(ĐSPL) - “Chỉ hai tháng sau khi lên chùa khấn vái cầu xin, tôi đã mang bầu và sinh một bé trai khỏe mạnh, kháu khỉnh”, chị Nguyễn Thị Mai (28 tuổi, ngụ xã An Lạc, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) nói. Nhiều chuyên gia cũng khó lý giải về chuyện “con cầu tự” và coi đó như... liệu pháp tâm lý?
Từ ngày có thêm thành viên nhí, không khí gia đình chị Mai lúc nào cũng… vui như tết. Chia sẻ về hành trình đi cầu tự, chị Mai cho biết, đó là một kỳ tích, một hạnh phúc lớn lao đối với gia đình chị.
Chị Mai cho hay, cậu con trai này có được là nhờ cầu tự… |
Sáu tháng sau kết hôn, gia đình nội ngoại, ai cũng sốt ruột. Mẹ chồng chị khi đó còn đi cắt thuốc Bắc cho cả hai vợ chồng uống, nhưng cái bụng mãi không thấy... phồng lên. “Một năm sau, hai vợ chồng quyết định ra Hà Nội khám. Cầm kết quả xét nghiệm trên tay, tôi và chồng rất bất ngờ. Bởi cả hai chúng tôi đều bình thường, bác sỹ dặn chúng tôi chỉ cần thoải mái tư tưởng và tính chu kỳ thì không khó để mang thai”, chị Mai kể.
Sau khi đi khám về, thấy an tâm hơn, vợ chồng chị lại đi cắt thuốc về uống tiếp. Hễ cứ
Hai vị vua Lê được xem là “con cầu tự” Ở việt Nam, câu chuyện cầu tự nổi tiếng nhất có lẽ là câu chuyện vua cầu tự sinh con trai. Trong bộ Quốc sử chính thống Đại Việt sử ký toàn thư của nhà sử học Ngô Sỹ Liên có chép: Vua Lý Thánh Tông ngoài 40 tuổi mà chưa có con trai nối dõi nên đã đi khấn cầu tự ở chùa chiền khắp nơi. Đến năm 1066, nguyên phi Ỷ Lan sinh được hoàng tử Càn Đức người sau này lên ngôi lấy danh hiệu là Lý Nhân Tông. Bộ Quốc sử cũng ghi chép rằng, cả hai cha con vua Lê Thánh Tông và vua Lê Hiến Tông cũng đều là con cầu tự. |
nghe đâu tiếng ông, bà lang nào có thuốc hay là anh chị lại tìm đến. “Có bệnh thì vái tứ phương, hồi đó, mình uống thuốc bắc đến... phát sợ. Chỉ ngửi thấy mùi thôi đã... buồn nôn, nhưng vì quá mong con nên khó uống thế nào cũng cố. Nhưng tốn bao tiền của, công sức mà kết quả chẳng thấy đâu. Cách đây hai năm, mẹ chồng tôi đi xem, thầy bói phán, do tuổi vợ chồng mình không hợp nhau nên rất khó có con tự nhiên, muốn có con phải đi cầu khấn”, chị Mai nói.
Theo lời người phụ nữ này, sau mấy năm cố gắng không được, vợ chồng chị thường xuyên lục đục, mâu thuẫn ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt, khi nghe mẹ chồng nói do tuổi hai người không hợp, chị chán nản đến mức đã nghĩ đến chuyện ly hôn.
Chị Mai nhớ lại: “Mẹ chồng ép chúng tôi phải đi chùa cầu khấn. Lúc đầu, tôi cũng chẳng tin lắm vào chuyện cầu tự là có thể có con nên cứ chần chừ mãi. Hơn một năm sau nữa, hai vợ chồng quyết định đi chùa Hương. Đến đây, chứng kiến các cặp vợ chồng bồng con đến để lễ tạ cảm ơn, mình thay đổi hoàn toàn suy nghĩ. Vợ chồng tôi quyết định thuê nhà nghỉ cạnh chùa một tuần, hôm nào cũng vào chùa thành tâm cầu khấn”.
“Khi nghe mẹ chồng nói do tuổi hai người không hợp, tôi chán nản đến mức đã nghĩ đến chuyện ly hôn…” |
Sau hai tháng từ ngày lên chùa, chị Mai mang bầu. Chị bảo, có lẽ các đấng thần linh đã nghe được lời cầu xin mà mang con về cho chị. Dịp đầu năm vừa qua, chị và chồng đã đi lại chùa để lễ tạ. “Tôi sinh con giống như một phép màu. Ai cũng mừng cho vợ chồng. Trộm vía, nhiều người nói con cầu tự thường khó nuôi hơn, nhưng con trai tôi thì khác. Cháu được tám tháng rồi, nó rất ngoan, ăn uống tốt và chưa ốm lần nào”, chị Mai vui vẻ nói. Theo chị, để đến chùa xin con, tốt nhất là cả hai vợ chồng cùng đi. Lễ lạt cũng không cần quá nhiều, nhưng cần thành tâm!?
