Theo tin tức cổ phiếu trên báo Tiền Phong, mở cửa phiên giao dịch ngày 19/10 trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ (tối 19/10 giờ Việt Nam), cổ phiếu VinFast Auto (mã chứng khoán: VFS) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục giảm mạnh.
Theo đó, lúc 21h45 (giờ Việt Nam), cổ phiếu VFS của VinFast Auto đang giao dịch quanh mức 5,7 USD/cổ phiếu, giảm 4,52% so với phiên liền trước. Khối lượng giao dịch đạt 1,3 triệu đơn vị.
Như vậy, kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq, đây là lần đầu tiên cổ phiếu VinFast giao dịch dưới mức 6 USD/cổ phiếu.
Với thị giá hiện tại, vốn hóa của VinFast Auto ở mức 13,232 tỷ USD. Mức vốn hoá này thấp hơn gần 10 tỷ USD so với mức định giá ban đầu khi sáp nhập với Black Spade là 23 tỷ USD.
Hiện tại, vốn hoá VinFast ở vị trí thứ 22 trong danh sách các hãng xe ô tô trên thế giới, giảm 1 bậc so với phiên hôm qua. Vốn hóa hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đứng trên hãng xe Kia của Hàn Quốc, Subaru Corporation của Nhật, Mazda Motor Corporation của Nhật Bản… nhưng đã bị hãng xe Nissan và Suzuki của Nhật Bản vượt qua.
Nếu chỉ tính các hãng xe điện, VinFast đứng thứ 6 sau hãng xe Tesla của tỷ phú Elon Musk (tính tới 18/10 có vốn hóa 705,17 tỷ USD), BYD của Trung Quốc (92,8 tỷ USD), Li Auto của Trung Quốc (32,5 tỷ USD), hãng xe Rivian (16,41 tỷ USD) - công ty có trụ sở ở Irvine, California (Mỹ), NIO - hãng xe điện Trung Quốc hay còn được gọi là “sát thủ Tesla” (13,76 tỷ USD).
Đây là phiên thứ 2 liên tiếp kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ, VinFast bị rơi khỏi top 5 hãng xe điện có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán.
Trả lời trên Bloomberg TV về việc VinFast sẽ mua lại nhà máy của Ford tại Ấn Độ, CEO Lê Thị Thu Thủy cho biết, công ty đã cân nhắc nhiều phương án và hiện rút ngắn còn 3 lựa chọn để đặt lên bàn cân cho quá trình thảo luận. Đồng thời, VinFast vẫn đang trong quá trình trao đổi với Chính phủ Ấn Độ về các kế hoạch cụ thể và hãng sẽ công bố khi có thêm thông tin chi tiết.
Về câu hỏi liệu VinFast có cần huy động vốn mạnh mẽ hơn nữa, bà Thủy nói rằng trong 18 tháng tới, VinFast vẫn nhận được hỗ trợ tài chính từ Vingroup và chủ tịch tập đoàn nên công ty vẫn có đủ nguồn lực để thực hiện các kế hoạch kinh doanh.
Nhưng cũng như bất cứ doanh nghiệp nào khác, VinFast luôn tìm kiếm các cơ hội huy động vốn sau khi niêm yết. Công ty đang trao đổi với rất nhiều nhà đầu tư để huy động vốn cho các mục tiêu phát triển toàn cầu.
Trả lời câu hỏi của Bloomberg về khả năng hòa vốn vào cuối năm 2025, lãnh đạo VinFast khẳng định, những năm vừa rồi là giai đoạn tập trung xây dựng nền tảng và đặt nền móng cho VinFast.
VinFast đã đầu tư mạnh vào 7 mẫu xe đã ra mắt thị trường cũng như các nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Ngoài ra, VinFast đang có những trung tâm sản xuất quy mô đặt tại các cơ sở chi phí thấp, theo Vietnamnet.
Vân Anh(T/h)