửa hàng cụ thể nào. Hiện, phòng PC46, Công an TP. Hà Nội đang tiếp tục phối hợp C46 bộ Công an điều tra mở rộng để xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan. Nhưng có thể khẳng định, các điện thoại trên sẽ được bán theo cách hàng xách tay, hàng khuyến mãi hay bất cứ hình thức giao dịch nào tại các đại lý điện thoại di động nhỏ lẻ, chợ trời trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh.
Cũng theo các trinh sát, dù là dân sành công nghệ cũng khó có thể tránh được - “quả lừa” khi mua các sản phẩm này. Những chiếc điện thoại trên, sau một thời gian sử dụng có triệu chứng như hư màn hình, pin nhanh hết và lỗi cảm ứng. Với mức gần 1.000 chiếc điện thoại tuồn vào Thủ đô mỗi ngày thì chắc chắn số lượng các đại lý, hàng điện thoại, siêụ thị tiêu thụ những điện thoại kiểu này là rất lớn. Để tránh bị lừa, cách duy nhất người tiêu dùng nên tìm đến đại lý chính hãng để mua hàng.
Trinh Phúc- Văn Chương