(ĐSPL) - Xuất phát từ Đại Việt sử ký toàn thư, câu chuyện tư thông ngoại tình của Trần Khắc Chung với Huyền Trân công chúa đã lưu truyền hàng trăm năm nhưng các tình tiết đến nay vẫn còn rất nhiều nghi vấn.
Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: Vào tháng giêng năm 1307 niên hiệu Hưng Long thứ 15, đổi tên hai châu Ô, Lý mà vua Chiêm Thành là Chế Mân dâng làm sính lễ thành châu Thuận và châu Hóa đồng thời sai quan Hành khiể Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên dân chúng ở hai châu đó.
Tranh minh họa Huyền Trân công chúa. |
|
Trước đấy, nhân dịp vua Trần Nhân Tông sang vân du nước Chiêm Thành có hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân. Vua Chế Mân mới dùng hai châu Ô, Lý làm lễ vật dẫn cưới để cầu hôn. Tháng 6 năm 1306, công chúa Huyền Trân được đưa sang Chiêm Thành cho thành thân với chế Mân.
Tuy nhiên chưa đến một năm sau, vào tháng 5 năm sau (tức 1307) Chế Mân đã chết. Sử ký nói rằng: "Theo tục lệ Chiêm Thành, nhà vua chết thì vợ phải lên giàn hỏa thiêu chết theo. Vua Trần Anh Tông biết thế mới sai Trần Khắc Chung là quan Thượng thư tả bộc xạ cùng quan An phủ Đặng Văn sang Chiêm Thành viếng tang tìm cách cứu Huyền Trân về.
Trần Khắc Chung và Đặng Văn sang nói với triều đình Chiêm Thành rằng: “Nếu công chúa bị hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về rồi sẽ vào giàn thiêu”. Người Chiêm Thành bèn làm theo.
Nhưng khi ra đến bờ biển thì Trần Khắc Chung nhân cơ hội dùng thuyền nhẹ cướp công chúa đem về. Trên đường về, Trần Khắc Chung tư thông với công chúa, đi đường biển loanh quanh chậm chạp, lâu ngày mới về đến kinh đô".
Sau đoạn này, Đại Việt sử ký cũng chép thêm một đoạn: “Hưng Nhượng Đại Vương (con trai Hưng Đạo Vương) ghét lắm, mỗi khi thấy Khắc Chung thì mắng phủ đầu: “Thằng này là điềm chẳng lành đối với nhà nước. Họ tên nó là Trần Khắc Chung thì nhà Trần rồi mất về nó chăng?. Khắc Chung thường sợ hãi né tránh”.
Dựa trên các thông tin của Đại Việt sử ký, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần, trong cuốn Việt sử giai thoại tập 3 đã phê phán rằng: “Trước đó hơn hai chục năm, khi đất nước đang cơn binh lửa, chính Trần Khắc Chung đã dũng cảm nhận mệnh vua Trần, hiên ngang đi vào sào huyệt nguy hiểm của giặc, khiến cho tướng giặc là Ô Mã Nhi phải kính nể. Đến đây, giang sơn thái bình, họa binh đao không còn nữa. Hưng Nhượng Đại Vương dù sao cũng không thể đem ví với Ô Mã Nhi, vậy mà sao Trần Khắc Chung phải sợ hãi mà né tránh. Dũng khí của Trần Khắc Chung mất hết rồi chăng? Ắt chẳng phải vậy. Kẻ tâm bất chính bao giờ cũng sợ lời ngay, mà đã là lời ngay thì chẳng cứ gì phát ra từ Hưng Nhượng Đại Vương, từ bất cứ một ai, kẻ tâm bất chính cũng phải sợ”.
Câu chuyện ngoại tình của Trần Khắc Chung và công chúa Huyền Trân theo thời gian đã được nhiều tờ báo và các sách vở đề cập. Nhưng tháng 9 năm ngoái, trên tạp chí Tia Sáng, tác giả Nguyễn Khôi đã có những quan điểm rất đáng lưu ý về câu chuyện này.
Trước hết về câu hỏi liệu công chúa Huyền Trân có phải lên giàn hỏa thiêu hay không, Nguyễn Khôi cho rằng không có. Ông lập luận rằng khi Chế Mân mất là vào tháng 5 mà theo Đại Việt sử ký thì tháng 9, Thế tử Chiêm Thành là Chế Đa Da sai sứ thần mang voi trắng sang tiến cống. Chế Đa Da chính là tên đứa con của công chúa Huyền Trân với Chế Mân. Việc mang voi trắng sang cống này là một nghi thức ngoại giao nhằm báo với Trần Nhân Tông về việc cháu ngoại Chế Đa Da đã chào đời. Dựa trên điều đó, Nguyễn Khôi cho rằng Chế Đa Da có thể sinh vào tháng 8 và như vậy thì lúc Chế Mân chết, Huyền Trân đang có mang vài tháng. Không ai có thể nhẫn tâm hỏa thiêu một sản phụ đang có mang.
Thêm vào đó, tác giả nói rằng tục lệ hỏa thiêu của Chiêm Thành là một vinh dự chỉ giành cho những bà hoàng hậu muốn bày tỏ lòng thủy chung của mình với chồng. Nhưng nó phải được hội đồng hoàng gia chấp nhận. Bên cạnh đó, theo luật Champa, lễ hỏa táng vua mới mất được thực hiện trong ngày đẹp nhất trong vòng một tháng sau khi vua băng hà. Như vậy, lễ hỏa thiêu có lẽ thực hiện trong tháng 5 hoặc tháng 6 năm 1307 mà đoàn Khắc Chung mãi tháng 10 mới khởi hành. Nếu quả thật Huyền Trân bị thiêu thì Khắc Chung cũng không thể cứu. Từ những lý do đó, Nguyễn Khôi nhận định việc Huyền Trân bị thiêu là không có khả năng.
Và do đã không phải lên giàn hỏa thiêu thì việc gì phải cướp công chúa như Đại Việt sử ký nói. Thêm nữa tác giả lập luận: “Thuyền đưa Huyền Trân về nước cũng không phải là kiểu thuyền nhẹ như Toàn thư ghi chỉ chở được một vài người để rồi mối tình nảy sinh trong quá trình lênh đênh sóng nước, mà thuyền ấy phải chở một đoàn người gồm: Thượng tư Tả bộc xạ Trần Khắc Chung (trưởng đoàn), An phủ Đặng Văn (phó đoàn) cùng các tùy tùng, thủy thủ đoàn, thị nữ... tổng cộng cũng phải vài chục người”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-hay-khong-vu-tran-khac-chung-ngoai-tinh-voi-huyen-tran-cong-chua-a90084.html