Theo tin tức cổ phiếu trên tạp chí Đầu tư tài chính, cổ phiếu phân bón tại Việt Nam đồng loạt tăng kịch trần tính đến 10h sáng nay (8/9), bao gồm: DCM của Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau, DPM của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, BFC của Công ty Phân bón Bình Điền, SFG của Công ty Phân Bón Miền Nam, VAF của Công ty Phân lân Nung chảy Văn Điển... Ngoài ra, "ông lớn" DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang cũng tăng mạnh trên 3%.
Cổ phiếu ngành phân bón tại Việt Nam tăng mạnh trong bối cảnh mới đây, nguồn tin của Bloomberg cho hay, một số nhà sản xuất phân bón lớn của Trung Quốc đã tạm dừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới từ đầu tháng 9 theo yêu cầu của Chính phủ và hạn chế này chỉ áp dụng đối với phân Ure.
Trên sàn giao dịch hàng hóa, hợp đồng tương lai ure đã tăng gần 50% từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7. Tuy nhiên sau đó giá biến động mạnh và giảm hơn 11% sau chỉ đạo của Trung Quốc.
Nhà sản xuất CNAMPGC Holding cho biết sẽ hạn chế xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung và duy trì giá ở mức ổn định. Chen Li, chuyên viên phân tích tại công ty môi giới Huatai Futures, cho biết lượng tồn kho thấp ở Trung Quốc cùng với xuất khẩu tăng mạnh đã đẩy giá phân Ure lên cao hơn.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu phân Ure. Từ giữa năm 2021, Trung Quốc đã thực hiện chính sách này nhằm bảo hộ nguồn cung trong nước, kìm hãm giá phân bón.
Năm 2022, các doanh nghiệp phân bón tại Việt Nam đã hưởng lợi từ việc giá phân bón tăng phi mã do đứt gãy chuỗi cung ứng. Chẳng hạn với DCM, doanh thu từ phân bón ure đạt 12.402 tỷ đồng, tăng 70,3% so với năm ngoái.
Trong đó, giá bán ure trung bình đạt 14.694 đồng/kg (tăng 53% so với cùng kỳ), nguyên nhân đến từ sự sụt giảm cung phân bón từ Nga (thị trường xuất khẩu ure lớn nhất thế giới năm 2021) và các chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón từ Trung Quốc (thị trường sản xuất ure lớn nhất thế giới). Riêng doanh thu xuất khẩu của DCM đã đạt 5.818 tỷ đồng trong năm 2022, tăng mạnh 206% so với năm 2021.
Thị trường kỳ vọng trong năm 2023, Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách trên và thực tế cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2023, lượng xuất khẩu phân bón ure đã tăng tới 43% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, động thái mới từ Trung Quốc đã phá vỡ kỳ vọng này.
Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ ure hàng đầu thế giới. Sự sụt giảm trong xuất khẩu của Trung Quốc có nguy cơ thắt chặt nguồn cung và đẩy giá phân bón toàn cầu tăng cao. Ấn Độ, Hàn Quốc, Myanmar và Australia là những thị trường tiêu thụ nhiều urê của Trung Quốc nhất. Trong đó, Ấn Độ là thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất trong 7 tháng của năm 2023 với 17%, tương đương 226.000 tấn.
Các hạn chế này khiến thị trường nông nghiệp toàn cầu trở nên bất ổn hơn, trong lúc thời tiết đang khắc nghiệt, Ấn Độ hạn chế xuất khẩu nhiều mặt hàng liên quan đến nông sản và cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa biết khi nào kết thúc.
Vân Anh(T/h)