Tuy chưa có kết luận chính thức nhưng Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã công bố các thông tin trong quá trình thanh tra khiến cơ sở cơm tấm Kiều Giang bị ảnh hưởng nặng nề.
Sáng qua 29/8, tại trụ sở Đội Quản lý An toàn thực phẩm số 2, ông Phan Văn Quảng, Trưởng đoàn kiểm tra theo quyết định 651/QĐ-BQLATTP, đã ký biên bản Vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Kiều Giang kinh doanh dịch vụ ăn uống tại 652 xa lộ Hà Nội, phường Phước Long B, quận 9 - TP.HCM nổi tiếng với hệ thống cơm tấm Kiều Giang.
Theo biên bản, cơm tấm Kiều Giang vi phạm 2 lỗi hành chính gồm sử dụng khu vực chế biến không bảo đảm vệ sinh hoặc có côn trùng, động vật gây hại và sử dụng người lao động có mặc trang phục bảo hộ theo quy định nhưng không đầy đủ đối với vi phạm dưới 10 người. Cụ thể, khu vực chế biến ở địa chỉ trên có ruồi, sàn nhà trong khu vực chế biến gạch vỡ bong tróc, 5 nhân viên tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không mang khẩu trang.
Cơ sở cơm tấm Kiều Giang có thể khởi kiện do thông tin thanh tra bị đăng tải khi chưa có kết luận chính thức. Ảnh: VietNamnet |
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trung Phong, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Kiều Giang, cho biết ngay khi từ Mỹ về Việt Nam sau sự cố, ông đã cung cấp đầy đủ chứng từ hóa đơn, hợp đồng mua các nguyên liệu thực phẩm đến cơ quan chức năng, đồng thời khẩn trương khắc phục các lỗi nhỏ trong khu vực chế biến như thay gạch phần sàn nhà bong tróc, làm lại hệ thống lưới chống côn trùng…
Về phía Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, đại diện Ban cho biết, hiện vẫn chưa ban hành quyết định xử phạt đối với Công ty Kiều Giang, khi nào có quyết định sẽ công bố trên website của ban. Theo tìm hiểu của phóng viên, với 2 lỗi vi phạm nêu trên, theo các quy định hiện hành thì mỗi hành vi trên bị phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng. Nếu không có tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng, mức phạt sẽ là 750.000 đồng (bình quân), hai hành vi có mức phạt dự kiến là 1,7 triệu đồng.
Song, trước sự việc lộ thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức của Ban Quản lý ATTP TP.HCM lại đang là vấn đề vi phạm quy định trong Luật An toàn thực phẩm.
Trao đổi với PV VTC News, luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định, Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM công bố các thông tin về đợt kiểm tra cơ sở của Kiều Giang trước khi có kết luận chính thức là vi phạm quy định của Luật An toàn thực phẩm.
“Một hành vi chỉ được xem là sai phạm khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Nếu chỉ mới lập biên bản về việc tạm giữ các thực phẩm của doanh nghiệp thì theo luật chưa được công bố. Khi chưa có quyết định chính thức đã đăng công khai trên các phương tiện thông tin là sai.
Tất cả các thông tin tạm giữ tang vật có dấu hiệu vi phạm đều phải bí mật trước khi có sai phạm rõ ràng. Thậm chí nếu trong trường hợp đã có quyết định rồi nhưng người ta vẫn có quyền khiếu nại, khiếu kiện”, luật sư Học cho biết.
Cụ thể, về nguyên tắc, việc đăng tải thông tin công khai trên cổng thông tin điện tử liên quan đến hoạt động kiểm tra ATTP chỉ thực hiện sau khi có quyết định xử lý vi phạm hành chính. Nếu chưa có quyết định xử phạt chính thức thì không được đăng tải bất kỳ thông tin nào.
“Công bố trước thông tin dù chưa khẳng định sai phạm gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Họ ngộ nhận rằng cơm tấm Kiều Giang đang sai phạm, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đây là việc không đúng quy định”, luật sư Học chia sẻ.
Cơm tấm Kiều Giang vắng khách sau thông tin về đợt kiểm tra của Ban Quản lý ATTP lan truyền. Ảnh: VTCNews |
Luật sư Học cho rằng, nếu tổ chức phát ngôn có gây ảnh hưởng không tốt đến doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền khởi kiện tổ chức đó. Trường hợp Kiều Giang có thiệt hại, doanh nghiệp có quyền yêu cầu bồi thường theo bộ luật dân sự.
Cơm tấm Kiều Giang cũng có quyền yêu cầu đính chính đối với cơ quan đã đăng tải thông tin gây bất lợi cho doanh nghiệp khi chưa có kết luận cuối cùng.
“Hiện nay theo luật chỉ cần có quyết định xử phạt là đã đăng tải thông tin công khai rồi. Nhưng theo tôi từ nay về sau, các cơ quan Nhà nước sau khi kiểm tra, thanh tra xong cần chờ cho đơn vị, cá nhân bị kiểm tra, thanh tra khiếu kiện đã. Vì nếu người ta khiếu nại mà tòa hủy quyết định xử phạt của cơ quan Nhà nước thì sao?”, luật sư Học nói.
Điều 68 Luật An toàn thực phẩm: Trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm 4. Hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm phải bảo đảm nguyên tắc: a) Khách quan, chính xác, công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử; b) Bảo vệ bí mật thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức; c) Không được sách nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm; d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra, kết luận có liên quan. |
Nguyễn Phượng(T/h)