“Cầu tự chỉ là liệu pháp tâm lý điều trị hiếm muộn”
Trao đổi với PV, PGS.TS.Ninh Văn Minh (Trưởng khoa Sản - bệnh viện Đại học Y Thái Bình) cho biết, lên chùa cầu tự xin con không phải là câu chuyện hiếm. Theo vị bác sỹ này, trong quá trình điều trị hiếm muộn, tâm lý là yếu tố được đánh giá cao. Một phụ nữ bình thường nếu bị căng thẳng hoặc bị áp lực cũng đã khó thụ thai. Đối với người gặp vấn đề về đường sinh nở, những áp lực từ gia đình hoặc xã hội càng làm cho tâm lý nặng nề gây ảnh hưởng lớn đến quá trình thụ thai.
PGS.TS.Ninh Văn Minh. |
“Theo đó, lời giải thích thỏa đáng nhất cho câu chuyện cầu tự sinh con đó là: Do mỗi lần đi lễ chùa, những người hiếm muộn thường khắc phục được yếu tố tâm lý. Họ tìm đến những chốn linh thiêng để có được sự thanh thản, nhẹ nhàng và đặc biệt, đáng quý nhất, chính là niềm tin mãnh liệt vào những điều thiêng liêng, hy vọng tốt đẹp về một tương lai với tiếng cười trẻ thơ. Liệu pháp tăng sức mạnh tinh thần này kết hợp với thuốc đang điều trị có thể khiến họ dễ dàng mang thai hơn", bác sỹ Minh nói.
Con cái cũng là nhân duyên
Hòa thượng Thích Thanh Duệ. |
Dưới cái nhìn tôn giáo, Hòa thượng Thích Thanh Duệ (Phó trưởng ban Văn hóa - Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cho biết: “Con cái cũng là một nhân duyên...”.
Theo Hòa thượng Thích Thanh Duệ, những người đi theo đạo Phật, đạo Lão, đạo Khổng, người ta hay cầu tự. Các loại kinh thông thường của Phật giáo đều nói việc cầu tự tức là nói đến sự cầu mong của những người Phật tử muốn có con trai, muốn có con gái thì đều được. Theo đó, muốn được Phật ban con thì Phật tử phải thuận thành, thiện mỹ, làm điều tốt với mọi người, hay nói cách khác là thành tâm hướng Phật.
Chuyện cầu tự từ kinh sách phổ biến trong nhân dân nhưng có những biến thể và nhiều người đã hiểu sai đi mục đích tốt đẹp của nó. Thực tế, bây giờ, những người đi cầu tự ở đình chùa, miếu mạo không xuất phát từ việc ăn ở hiền lành, làm phúc, làm thiện ngay từ đầu để cầu con cái mà chỉ khi nào thật sự hiếm muộn mới lên chùa cầu tự. Nhiều người không hiểu đạo Phật và không hiểu mục đích tốt đẹp được nói đến trong kinh sách về chuyện cầu tự. Nhiều người còn mang rất nhiều tiền của để làm lễ cầu tự, nhưng không hiểu bản chất tốt đẹp của việc này.
Cũng theo Hòa thượng Thích Thanh Duệ, con cái cũng là một nhân duyên. Với những người cầu tự thì việc có được con cái là do rất nhiều nguyên nhân. Đó là phúc đức, nhân duyên của vợ, chồng, của tổ tiên ông bà để lại. Theo quan niệm của đạo Phật, một người con sinh ra có hai góc độ. Người con được sinh vào nhà để trả nợ cho bố mẹ thì họ sẽ suốt đời ngoan ngoãn, vâng lời, hiếu thuận. Còn những người con được sinh vào nhà để đòi nợ bố mẹ thì từ lúc mang thai đã vất vả, đến khi sinh ra lại ốm đau, bệnh tật, phá phách. Tuy nhiên, nếu bố mẹ thành tâm hướng thiện, biết cách dạy dỗ con cái thì vẫn có thể thay đổi số phận. Chuyện đó cho thấy, quan niệm cho rằng, con cầu tự thường rất khó nuôi là không đúng và hoàn toàn sai lầm.
"Muốn con cầu tự nên người thì vẫn phải dạy dỗ"
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Văn Thắng. |
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Văn Thắng cho biết, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, vì khao khát có con thường đi "bái tứ phương" để cầu xin. Gia đình và bản thân đứa trẻ là "con cầu tự" thường cảm thấy vinh dự và luôn cố gắng để xứng đáng là "con nhà Phật", không dám làm điều ác, không dám làm những điều trái lời Phật dạy.
Tuy nhiên, lợi dụng niềm mong mỏi có con của những người đi cầu tự, nhiều kẻ xấu đã xúi giục họ tin vào những điều mê tín dị đoan, bành trướng việc cúng bái để trục lợi. Bởi vì, những người đã mang tâm đi cầu tự đều một lòng tin tưởng vào các thế lực thần thánh, siêu nhiên mà xem nhẹ phần tự lực của bản thân nên rất nhẹ dạ cả tin vào những điều nhảm nhí. Đến khi có được đứa con cầu tự, xem nó như con trời, con Phật, con vua cháu chúa, bố mẹ chỉ biết nuông chiều, cung phụng, nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa, không bao giờ dám đả động, mắng mỏ, dạy dỗ. Chính vì thế, những đứa trẻ này cũng sinh ra tinh tướng, kiêu căng, ngạo mạn, dễ biến thành người xấu…
DƯƠNG NHUNG - NHỊ HÀ
Xem thêm Video hủ tục khó tin ở Việt Nam: Mẹ chết phải chôn con