Luật sư Đỗ Trọng Linh (Công ty Luật Bảo An, đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hồ sơ đăng ký biến động quyền sử dụng đất (QSDĐ) do chuyển dịch từ bố mẹ sang con (có thể là chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất) gồm những giấy tờ sau:
- Đơn xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ (theo mẫu);
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản chính + bản sao chứng thực);
- CMND (CCCD), sổ hộ khẩu của các bên (bản sao chứng thực);
- Hợp đồng chuyển nhượng hoặc hợp đồng tặng cho QSDĐ (công chứng);
- Hồ sơ kỹ thuật thửa đất (bản chính) (trong trường hợp hợp chia tách, hoặc hợp nhất nhiều thửa đất);
- Giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng nhân thân (bản sao);
- Biên lai nộp nghĩa vụ tài chính (bản chính).
Theo khoản 4, Điều 6, Thông tư 33/2017/TT-BTNMT thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được ghi: Cá nhân trong nước thì ghi "Ông" (hoặc "Bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú.
Giấy tờ nhân thân là giấy chứng minh nhân dân thì ghi "CMND số:..."; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi "CMQĐ số:..."; trường hợp thẻ căn cước công dân thì ghi "CCCD số:..."; trường hợp chưa có giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi "giấy khai sinh số...".
Do hồ sơ gốc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chuyển dịch từ bố mẹ sang cho con đã có đầy đủ thông tin về nhân thân nên việc sai số chứng minh nhân dân không làm mất đi quyền sử dụng đất hợp pháp.
Tuy nhiên, với các sai sót trên thì không thể thực hiện các quyền của chủ sử dụng đất như cho tặng, chuyển nhượng, thế chấp khi chưa đính chính, thay đổi thông tin cho khớp với giấy tờ nhân thân.
Khoản 14 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT cho phép, người sai được xác nhận thay đổi thông tin về pháp nhân, số CMND số thẻ CCCD, địa chỉ trên sổ đỏ đồng thời với thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất.
Để làm việc này, người dân cần liên hệ, nộp hồ sơ đăng ký biến động tại văn phòng đăng ký đất đai nơi đã cấp sổ đỏ lần đầu.
Việt Hương (T/h)