+Aa-
    Zalo

    Cổ phần hóa MobiFone: VNPT trả giá cho "lòng tham"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nếu VNPT thực hiện cổ phần hóa MobiFone từ năm 2006 thì tập đoàn này vẫn có thể giữ tới 80\% cổ phần.

    (ĐSPL) - Nếu VNPT thực hiện cổ phần hóa MobiFone từ năm 2006 thì tập đoàn này vẫn có thể giữ tới 80\% cổ phần.

    Sau một thời gian dài nâng lên hạ xuống, Chính phủ đã đồng ý với phương án tách MobiFone khỏi VNPT. Điều này đã được lãnh đạo của VNPT tính đến từ trước nhưng sẽ khá ngạc nhiên khi biết rằng nếu không quá "tham lam", Tập đoàn này đã không "thiệt" khi cổ phần hóa MobiFone như hiện tại.

    Bản thân từng có quãng thời gian dài công tác tại VNPT trên cương vị Tổng giám đốc, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) Mai Liêm Trực luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới mỗi chuyển động của Tập đoàn này. Theo nhận định của ông, việc mất MobiFone là một thiệt thòi lớn với VNPT.

    "Bản thân tôi nếu là VNPT tôi không muốn tách anh nào ra hết, bởi MobiFone cũng là công sức gây dựng của VNPT trong nhiều năm nay. Không những thế MobiFone lại là đơn vị làm ăn tốt nhất, mang lại 70\% lợi nhuận của VNPT, chính vì vậy việc tách MobiFone là vạn bất đắc dĩ mới phải làm", ông Trực chia sẻ.

    Mất MobiFone, VNPT trả giá cho

    Tuy nhiên, ông Trực cho rằng, việc mất MobiFone lỗi lớn là nằm ở chính VNPT. Nếu VNPT thực hiện cổ phần hóa từ năm 2006 thì lúc đó VNPT vẫn có thể chiếm tới 80\% cổ phần của MobiFone, thậm chí với Nghị định 25 năm 2011, VNPT vẫn giữ 80\% cổ phần và chỉ phải cổ phần hóa 20\% của MobiFone, nguyên Thứ trưởng tiếc nuối.

    Được biết, từ năm 2006, việc cổ phần hóa MobiFone được Thủ tướng phê duyệt. Khi đó, theo Nghị định 187/2004/NĐ-CP, các nhà đầu tư chiến lược chỉ được mua tối đa 20\% số cổ phần bán ra, điều này cũng đồng nghĩa với việc VNPT hoàn toàn có thể nắm giữ con số 80\% còn lại.

    Tuy nhiên trong những năm kế tiếp quá trình này đã luôn dậm chân tại chỗ. Một lãnh đạo của MobiFone cũng từng chia sẻ: Mọi việc ở phía MobiFone được tiến hành rất tích cực nhưng sang đến VNPT xử lý lại rất chậm.

    Phải tới năm 2011 khi Chính phủ ban hành Nghị định 25, vấn đề cổ phần hóa MobiFone mới nhận được quan tâm thực sự của phía VNPT. Theo đó, một doanh nghiệp sẽ không được cùng lúc sở hữu 2 doanh nghiệp viễn thông, điều này đồng nghĩa với việc VNPT sẽ buộc phải chấp nhận mất một trong hai VinaPhone hoặc MobiFone.

    Ngay sau đó, VNPT đã trình lên đề án tái cơ cấu với điểm mấu chốt là sáp nhập VinaPhone và MobiFone, điều này sẽ giúp họ giữ được cả 2 nhà mạng này. Tuy nhiên, phương án này đã không được chấp nhận bởi nó đi ngược lại chiến lược phát triển viễn thông đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ khi muốn Việt Nam có ít nhất 3 nhà mạng sở hữu thị phần tương đương cạnh tranh với nhau.

    Chấp nhận mất MobiFone, trong nỗ lực tái cơ cấu mới đây nhất, VNPT đã đồng ý để nhà mạng này ra ở riêng nhưng phải nhận kèm theo khoảng hơn 60 doanh nghiệp, trong đó phần lớn là đang thua lỗ. Món quà "hồi môn" này được định giá là âm khoảng 1.600 tỷ đồng.

    Tuy nhiên, lại thêm một lần nữa VNPT đã phải trả giá cho sự "tham lam" trong quá khứ của mình. Phương án tái cơ cấu VNPT được Chính phủ thông qua sẽ chấp nhận cho MobiFone tách ra mà không phải mang theo bất cứ doanh nghiệp nào thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông.

    Ngoài ra hậu quả khi để mất MobiFone cũng được hiển hiện rõ qua các con số thống kê về mặt tài chính. Kết thúc năm 2013, VNPT đạt doanh thu 119.000 tỷ đồng, lợi nhuận 9.265 tỷ đồng nhưng phần mà MobiFone mang lại đã chiếm tới 60\% trong số này.

    Bên cạnh đó, MobiFone là một trong không nhiều doanh nghiệp trực thuộc VNPT làm ăn có lãi. Thậm chí có rất nhiều đơn vị đang làm ăn thua lỗ như Vinasat 1 lỗ gần 1.589 tỷ đồng, Vinasat 2 lỗ từ 1.300 - 2.600 tỷ đồng hay Công ty Tài chính bưu điện lỗ tới 635 tỷ đồng.

    Sau khi tách khỏi VNPT, MobiFone sẽ trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, điều này đồng nghĩa với việc nhà mạng này sẽ vẫn là doanh nghiệp Nhà nước và Nhà nước sẽ nắm cổ phần chi phối. Tuy nhiên vẫn chưa rõ Nhà nước sẽ giữ bao nhiêu cổ phần ở MobiFone và phương án này hiện đang được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng.

    Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, khi Việt Nam gia nhập WTO, theo cam kết doanh nghiệp nước ngoài có thể chiếm đến 49\% cổ phần trong các doanh nghiệp hạ tầng, mà viễn thông cũng là hạ tầng. Mặc dù vậy, việc lĩnh vực viễn thông được cổ phần hóa bao nhiêu phần trăm còn phụ thuộc vào Hiệp định TPP đang đàm phán, ông Hải nói thêm.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-phan-hoa-mobifone-vnpt-tra-gia-cho-long-tham-a28581.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan