+Aa-
    Zalo

    Cổ phiếu LEC vào diện cảnh báo, BĐS Điện lực Miền Trung đối diện thách thức lớn

    (ĐS&PL) - Từ hôm nay (25/6), mã cổ phiếu LEC của Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Miền Trung chính thức bị đưa vào diện kiểm soát trên sàn HOSE.

    Theo thông tin trên trang Đầu tư chứng khoán, chỉ còn ít ngày nữa Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 của Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Miền Trung (LEC) sẽ diễn ra (ngày 29/6), nên thông tin cổ phiếu của doanh nghiệp bị Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đưa vào diện cảnh báo càng khiến nhiều người quan ngại.

    Năm 2024, LEC đặt ra với mục tiêu doanh thu 508 tỷ đồng (trong đó doanh thu từ hoạt động xây lắp 340,94 tỷ đồng, doanh thu từ thương mại – dịch vụ là 167,11 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế hơn 8 tỷ đồng. Cụ thể hơn, nguồn doanh thu chính sẽ đến từ việc thực hiện các hợp đồng thi công cho Dự án Tổ hợp Ánh Dương – Soleil Đà Nẵng, bên cạnh thực hiện các thủ tục tìm đối tác mới để triển khai dự án Khu phức hợp EVN – Land Đà Nẵng – Giai đoạn 2.

    Cổ phiếu LEC vào diện cảnh báo, BĐS Điện lực Miền Trung đối diện thách thức lớn. Ảnh: LEC

    Cổ phiếu LEC vào diện cảnh báo, BĐS Điện lực Miền Trung đối diện thách thức lớn. Ảnh: LEC

    Tuy nhiên, kế hoạch trên là thách thức rất lớn đối với LEC, nhất là khi Dự án Tổ hợp Ánh Dương – Soleil Đà Nẵng đang gặp khó khăn về cả tài chính và việc kinh doanh các sản phẩm đầu ra trong bối cảnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phân khúc Condotel còn cần thêm thời gian để cân nhắc.

    Thêm vào đó, kết quả kinh doanh quý I/2024 cũng không mấy khả quan khi Công ty ghi nhận vỏn vẹn 13,5 tỷ đồng doanh thu thuần và tiếp tục báo lỗ gần 3,7 tỷ đồng.

    Về hoạt động kinh doanh năm 2023, theo tài liệu Đại hội, Ban lãnh đạo LEC cho biết, năm 2023 tiếp tục là một năm khó khăn của doanh nghiệp khi tổng doanh thu thực hiện đạt 104,3 tỷ đồng, giảm 57% so với năm trước.

    Trong đó, riêng doanh thu công ty mẹ giảm tới 73,26%, chủ yếu do doanh thu hoạt động xây lắp giảm mạnh, đồng thời các công ty con như CTCP Vui chơi Thế hệ Mới, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Phúc Tiến, CTCP Đầu tư Xây dựng P&P cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính sụt giảm cùng chi phí tài chính tăng mạnh là nguyên nhân trọng yếu dẫn tới kết quả năm 2023 lỗ gần 31 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lỗ 8,89 tỷ đồng. 

    Trước đó, HOSE đã có Văn bản số 267/QĐ-SGDHCM về việc chuyển cổ phiếu LEC từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 27/5. 

    Lý do được HOSE đưa ra là, tổ chức niêm yết chậm nộp Báo cáo tài chính 2023 đã kiểm toán quá 45 ngày theo quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị hạn chế giao dịch theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.

    Cũng theo văn bản này của HOSE, kể từ ngày 27/5, cổ phiếu LEC sẽ chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận.

    Trước khi bị chuyển sang diện hạn chế giao dịch, cổ phiếu LEC đã bị HOSE đưa vào diện cảnh báo từ ngày 24/4 và chuyển từ cảnh báo sang diện kiểm soát vào ngày 9/5 cùng một lý do là chậm nộp Báo cáo tài chính năm 2023 đã kiểm toán lần lượt quá 15 ngày và 30 ngày theo quy định.

    Trong hai lần bị áp dụng các chế tài quản lý, Bất động sản Điện lực Miền Trung cũng đã có các văn bản giải trình khắc phục. Trong đó, tại văn bản giải trình việc cổ phiếu LEC bị đưa vào diện cảnh báo, doanh nghiệp này cho hay, nguyên nhân của việc chậm nộp báo cáo kiểm toán quá 15 ngày là: Đây là đơn vị kiểm toán mới thực hiện việc kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2023 của LEC lần đầu tiên và số lượng các công ty con phân bố rải rác tại nhiều tỉnh thành nên cần nhiều thời gian cho công tác kiểm toán tại các công ty con dẫn đến việc phát hành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 bị chậm so với quy định, theo báo Xây dựng. 

    Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Miền Trung đang trải qua một giai đoạn đầy thách thức với tình hình kinh doanh sa sút nghiêm trọng. Sau khi hợp nhất, hoạt động xây dựng công trình vẫn là mảng kinh doanh lớn của Công ty khi chiếm 93,69% trong cơ cấu doanh thu năm 2022 và 58,31% trong cơ cấu doanh thu năm 2023, tương đương 60,8 tỷ đồng. Doanh thu từ mảng dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí tăng đạt 43,4 tỷ đồng, tương đương 41,69% cơ cấu doanh thu. Thời gian tới, Tổng Công ty vẫn sẽ chú trọng vào mảng xây dựng công trình và dịch vụ thương mại nhằm đảm bảo doanh thu cho LEC. Nhìn chung trong năm qua, tình hình tài sản LEC không có biến động nhiều, tổng tài sản giảm 19,63% (đạt 971,99 tỷ đồng) so với năm 2022. Sự biến động chủ yếu đến từ khoản mục các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho.

    Bên cạnh đó, LEC còn phải đối mặt với áp lực nợ nần lớn. Tổng nợ phải trả của công ty lên tới 575 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn. Nhiều khoản vay ngắn hạn của LEC và các công ty con đã phải gia hạn nhiều lần, gây áp lực lên khả năng thanh toán của công ty, theo trang VietNam Daily.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/co-phieu-lec-vao-dien-canh-bao-b-s-ien-luc-mien-trung-oi-dien-thach-thuc-lon-a438129.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan