(ĐSPL) - Không phải mang theo nhiều doanh nghiệp thuộc VNPT, quá trình cổ phần hóa MobiFone sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới.
Sau khi phương án tách MobiFone khỏi VNPT được Chính phủ đồng ý, vấn đề được quan tâm hàng đầu sẽ chuyển sang câu chuyện cổ phần hóa nhà mạng này. Được biết, lý do chính để MobiFone không phải mang theo nhiều doanh nghiệp trực thuộc VNPT là nhằm đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa.
Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải nhanh chóng tiến hành cổ phần hóa MobiFone. Vì vậy quá trình này sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Trước đó, khi nói về quãng thời gian để cổ phần hóa MobiFone, trước để xuất sẽ diễn ra trong vòng 3 năm tới, Thủ tướng cho rằng vậy là quá dài. Vì thế quá trình này chắc chắn sẽ được rút xuống ngắn hơn, nhiều khả năng đến hết 2015, MobiFone sẽ hoàn thành xong cổ phần hóa.
Có thể đến hết 2015, MobiFone sẽ hoàn thành xong cổ phần hóa |
Được biết, quá trình cổ phần hóa MobiFone đã từng được tiến hành từ tận năm 2006. Mặc dù bị trì hoãn vì nhiều nguyên nhân nhưng tại thời điểm đó việc định giá tài sản, lựa chọn đối tác chiến lược cũng như các bước cổ phần hóa đã được làm xong. Chính vì vậy, tới hiện tại, việc này chỉ cần khởi động lại chứ không phải mất nhiều thời gian như các doanh nghiệp mới bắt đầu cổ phần hóa.
Trong một cuộc tọa đàm về viễn thông hồi giữa tháng 2/2014, khi nói về vấn đề này, ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, cổ phần hóa MobiFone sẽ giúp nhà mạng này thu hút được các nhà đầu tư chiến lược có công nghệ cũng như tiềm lực tài chính tốt, qua đó có thể cạnh tranh tốt hơn với VinaPhone và Viettel nhằm buộc họ phải cung cấp dịch vụ tốt hơn.
Đồng thời ông Thành cũng đặt ra một câu hỏi rất đáng quan tâm, liệu chỉ có MobiFone cổ phần hóa hay sau này kể cả VNPT cũng sẽ cổ phần hóa, hoặc trong tương lai liệu có thể có tập đoàn tư nhân chiếm vai trò doanh nghiệp chi phối trong lĩnh vực viễn thông hay không ?
Về phía đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, ông Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc cho rằng, nếu MobiFone được tách ra, rồi cổ phần hóa, bán cho đối tác chiến lược nước ngoài sẽ là một tin rất vui với các công ty tư nhân kinh doanh viễn thông. Nếu cứ mãi là ba công ty thông tin di động nhà nước thì CMC cũng như nhiều doanh nghiệp tư nhân khác sẽ không có cơ hội và thị trường chưa có cạnh tranh đúng nghĩa.
Một lãnh đạo cap cấp của Viettel cũng cho rằng việc MobiFone có thêm nhà đầu tư bên ngoài không chỉ mang lại lợi ích cho riêng doanh nghiệp này mà đây còn là cú huých lớn đối với viễn thông Việt Nam. Nếu MobiFone có thay đổi thì các nhà mạng khác như Viettel, VinaPhone cũng phải tăng tốc để bắt kịp, điều này sẽ có lợi đối với người dùng, doanh nghiệp viễn thông cũng như cả nền kinh tế.
Rõ ràng có thể thấy được việc cổ phần hóa MobiFone là hết sức cần thiết nhưng con số \% mà các nhà đầu tư bên ngoài có thể sở hữu là bao nhiêu vẫn đang là câu hỏi lớn. Nói về vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO thì cổ phần của doanh nghiệp nước ngoài trong các doanh nghiệp viễn thông có thể lên đến 49\%.
Từ đó có thể thấy, khả năng nhà nước vẫn giữ trên 50\% tổng số cổ phần ở MobiFone là hoàn toàn có thể. Một chuyên gia viễn thông cho rằng, nếu như vậy thì sẽ không khác biệt quá lớn so với trước đây, chủ yếu chỉ là thêm vốn nước ngoài cũng như chuyển hướng kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng cổ phần hóa.
Bởi nếu nhà nước vẫn nắm giữ trên 50\% thì MobiFone vẫn là doanh nghiệp nhà nước, từ đó nhà mạng này sẽ phải trực thuộc một Bộ nào đó chứ không thể tồn tại riêng biệt được. Và thực tế, theo quyết định của Chính phủ, sau khi tách ra, MobiFone sẽ là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nguyễn Lê