Ghế nhựa là vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Ghế nhựa thường được sử dụng trong giờ chào cờ ở trường học, các quán ăn lề đường, trong nhà bếp, nhà tắm…
Tuy nhiên, bạn có bao giờ thắc mắc tại sao ở giữa chiếc ghế nhựa lại hay có một cái lỗ tròn không?
Giúp lấy ghế dễ dàng
Khi những chiếc ghế nhựa xếp chồng lên nhau sẽ dễ dàng bị “hít”, mắc vào nhau rất khó để gỡ do hiệu ứng tương tự chân không được tạo ra từ khoảng trống giữa hai chiếc ghế bị nén lại.
Tuy nhiên, với một lỗ tròn ở giữa, chúng ta có thể dễ dàng lấy ghế ra từ chồng ghế bằng cách đưa tay vào lỗ tròn rồi kéo ghế lên. Lỗ tròn này giúp áp suất luôn được cân bằng, tránh gây tình trạng ghế bị hít lại hay mắc vào nhau.
Giúp vận chuyển đơn giản hơn
Khi di chuyển những chiếc ghế được xếp chồng lên nhau, chúng ta có thể luồn một sợi dây vào các lỗ tròn giúp cố định, tránh tình trạng rơi vỡ trong quá trình vận chuyển ghế.
Với thiết kế lỗ tròn giúp phân phối chịu lực, theo đó dễ dàng xách ghế lên chỉ với một ngón tay so với việc ghế không có lỗ. Nhờ vậy, việc cầm nắm và di chuyển ghế nhựa trở nên dễ dàng hơn và bạn cũng có thể cầm nhiều ghế cùng một lúc.
Bên cạnh đó, lỗ tròn trên ghế có thêm công dụng giúp làm thoáng khí. Cụ thể, khi ngồi lâu trên ghế dễ dẫn đến cảm giác bí hơi, thiếu thoải mái. Lỗ tròn giữa ghế giúp thông hơi, thoát nhiệt giúp người sử dụng cảm thấy thoải mái hơn.
Tránh gãy ghế
Đối với vật liệu có tính giòn do làm bằng nhựa cứng, khi phải chịu ứng suất quá giới hạn sẽ dẫn tới gãy vụn. (Ứng suất - đại lượng biểu thị nội lực phát sinh từ vật thể biến dạng gây ra bởi các nguyên nhân bên ngoài gồm tải trọng, sự thay đổi nhiệt độ).
Tại sao không phải nhiều lỗ?
Một chiếc lỗ với kích thước vừa phải là lựa chọn hợp lý nhất khi sản xuất ghế. Như vậy sẽ không ảnh hưởng đến kết cấu và độ bền của ghế. Nếu thiết kế nhiều lỗ sẽ khiến ghế chịu lực kém, dẫn tới dễ vỡ, còn lỗ quá nhỏ thì chúng ta không thể đưa ngón tay vào để kéo ghế ra khi sử dụng.
Tại sao không phải lỗ vuông hay chữ nhật?
Thực tế là dạng tròn là bền vững nhất vì hình tròn không có góc cạnh như hình vuông hay chữ nhật. Với hình vuông hay lỗ có góc nhọn, áp lực dễ tập trung ở góc cạnh và dẫn tới gãy vỡ, nứt... theo đó ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như người sử dụng.
Bên cạnh đó, hình dạng tròn dễ tạo khuôn hơn, có thể phân phối và chịu lực tốt hơn do đó các nhà sản xuất thường hay lựa chọn kiểu thiết kế này.
M.M (T/h)