+Aa-
    Zalo

    Công an đánh PV báo Tuổi Trẻ: Vi phạm những điều gì?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thạc sỹ, Luật sư Vũ Hồng Hoa - Hợp tác xã Luật Đống Đa cho biết, việc một số công an đánh phóng viên Quang Thế đã vi phạm vào pháp luật hiện hành.

    (ĐSPL) - Thạc sỹ, Luật sư Vũ Hồng Hoa - Hợp tác xã Luật Đống Đa cho biết, việc một số công an đánh phóng viên Quang Thế đã vi phạm vào pháp luật hiện hành, cản trở trái pháp luật phóng viên tác nghiệp.

    Tin tức chúng tôi đã đăng tải, ngày 23/9, phóng viên Quang Thế - Công tác tại báo Tuổi Trẻ trong lúc tác nghiệp trên cầu Nhật Tân (Hà Nội) đã bị một số chiến sỹ Công an thuộc Cơ quan công an huyện Đông Anh hành hung khiến người này chảy máu mồm.

    Một số công an còn đập điện thoại của một phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam trong quá trình người này tác nghiệp đưa tin về sự việc. Mặc dù tại hiện trường cơ quan chức năng không hề căng dây hay cấm quay phim chụp ảnh, cấm PV tác nghiệp.

    Phóng viên Quang Thế (áo trắng) bị công an hành hung.

    Được biết, lãnh đạo công an huyện Đông Anh đã tới tòa soạn báo Tuổi Trẻ xin lỗi về sự việc nhưng chỉ thừa nhận đây là “hành động không đúng mực”.

    Liên quan tới sự việc, chúng tôi có cuộc trao đổi với Thạc sỹ, Luật sư Vũ Hồng Hoa - Hợp tác xã Luật Đống Đa để tìm hiểu rõ hơn về sự việc.

    Xin luật sư cho biết việc cản trở, hành hung (nhất là cơ quan công an hành hung) phóng viên, nhà báo tác nghiệp vi phạm vào điều gì của pháp luật Việt Nam?

    Thứ nhất, về việc phóng viên tên Quang Thế của báo Tuổi Trẻ đã bị một số chiến sỹ thuộc cơ quan công an huyện Đông Anh hành hung khiến người này chảy máu mồm:

    Hành vi của các chiến sĩ thuộc cơ quan công an huyện Đông Anh hành hung và đập điện thoại của các nhà báo khi tác nghiệp có dấu hiệu của việc xâm phạm tới thân thể người khác. Trong trường hợp này để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình thì  nhà báo bị hành hung nên đến cơ quan y tế để giám định thương tật.

    Nếu tỉ lệ thương tật của nhà báo bị hành hung dưới 11%  thì căn cứ vào Luật xử lý vi phạm hành chính và điểm a, khoản 2, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, chiến sĩ công an đã có hành động không đúng mực (tấn công người khác) có thể bị truy cứu  trách nhiệm hành chính với hành vi gây rối trật tự công cộng, vi phạm quy định về trật tự công cộng . Mức phạt với hành vi này là từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng;

    Nếu tỉ lệ thương tật từ 11% trở lên thì những người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo điều 104 BLHS hiện hành:

    “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

    Thứ hai, về việc ngăn cản tác nghiệp, hủy hoại điện thoại, camerra của chiến sĩ công an huyện Đông Anh:

    Trong trường hợp, nhà báo đã thực hiện đúng các quy định hành nghề, không có lời lẽ xúc phạm các chiến sĩ công an nhưng lại bị những chiến sĩ này cản trở hoạt động báo chí thì:

    Căn cứ Điều 7 Nghị định 159/2013/NĐ-CP 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính báo chí xuất bản, hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí có thể bị phạt:

    + Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên;

    + Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp;

    + Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên;

    - Các chiến sĩ công an cần có lời xin lỗi thích đáng với các phóng viên trên.

    Thứ ba, vấn đề bồi thường thiệt hại:

    Theo điều 609 BLDS 2005, Phóng viên nếu có thiệt hại về sức khỏe, tinh thần có thể yêu cầu bồi thường:

    + Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

    + Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

    + Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

    + Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”

    Lãnh đạo Công an huyện Đông Anh giải thích với báo Tuổi Trẻ rằng hành động “không đúng mực”với PV do các chiến sỹ còn trẻ và do áp lực công việc nên mới như vây. Xin luật sư cho biết việc lãnh đạo CA huyện Đông Anh trả lời như vậy có hợp lý hay không, hình ảnh người công an có bị ảnh hưởng sau sự việc này?

    Căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 40, Thông tư 17/2012/TT-BCA Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân về ứng xử khi giao tiếp với nhân dân:

    “Khi tiếp xúc, giải quyết công việc với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải thể hiện thái độ ứng xử có văn hóa, tôn trọng, khiêm tốn, bình tĩnh, tận tình, chu đáo; thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, của Ngành; nêu cao tinh thần trách nhiệm, không gây khó khăn, phiền hà với nhân dân”.

    Công an nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ luôn phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của ngành và đảm bảo an toàn, trật tự  xã hội. Công an huyện Đông Anh trả lời rằng do chiến sỹ còn trẻ, chịu áp lực công việc nên mới hành xử không đúng mực. Có thể một trong những lý do dẫn tới hành vi manh động của các cán bộ này là lực lượng công an ban đầu mỏng, trang thiết bị để khoanh vùng hiện trường như dây phản quang, biển cấm quay phim chụp ảnh chưa có nên không thể ngăn cản nhiều người dân hiếu kỳ xâm nhập khu vực hiện trường. Trong quá trình tác nghiệp, các phóng viên cũng như người dân xung quanh có thể vô tình làm hỏng và mất nhiều dấu vết, chứng cứ quan trọng, ảnh hưởng tới kết quả điều tra sau cùng.

    Tuy nhiên, lỗi không chuẩn bị đầy đủ thiết bị này thuộc về ai? Đó có phải do sơ xuất của bên công an không? Áp lực của các chiến sĩ công an có thực sự đến từ lý do trên hay không cần được giải thích một cách rõ ràng. Thiết nghĩ, đây chỉ là một vụ án không lớn nhưng công tác đảm bảo hiện trường của cơ quan chức năng đã bộc lộ nhiều thiếu sót.  Như vậy, giả sử trong những vụ án lớn, phức tạp, chịu nhiều “áp lực” thì các chiến sĩ sẽ có những hành động như thế nào đối với người dân nói chung và các phóng viên đang tác nghiệp tại hiện trường?

    Thứ hai, theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Hiến pháp năm 2013 thì: “…mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm…”

    Bởi vậy, hành vi của những chiến sĩ công an này có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, tùy vào cách hành xử của các nhà báo trong vụ việc mà mức độ lỗi của các chiến sĩ công an sẽ được định mức theo quy định của pháp luật.

    Trở lại vụ việc phát hiện thi thể nam tài xế xe taxi Vic dưới chân cầu Nhật Tân, theo kinh nghiệm tham gia tố tụng, luật sư có hoài nghi gì về những tình tiết liên quan tới sự việc kể trên. Xin luật sư đưa ra một số giả thiết có thể xảy ra trong sự việc?

    Theo thông tin Quý báo cung cấp, tôi nhận thấy đây là vụ việc còn nhiểu uẩn khúc. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm tham gia tố tụng, tôi xin đưa ra một số giả thiết có thể xảy ra trong vụ án này như sau:

    Thứ nhất, căn cứ việc trên thi thể nạn nhân có nhiều vết thương, gần hiện trường phát hiện một con dao kèm theo trên xe taxi có vết máu và nội thất có dấu hiệu lệch chuyển thì có nhiều khả năng trên xe đã xảy ra xô xát, vật lộn; tức có sự tham gia của người thứ hai. Do đó, chúng ta không thể không tính đến trường hợp nạn nhân đã bị sát hại. Bởi lẽ, nếu chỉ là một vụ tự tử đơn thuần thì trên thi thể nạn nhân sẽ không có nhiều vết đâm và xe taxi sẽ không có dấu hiệu lệch chuyển nội thất như vậy.

    Thứ hai, chúng ta không thể ngoại trừ trường hợp nạn nhân có sử dụng chất kích thích trước khi sự việc xảy ra. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều chất kích thích gây ảo giác cực mạnh như ma túy đá hay các tiền chất ma túy khác…  Ngay khi sử dụng, các chất này sẽ tác động trực tiếp gây kích thích hệ thần kinh trung ương và tạo ảo giác trong một thời gian dài. Điều này khiến người dùng  không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình, có thể làm những điều họ không dám như: chạy xe điên cuồng, tự rạch, cào, cắn vào chính cơ thể mình…

    Tuy nhiên, trên đây chỉ là những suy đoán ban đầu của cá nhân tôi dựa trên những thông tin mà Quý báo cung cấp. Để có kết luận cuối cùng, chúng ta cần phải chờ Cơ quan điều tra xác minh và làm rõ vụ việc.

    Xin cảm ơn Luật sư!

    Xuân Tùng (Thực hiện)

    Nguồn: Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-an-danh-pv-bao-tuoi-tre-vi-pham-nhung-dieu-gi-a163136.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.