Nhắc đến danh họa Bùi Xuân Phái, giới mộ điệu thường nhắc đến dòng tranh “Phố Phái” đỉnh cao của nền mỹ thuật Việt Nam. Ngoài những bức tranh về phố cổ, về cảnh sắc từng ngõ phố, con đường đậm chất Hà Nội thì những bức tranh Tết của danh họa Bùi Xuân Phái cũng làm nhiều người ngạc nhiên bởi những nét vẽ tài hoa, sống động. Mỗi dịp xuân về, danh họa Bùi Xuân Phái khai bút bằng những bức tranh Tết mang ước vọng cho một năm mới tốt lành. Mới đây, họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai của danh họa, đã dành cho PV báo ĐS&PL một buổi trò chuyện về tranh của cha mình.
Tranh Chợ hoa ngày Tết của danh họa Bùi Xuân Phái. |
Vẽ tranh Tết, thiệp Tết để tặng chứ không bán...
Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, họa sĩ Bùi Thanh Phương cho biết: “Mỗi khi Tết đến Xuân về là nhà tôi tràn ngập không khí ấm áp. Vào những ngày cuối năm, nhiều người bạn đã nhờ cha tôi vẽ thiệp chúc mừng năm mới, thời đó chỉ những người bạn thân với cha tôi mới nhờ như vậy. Hồi đó, tranh Tết, tranh phố cổ được các họa sĩ như Nguyễn Tư Nghiêm và cha tôi tặng nhau là chuyện bình thường. Ngoài tranh phố cổ ra thì tranh vẽ về không khí Tết Nguyên đán, phong cảnh mùa xuân cũng được cha tôi vẽ rất nhiều để tặng bạn bè. Cha tôi vẽ tranh Tết với nhiều cảm xúc và bất ngờ, đến nỗi nửa đêm ông cũng dậy vẽ”.
Hoạ sĩ Bùi Thanh Phương cho biết thêm, cha anh thường vẽ bưu thiếp Tết chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay. Tùy vào năm mà họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ họa tiết vào bưu thiếp, như cụ thường vẽ 12 con Giáp, ứng với từng năm để làm quà cho các bạn của mình, trừ những con vật mà họa sĩ cho là không có chất hội họa như chuột, rắn. Riêng năm Thìn, con vật chỉ có trong tưởng tượng, họa sĩ vẽ cô gái hiện lên trên mặt Hồ Gươm, nửa người vẫn còn dưới nước giống như nàng tiên cá. Năm Tỵ, cụ Phái chuyển sang vẽ cô gái khỏa thân ôm hoa hoặc vẽ tĩnh vật có dòng chữ Chúc mừng năm mới.
Theo đó, những tấm thiếp chúc mừng năm mới đầu tiên được danh họa Bùi Xuân Phái vẽ vào năm 1975, khi đất nước thống nhất. Khi đó, một số bạn bè của họa sĩ Bùi Xuân Phái từ giã miền Bắc vào TP.HCM lập nghiệp. Dịp Tết, họ thường gửi thư hỏi thăm và chúc họa sĩ sức khỏe, một năm mới nhiều niềm vui. Thay vì viết thư lại, Bùi Xuân Phái vẽ tranh gửi vào cho bạn như một lời cảm ơn, lời chúc Tết chân thành. Những người bạn nhận được thiệp Tết của Bùi Xuân Phái thì rất phấn khích và thú vị, các bạn ông ở ngoài Bắc biết ông có vẽ thiệp Tết cũng kéo đến tìm gặp và xin ông bằng được tấm thiệp Chúc mừng năm mới để chơi xuân.
Chia sẻ về thói quen của cha mình, Bùi Thanh Phương cho biết, những ngày giáp Tết, cha anh có thú vui một mình tản bộ lên chợ hoa Hàng Lược ở gần nhà. Năm nào ông cũng đi, một ngày trở đi trở lại đến vài ba lần, tuy nhiên, ông chỉ đi xem hoa chứ không bao giờ mua vì không biết mua thế nào.
Con trai danh họa tâm sự: “Hầu hết mọi vật dụng của cha tôi như quần áo, khăn mũ... đều do mẹ tôi mua sắm nên ông đi chợ Tết chỉ ngắm cảnh thôi chứ không mua gì. Bất cứ lúc nào ra chợ hoa, cha tôi cũng giắt theo quyển sổ. Thấy gì hay, ông ký họa, sau đó về chuyển thành tranh. Cha tôi bảo, xúc cảm không phải là cái dễ bịa, tâm trí của con người cũng rất hạn chế, ông lưu lại để về nhà sáng tác”.
“Dù là một họa sĩ nổi tiếng nhưng hồi đó nhà tôi rất nghèo, cuộc sống khá vất vả. Một tay mẹ quán xuyến lo kinh tế cho cả nhà. Vì tranh của cha tôi hồi đó chỉ chủ yếu là vẽ tặng và treo, sau ngày cha mất, tranh mới được mọi người ghi nhận về giá trị. Tuy vất vả, nhưng ông luôn đầy cảm xúc khi vẽ. Những nét vẽ đầu tiên, ông dạy tôi là trong căn nhà đầy kỷ niệm ở phố Thuốc Bắc...”, họa sĩ Bùi Thanh Phương chia sẻ.
Thời Bùi Xuân Phái, mỗi năm Tết đến, người ta có thói quen mua những tấm thiếp in sẵn dòng chữ “Năm mới, thắng lợi mới” rồi sau đó ghi lời chúc tụng vào mặt sau, chứ không có ai dùng tranh tự vẽ để gửi chúc nhau. Họa sĩ Bùi Thanh Phương cho hay, có vài lần họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm cũng có tặng Bùi Xuân Phái bộ tranh Tết vẽ 12 con Giáp thật đẹp. “Nhớ lại thì dòng tranh Tết thời đó đúng là các ông vẽ cho vui và dùng để tặng nhau, ngay cả các nhà sưu tập cũng chỉ quan tâm tới những tác phẩm hội họa tầm cỡ, chưa lần nào thấy có ai quan tâm hỏi mua hay đặt các họa sĩ vẽ tranh Tết. Mà người họa sĩ vẽ ra, nếu có ai hỏi mua cũng không muốn bán, họ vẽ với ý muốn chỉ để tặng thôi”, con trai danh họa chia sẻ.
Danh họa Bùi Xuân Phái từng bị bạn lấy trộm tranh Tết
Họa sĩ Bùi Thanh Phương - con trai họa sĩ Bùi Xuân Phái. |
Qua lời kể của họa sĩ Bùi Thanh Phương, người duy nhất trong nhà theo nghiệp vẽ của cha mình, danh họa Bùi Xuân Phái vẽ bức tranh Tết đầu tiên là một bức tranh ông đồ lấy ý tưởng từ bài thơ “Ông đồ” nổi tiếng của nhà thơ Vũ Đình Liên. Theo đó, vào mùa xuân năm 1957, bức tranh hoàn thành, có người bạn tên Trần Văn Lưu đến xem thấy thích quá, cụ Phái tặng luôn.
Sau đó, nhà thơ Vũ Đình Liên có dịp đến chơi là ông Lưu, nhìn bức tranh ông đồ, nhà thơ giật mình, rồi vỗ đùi đánh đét: “Sao họa sĩ lột tả tinh thần bài thơ của tôi hơn cả tôi thế”. Vậy là, ông Liên thúc giục ông Lưu “mối lái” để làm quen với họa sĩ Phái.
Nhà thơ Vũ Đình Liên muốn gây cảm hứng cho họa sĩ nên làm thêm 3 bài thơ nữa đặt tên là Ông đồ 1, 2, 3 mang đến cho ông Phái vẽ. Từ đấy, Tết năm nào cụ Phái cũng vẽ một bức về ông đồ theo trạng thái từng năm: Ông đồ đắt hàng, ông đồ ế hàng, ông đồ say... Đến bài thơ thứ 4 thì họa sĩ không biết phải vẽ thế nào nên quyết định chấm dứt việc vẽ tranh ông đồ và chuyển sang vẽ cành đào.
Mấy năm cuối đời, vì kinh tế gia đình khá giả, họa sĩ Bùi Xuân Phái bảo cụ bà làm bữa cơm vào mồng 4 Tết để mời bạn bè. Trong hai năm 1987, 1988, họa sĩ mời đồng nghiệp là Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên... Được thưởng thức những món ăn nghi ngút khói, hai danh họa rất thích. Ăn xong, họ bắc ghế ra sân ngồi. Lúc này, họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ chủ nhà. Cung cách vẽ của Nguyễn Sáng rất trang trọng như cách người ta hành lễ. Tết năm 1987, họa sĩ Bùi Xuân Phái có được 4 bức chân dung dưới nét cọ của bạn.
Tuy nhiều tuổi song họa sĩ Bùi Xuân Phái có tâm hồn rất trẻ trung. “Cha tôi dễ tính lắm, ai đến chơi cụ cũng tiếp, cụ lại xuề xòa nên dễ bị “lợi dụng”, cụ lại giao du với rất nhiều người từ văn nghệ sĩ danh tiếng đến dân thường. Nhà tôi gần chợ, lại có cái sân rộng nên người quen đi qua thường ghé vào gửi xe, tiện thể xin tranh, xin thiệp về chơi Tết, nhưng chẳng bao giờ cụ phiền lòng về điều này cả. Ngày Tết, nhà chật, bạn bè của con đến chơi, ông cụ tiếp rất vui vẻ, coi tất cả như con mình. Sau một hồi tán chuyện, cả nhà bật nhạc nhảy đầm, cha mẹ tôi cũng nhảy cùng đám thanh niên. Đặc biệt, ông nhảy điệu valso rất điệu nghệ. Tết cuối cùng của cha tôi là mùa xuân năm 1988, một cái Tết bình thường như bao Tết khác mà họa sĩ của Hà thành đã đi qua...”, Bùi Thanh Phương kể về tính cách của cha mình.
Sự xuề xòa của danh họa Bùi Xuân Phái còn để lại nhiều câu chuyện vui mà gia đình ông thường vẫn kể lại khi ngồi nói chuyện với nhau. Bùi Thanh Phương kể lại, vào dịp Tết năm đó, một người bạn của ông đến nhà chơi trong lúc họa sĩ Bùi Xuân Phái đang ở trên gác xép. Nhìn thấy chiếc cặp vẽ trong có chứa những bức tranh Tết đang dang dở của cụ, ông bạn đã lấy đi 6 bức mà họa sĩ không hay biết gì. Nhưng vì tranh chưa có chữ ký của tác giả, có treo cũng thấy thiếu mất phần quan trọng nhất nên người bạn đành đem tranh lại và thú thực với ông Phái, mong ông lượng thứ mà ký vào những bức tranh. Đến lúc đó, danh họa Bùi Xuân Phái mới biết những bức tranh “đi đằng nào mất” lại đang nằm trong tay của bạn mình.
Không tỏ ra tức tối, họa sĩ từ tốn nói với bạn: “Ông đưa đây để tôi còn sửa, được chứ?”. Người bạn như mở cờ trong bụng, vội vàng lôi từ trong túi ra 6 bức tranh đưa cho ông Phái. Bùi Thanh Phương xúc động: “Những tính cách đó của cha tôi được nhiều người nhớ đến, dường như ông chỉ quan tâm đến nghệ thuật chứ không để ý đến những chuyện ngoài xã hội. Cha mất đi nhưng nhiều người bạn những năm sau này vẫn đến và nói chuyện với gia đình, những câu chuyện mà dường như đi vào huyền thoại. Chúng tôi luôn nhớ về người cha đáng kính của mình và luôn học tập tính cách của ông”.