(ĐSPL) - Vua Felipe VI của Tây Ban Nha đã tước bỏ tước hiệu “Công tước thành Palma” dành cho em gái của mình - Công chúa Cristina vì cáo buộc trốn thuế, biển thủ công quỹ và tham nhũng.
Sự việc bắt đầu vào năm 2010, khi ngành tư pháp Tây Ban Nha cho mở cuộc điều tra Quận công Inaki Urdangarin, cựu ngôi sao bóng ném và là phu quân của Công chúa Cristina, con gái út của Vua Juan Carlos, về tội Tham nhũng.
Sau đó đến lượt Cristina cũng bị triệu ra trước tòa án để giải thích vai trò của cô trong các phi vụ của chồng. Đây là một sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hoàng gia Tây Ban Nha.
Hé lộ khối tài sản “khủng”
Công chúa Cristina được Vua cha Juan Carlos trao tước hiệu “Công tước thành Palma” vào năm 1997 khi bà kết hôn với cựu vận động viên Olympic Inaki Urdangarin. Vua Felipe VI, anh trai của Công chúa Cristina, người mới lên ngôi vua sau những bê bối của em gái, đã quyết định tước bỏ tước hiệu Công tước của em mình.
Luật sư của Công chúa Cristina cho hay, chính Công chúa đã yêu cầu đức vua loại bỏ tước hiệu này. Tuy nhiên, hoàng gia cho hay Vua Felipe VI quyết định trước khi có đề nghị của em gái.
Công chúa Tây Ban Nha Cristina de Bourbon. |
Các công tố viên ở thành phố Palma, thuộc đảo Majorca cho biết, Noos Institute, quỹ từ thiện thể thao do ông Urdangarin - cựu cầu thủ bóng ném Olympic, chồng Công chúa Cristina điều hành, đã sử dụng sai mục đích khoản công quỹ lên tới 7,5 triệu USD. Trong khi đó, Công chúa Cristina, người thứ sáu trong danh sách thừa kế ngai vàng, bị nghi đã dùng một khoản không nhỏ trong số tiền biển thủ.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Tây Ban Nha hiện đại, một thành viên hoàng gia đối diện với việc bị tòa thẩm vấn trong một scandal tham nhũng lớn. Ngoài tội danh Gian lận thuế, Công chúa Cristina de Bourbon (49 tuổi) còn bị cáo buộc 16 tội danh khác, trong đó có vụ biển thủ số tiền công quỹ nói trên của quỹ từ thiện Noos Institute (viện Noos). Theo đó, Noos còn tổ chức hàng loạt sự kiện thể thao cho một số chính quyền khu vực và cùng một đối tác bị nghi thổi phồng giá cả và bỏ túi 7,5 triệu USD tiền công quỹ.
Thẩm phán José Castro, người quyết tâm theo đuổi sự việc, đã yêu cầu bà Cristina giải thích về mối quan hệ làm ăn với ông Urdangarin tại doanh nghiệp Aizoon, một công ty địa ốc và tư vấn mà Công chúa Cristina làm chủ chung với chồng. Thẩm phán Castro trong hồ sơ ở tòa đã gọi Aizoon là “một công ty bình phong.”
Năm 2013, bất động sản thuộc sở hữu của vợ chồng bà đã bị tịch thu sau các cáo buộc chuyển hàng triệu USD từ quỹ công sang một tổ chức từ thiện do chính ông điều hành. Một trong những bất động sản bị tịch thu là cung điện xa xỉ ở ngoại ô thành phố Barcelona thuộc sở hữu của Công tước và Công chúa Cristina. Việc niêm phong cung điện này là một vố đau đối với Hoàng gia Tây Ban Nha và chắc hẳn sẽ làm tổn hại đến hình ảnh gần đây, vốn dĩ đã bị xấu đi rất nhiều trong thời gian qua.
Cung điện Pedralbes nằm ở ngoại ô thành phố Barcelona từ trước đến giờ vẫn là nơi cực kỳ bí mật. Giờ đây, nhờ có bàn tay của tư pháp mà truyền thông đã có thể cho lộ ra các chi tiết về mức độ nguy nga tráng lệ cùng những vườn cây và hồ tắm của tòa cung điện có trị giá gần 12 triệu USD.
