Báo Vietnamnet đưa tin, kết phiên giao dịch ngày 23/6, cổ phiếu XDC của Công ty TNHH MTV Xây dựng Công trình Tân Cảng ghi nhận đạt mức 580.100 đồng/cổ phiếu.
Ngày 24/4, từ mức giá 15.700 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu XDC bắt đầu tăng mạnh liên tục. Chốt phiên ngày 23/6, giá cổ phiếu cao gấp 37 lần so với 2 tháng trước, lên mức hơn 580.000 đồng/cổ phiếu.
Về thanh khoản, khối lượng giao dịch của XDC bắt đầu tăng kể từ phiên ngày 1/6. Tuy nhiên giao dịch chỉ khoảng vài trăm cổ phiếu/phiên.
Với đà tăng phi mã, XDC đã trở thành cổ phiếu có giá cao thứ 2 toàn sàn, chỉ xếp sau hiện tượng cổ phiếu VNZ của “kỳ lân công nghệ” VNG, hiện đạt quanh mức 750.000 đồng/cổ phiếu.
Nếu phiên tiếp theo, đạt mức tăng kịch trần (sàn UpCom là 15%), XDC có thể lên mức 870.000 đồng/cổ phiếu, khi đó XDC sẽ vượt giá cổ phiếu VNZ, trở thành cổ phiếu đắt giá nhất sàn chứng khoán.
XDC lên sàn UPCoM vào ngày 1/12/2022, với giá 15.000 đồng/cổ phiếu.
Về Công ty TNHH một thành viên Xây dựng Công trình Tân Cảng, theo tạp chí Nhà đầu tư, Công ty tiền thân là đơn vị công binh thuộc Quân chủng Hải quân. Qua nhiều lần sáp nhập, năm 2007, Công ty chính thức được thành lập, hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn nắm 100% vốn.
Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác, với công trình tiêu biểu là thi công hệ thống cảng Tân Cảng Cát Lái được đánh giá là cảng container hiện đại và lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Trong quá khứ, Công ty chủ yếu xây dựng các công trình giao thông, cầu cảng, doanh trại, hạ tầng kỹ thuật cho Quân chủng Hải quân và Bộ Quốc phòng, nhưng hiện đã mở rộng thêm sang cả các công trình dân sinh, cho thuê cẩu KE.
Để thực hiện cổ phần hóa, ngày 21/10/2022, gần 3,28 triệu cổ phiếu của Xây dựng Công trình Tân Cảng đã được chào bán đấu giá công khai lần đầu ra công chúng (tỷ lệ khoảng 36% cổ phần), với giá khởi điểm 15.322 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị huy động dự kiến hơn 50 tỷ đồng.
Tuy nhiên chỉ có 3 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá và mua thành công 8.200 cổ phần, với giá bình quân 15.502 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền thu được là hơn 127 triệu đồng. 2 tháng sau đó, 8.200 cổ phiếu XDC đã được giao dịch trên sàn UpCOM.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu của XDC trong hai năm 2018-2019 duy trì ở mức khá tốt và đạt đỉnh doanh thu 530 tỷ đồng vào năm 2019. Song từ năm 2020 trở đi tình hình kinh doanh lại bắt đầu đi xuống.
Năm 2021, Công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 329 tỷ đồng và 9,4 tỷ đồng, tương ứng giảm 27,4% và 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo lý giải của XDC, năm 2020 tình hình kinh tế khó khăn, dịch bệnh kéo dài, nên doanh thu giảm so với năm 2019 và cũng thấp hơn so với các năm trước. Đến năm 2021, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến phức tạp, nên việc kinh doanh của công ty chịu nhiều ảnh hưởng.
Sang năm 2022, doanh thu thuần của XDC ở mức 279,4 tỷ đồng, trong đó mảng xây lắp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu còn lãi ròng đạt 7,6 tỷ đồng, giảm 18% so với năm trước đó.
Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của XDC là 229 tỷ đồng, chủ yếu là khoản phải thu ngắn hạn khách hàng 162,5 tỷ đồng. Hiện công ty này có vốn điều lệ 90 tỷ đồng.
Ở diễn biến gần đây, ông Đỗ Phú Đạt đã chi 9 triệu đồng mua 500 cổ phiếu XDC để nâng sở hữu từ 0% lên 6,1%, qua đó chính thức trở thành cổ đông lớn từ ngày 25/4/2023.
Tuy nhiên, ngày 12/5, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố văn bản đính chính thông tin trên. Theo đó, số lượng cổ phiếu ông Phú nắm giữ trước giao dịch là 500 cổ phiếu, tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ trước khi thực hiện giao dịch chưa xác định được do Công ty TNHH một thành viên Xây dựng Công trình Tân Cảng chưa chuyển đổi thành loại hình công ty cổ phần.
Vân Anh(T/h)