(ĐSPL) - Chris Goodfellow, một phi công người Canada với 20 năm kinh nghiệm bay, đã ca ngợi cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah là một người hùng, chứ không phải là một tên không tặc.
Những tiết lộ mới nhất cho thấy chiếc Boeing 777-200 của Malaysia đã bay "không người lái" trong nhiều giờ và đâm xuống biển khi hết nhiên liệu.
|
Cơ trưởng MH370: Người hùng hay không tặc? |
Thông báo của Thủ tướng Malaysia rằng chuyến bay MH370 kết thúc bi thảm ở Nam Ấn Độ Dương có thể hỗ trợ giả thiết phi hành đoàn trên chiếc Boeing 777 bị mất tích của Malaysia Airlines có thể đã bị khói lửa vô hiệu hóa. Tin tức mới nhất hỗ trợ cho giả thiết rằng chiếc máy bay này đã bị trục trặc, phải đổi hướng và bay về phía sân bay gần nhất.
Theo ông Chris Goodfellow, cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah đã làm chính xác những gì cần phải làm gì trong trường hợp khẩn cấp và cố gắng đưa chiếc Boeing 777-200 của Malaysia Airlines đến đến sân bay gần nhất, càng sớm càng tốt.
Trong trường hợp này, đó là sân bay trên đảo Palau Langkawi có đường băng dài 13.000 feet (hơn 4.000m), nơi chiếc máy bay xuất hiện trên màn hình radar quân sự lần cuối cùng.
Ông Goodfellow cho rằng các phi công đã bị khói lửa vô hiệu hóa và chiếc Boeing 777 đã bay vọt qua sân bay được lựa chọn cuối cùng trước khi đâm xuống Ấn Độ Dương. Ông viết: "Chúng tôi, những phi công lão luyện, luôn biết sân bay gần nhất để hạ cánh trong tình huống khẩn cấp. Theo bản năng, tôi biết cơ trưởng (Zaharie Ahmad hah) đang đưa máy bay về hướng sân bay an toàn nhất".
Ông Goodfellow cho biết sau khi biết tin về chuyến bay MH370 đổi hướng, ông đã ngay lập tức truy cập Google Earth và phát hiện ra đường băng sân bay trên đảo Palau Langkawi. Sân bay này dễ hạ cánh hơn và gần hơn so với sân bay Kuala Lumpur. Ông viết: "Viên phi công này đã làm tất cả những điều đúng đắn. Ông ta đã phải đối mặt với một sự cố lớn trên máy bay và ngay lập tức quay trở lại sân bay an toàn nhất".
Ông cho rằng có thể một đám cháy đã xảy ra trên chiếc Boeng 777 và phi hành đoàn đã bị khói lửa cản trở tầm nhìn, nếu không muốn nói là bị nghẹt thở. Trong khi đó, theo báo cáo, chiếc máy bay này có chở theo một lô hàng gồm pin lithium dễ phát nổ và bốc cháy. Hoặc có thể một trong những lốp máy bay bị quá nóng trong quá trình cất cánh và bắt đầu bốc cháy. Khói đã vào buồng lái và vô hiệu hóa hoạt động của các phi công. Ông trích dẫn một trường hợp tương tự đã xảy ra ở Nigeria, khi hệ thống bánh xe của một chiếc DC8 đã bốc lửa trong khi cất cánh.
Ông Goodfellow tin rằng sau thời điểm bay vọt qua đảo Palau Langkawi, chiếc Boeing 777-200 của Malaysia Airlines đã bay ở chế độ "không người lái" (chế độ bay tự động) cho đến khi hết nhiên liệu hoặc đám cháy bùng phát lớn khiến máy bay bị phá hủy. Nếu phi công tự sát, thì anh ta đã đâm thẳng máy bay xuống Biển Đông, chứ không lái máy bay đến sân bay trên đảo Palau Langkawi và sau đó cố cài đặt chế độ bay tự động.
Thay lời kết, ông Goodfellow viết rằng ông cảm thấy "choáng váng" khi thấy các quan chức, các phóng viên đã không nhìn nhận sự việc từ góc nhìn của một phi công.
Minh Đức(theo Daily Mail)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-truong-mh370-nguoi-hung-hay-khong-tac-a26875.html