Nền quân chủ bị lung lay
Tại sao thẩm phán thụ lý vụ việc này lại quyết định niêm phong cung điện của họ? Đơn giản là bởi vì ông Urdangarin, và bà Cristian đã không chịu nộp một xu nào trong số 9 triệu USD tiền bảo lãnh thế chân theo yêu cầu của tư pháp. Hai vợ chồng nói không còn tiền nên thẩm phán quyết định tấn công vào khối tài sản của họ. Các công tố viên cho rằng phần lớn số tiền biển thủ đã được chuyển đến các tài khoản cá nhân nằm ở các thiên đường thuế khóa ở nước ngoài.
Cho đến nay, qua nhiều lần trả lời thẩm vấn, Quận công Inaki Urdangarin vẫn khẳng định mọi sai trái ở tổ chức từ thiện Noos là do ông thực hiện và Công chúa Cristina không hề có liên quan. Urdangarin đã cố gắng bác bỏ những lời khai làm chứng của một “bạn làm ăn” cũ là Diego Torres, người đã khẳng định với thẩm phán Castro rằng Vua Juan Carlos và Công chúa Cristina không hoàn toàn “vô can” trong vụ này.
Về phần mình, Công chúa Cristina phủ nhận hoàn toàn mọi cáo buộc. Bà nói: “Tôi không liên quan. Chồng tôi là người quản lý công việc công ty”. Giới truyền thông nhận định, dĩ nhiên trước tòa, Công nương Cristina sẽ phải phủ nhận, nói rằng không biết chuyện của chồng. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, điều này hoàn toàn không đúng. Công nương biết rất rõ và còn góp phần tham gia vào việc quản lý. Bởi vì, “cả hai người đã quen với lối sống xa hoa, sang trọng và nhàn nhã. Thêm vào đó là sự tham lam quá đỗi”, theo như nhận xét của vị thẩm phán.
Báo chí nước ngoài lấy làm ngạc nhiên làm thế nào Quận công và Công nương quyền quý lại có thể “lạc bước” đến mức như vậy? Theo nhận định của giới báo chí trong nước, bị mặc cảm vì bị hoàng tộc xem là kẻ “vô dụng”, chồng của Cristina tìm đủ mọi cách chứng tỏ khả năng làm giàu của mình.
Ngoại trưởng Jose Manuel Garcia - Margallo cho rằng, sự cố Cristina - Urdangarin đang làm suy giảm hình ảnh Tây Ban Nha trên trường quốc tế. Người dân Tây Ban Nha vốn đã phải chịu cực khổ vì chính sách “thắt lưng buộc bụng”, cho nên họ tổ chức biểu tình phản đối trên khắp các đường phố Madrid với khẩu hiệu: “Hoàng gia xài sang, ăn hoang và tham nhũng, còn chúng tôi bị cắt giảm chi tiêu và phải ngồi chờ... chết”.
Nhiều năm qua, tiến trình thảo luận một bộ luật về minh bạch tài chính và hoạt động công vẫn còn dang dở, nhưng điều đáng lưu tâm là hoàng gia Tây Ban Nha vẫn nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của làn sóng truy quét. Bê bối của Công chúa đã khiến cả “xứ sở bò tót” phải giật mình phẫn nộ.
Người con gái nhỏ nhất của Vua Juan Carlos cũng đã gây thiệt hại nặng nề cho uy tín của hoàng gia Tây Ban Nha, giữa lúc đất nước có mức thất nghiệp trầm trọng tới 26\%, sự giận dữ của dân chúng về tình trạng tham nhũng chính trị, tăng thuế và cắt giảm các chương trình trợ giúp của Chính phủ. Vụ scandal của con gái là một trong những nguyên nhân khiến Vua Juan Carlos phải thoái vị để nhường ngôi cho Thái tử Felipe.
Gánh nặng lớn cho tân vương Felipe Việc kế vị vào lúc hoàng gia đang chìm đắm trong các vụ tai tiếng là một gánh nặng lớn cho tân vương Felipe. Dù vậy, các tờ báo cũng lạc quan khi cho rằng sự kiện này đang mở ra một “kỷ nguyên mới cho nền quân chủ Tây Ban Nha”. Vị tân vương của Tây Ban Nha là hiện thân cho “thế hệ mới”.Được làm quen với những lễ nghi ngay từ nhỏ và được đào tạo ở nước ngoài về các ngành luật (tại Anh Quốc) và quan hệ quốc tế (Mỹ), Thái tử đã biết cách gìn giữ hình ảnh của mình trên trường quốc tế, do đó ông cũng có thể sẽ tạo dựng lại được dáng vẻ uy nghi cho một thể chế đang bị mai một. |
THANH XUÂN(Theo Le Firago, Le Monde)
Xem thêm video:
[mecloud]q39NbZ6XoE[/mecloud]