(ĐSPL) - Theo một học giả Nga, chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines có thể đã bị bắt cóc để chuẩn bị cho một cuộc tấn công khủng bố.
Giáo sư ĐHTH Saint-Peterburg, tiến sĩ khoa học Vladimir Kolotov nhận định: “Có thông tin rằng, trước khi biến mất khỏi màn hình radar, máy bay đã đổi hướng và hạ độ cao. Nó có thể hạ cánh xuống bất kỳ đường cao tốc nào, tải thêm cái gì đó rồi sử dụng để thực hiện cuộc khủng bố, thí dụ như hồi 11 tháng Chín 2001. Trong rừng rậm Đông Nam Á có đủ chỗ để cất giấu máy bay. Xuất phát từ thông tin về hành khách và hộ chiếu giả, 4 nhân vật là cơ số lý tưởng để thực hiện vụ cướp… Nếu máy bay bị cướp, chúng ta sẽ còn được nghe về nó”.
|
Máy bay Malaysia mất tích: Mưu toan khủng bố? |
Chuyên viên Dmitry Mosyakov - lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và Châu Đại Dương của Viện Nghiên cứu phương Đông (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga) – thiên về giả thiết chiếc máy bay này đã bị tấn công. Ông nói: “Nếu nói về một vụ tấn công, thì cảm quan trực giác đầu tiên là những phần tử ly khai Uighur. Phong trào này đã rất nhanh chóng chuyển sang lập trường cực đoan và trở thành bộ phận trong mạng lưới khủng bố quốc tế toàn cầu al-Qaeda. Thoạt tiên, họ hoạt động trên địa bàn Tân Cương, sau đó di chuyển đến các phần khác của lãnh thổ Trung Quốc. Đã xảy ra những cuộc tấn công khủng bố lớn gần đây của đối tượng Uighur ly khai như vụ nổ trên Quảng trường Thiên An Môn hồi cuối tháng 10/2013 và vụ thảm sát gần đây tại nhà ga xe lửa thành phố Côn Minh. Cuộc tấn công khủng bố trên máy bay chở khách có thể là thêm một mắt xích nữa quan trọng nhất trong chuỗi hành động này, bởi là sự kiện thu hút cực nhiều sự chú ý. Ở đây ta đang nói về cuộc chiến tranh mà các phần tử khủng bố toàn cầu tiến hành chống lại cả Mỹ và Trung Quốc…”.
Bất kể ngả theo giả thiết nào, sự biến mất của chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines là khó hiểu và không thể giải thích nổi. Sự kiện này chỉ có thể so sánh với chuyện 35 năm trước đây, khi chiếc Boeing 707 mất tích trên Thái Bình Dương, sau khi cất cánh từ Tokyo. Cuộc tìm kiếm khi đó đã kéo dài 8 ngày, huy động 70 tàu của Mỹ và Nhật Bản. Đáng tiếc là người ta đã không tìm thấy bất kỳ dấu vết của chiếc máy bay nói trên.
Văn Linh (theo Tiếng nói nước Nga)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/may-bay-malaysia-mat-tich-muu-toan-khung-bo-a25480.html