+Aa-
    Zalo

    Có hay không nguy hiểm từ việc trồng nấm bằng hóa chất thải công nghiệp!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Một số hộ nông dân tại Củ Chi (TP.HCM), và huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) đang trồng nấm ăn bằng nguyên liệu là bông gòn.

    Một số hộ nông dân tại Củ Chi (TP.HCM), và huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) đang trồng nấm ăn bằng nguyên liệu là bông gòn. Loại nấm này, theo những người trồng cho biết là an toàn, nhưng chưa ai kiểm nghiệm. Và, cũng theo những người trồng nấm, thì bích chi và bông gòn là chất thải trong các khu công nghiệp.

    Cận cảnh nấm bông gòn tưới hóa chất

    Trong vai người đi tìm mô hình trồng nấm về áp dụng tại xã Tân Thông Hội, (huyện Củ chi, TP.HCM), PV lên đường đi xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi). Sau quãng đường gần 50km, từ trung tâm TP, PV tìm đến xã này. Tuy nhiên, đến xã, hỏi một số người, thì không ai biết ở đây có mô hình trồng nấm nào. Tiếp tục đến UBND xã thì được ông Chủ tịch hội Nông dân xã Thái Mỹ cho biết, trước đây có nhiều hộ trồng nấm rơm bằng bông gòn, nhưng năm nay thì không có ai cả.

    Vị này cũng cho biết, vì loại này dễ trồng nhưng lại ăn đất, nên không thể trồng liên tục được. Trồng một mùa phải nghỉ một hoặc hai mùa, vì đất đã hết dưỡng chất, trồng nấm sẽ không lên hoặc lên nhưng chất lượng rất kém, năng suất thấp. Do đó, năm trước người dân của xã có trồng, nhưng năm nay thì không. Tuy nhiên, được sự giới thiệu của những người làm công tác nông dân, PV vẫn tìm đến các hộ từng trồng nấm này trước đây.

    Anh Lê Văn Tính, chủ một cơ sở trồng nấm năm 2014 cho biết, hiện giờ đang nghỉ vì chưa có đất để trồng. Bởi năm ngoái trồng rồi, giờ đất đang trồng cây khác cho có thêm hữu cơ, chứ trồng nấm xuống thì không có ăn. Đồng cảnh với anh Tính là anh Phú cũng đang nghỉ trồng. Khi PV đến thì anh Phú đang sửa lại cái cột điện ở trên mảnh đất toàn cỏ xanh, trống trơn. Anh cho biết, gia đình cũng không thể trồng nấm với lý do đất kém.

    Hiện chưa có thông tin nào nói ăn nấm gòn có độc hay không. 

    Cả anh Tính và Phú đều cho biết, trước đây trồng rất nhiều, năng suất nấm rất cao. Chỉ cần tìm người làm, còn lại mọi việc hết sức đơn giản. Theo đó, nguyên liệu chủ yếu là bích chi (loại bông gòn mịn, có pha với các loại bột màu vàng, sẫm) và bông gòn (loại lớn hơn), ít bột màu vàng hơn. Với loại bông gòn này, người trồng sẽ có nhiều lựa chọn để đặt hàng. Theo đó, có thể tìm mua loại bông trắng, bông có pha mùn cưa. Mùn cưa càng nhiều thì giá thành càng rẻ. Vì có trộn mùn cưa, trọng lượng sẽ tăng lên, đồng thời, mức độ giữ nước kém, anh Tính cho biết.

    Sau khi có nguyên liệu, người trồng chỉ cần mua các loại meo (rơm, có ủ phôi nấm) ở các điểm phân phối về, trộn cùng với bích chi trong một cái hố lớn. Tùy vào diện tích trồng mà tạo ra hố vừa, lớn hay nhỏ.

    “Với kinh nhiệm của người làm, người ta sẽ pha bao nhiêu bích chi, bịch meo và bông gòn, để có thể đóng thành hộc (loại hộp gỗ hình chữ nhật) tạo thành hàng nấm dài trên thửa đất. Về phần meo, thì có khi phải lấy tận Đồng Tháp, nếu số lượng lớn. Còn mua lẻ thì phải ra huyện Bình Chánh, gần chợ đầu mối Bình Điền để mua. Tuy nhiên, không ai biết chính xác gốc gác của nó thế nào”, anh Tính nói.

    Hiện nay, một số người ở xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) và một số xã ở huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) cũng đang bán lẻ loại meo này. Họ cũng là những trung gian để cho người trồng nấm mua nguyên liệu là bông gòn, bích chi. Sau cuộc trò chuyện, PV hỏi có nơi nào còn trồng loại này hay không, để tận mắt chứng kiến xem như thế nào. Rất nhiệt tình, cả anh Tính và Phú leo lên xe, dẫn PV chạy qua các con đường làng đến địa phận tỉnh Tây Ninh. Từ Quốc lộ 22, PV cùng hai người nói trên có mặt tại một hộ trồng nấm ở xã Gia Lộc (huyện Trảng Bàng).

    Nguyên liệu mua từ chất thải công nghiệp

    Khi PV đến, cũng là lúc những người làm công ở đây đang đến giai đoạn xả meo, chuẩn bị trộn vào hố nguyên liệu là bích chi và bông gòn đã làm sẵn. Chú Bảy, một người làm công ở đây cho biết, tất cả chúng tôi (bốn người) đều làm công, còn ông chủ không có ở đây nên không biết chính xác nguyên liệu được mua như thế nào, ở đâu, giá chính xác là bao nhiêu cả. Tuy nhiên, nghe nói thì họ mua ở các nhà máy trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bông gòn có giá dao động khoảng 3 – 4 ngàn đồng/kg. Còn bích chi thì đắt hơn, giao động từ 4 – 7 ngàn đồng/kg, tùy loại.

    Về số lượng thì muốn mua bao nhiêu cũng có. Chủ yếu là lấy ra từ các khu công nghiệp của Tây Ninh như Trảng Bình, Linh Trung 3, hay một số khu công nghiệp của Bình Dương. Theo quan sát của PV, thì đó là các loại bông gòn rất mịn, số này trông bẩn, có pha các tạp chất khác, nhiều nhất là mùn cưa. Đặc biệt, riêng với bích chi thì có mùi rất hôi, thối khó chịu, còn bông gòn thì ít hôi hơn. Tuy nhiên, hỏi ai cũng không biết được bông gòn này ở đâu ra, sạch hay bẩn.

    Những người này cũng cho biết, quy trình trồng nấm này rất đơn giản. Sau các công đoạn như vừa đề cập ở trên thì nấm sẽ mọc lên từ đất và một số trên bông gòn. Họ tạo thành những hàng dài, có đậy các lớp bố (bao bì bằng sợi dù) để che nắng. Những tấm bố này cũng hết sức quan trọng, nếu không có chúng thì nấm cũng sẽ không lên. Cứ thế đợi từ 10 – 12 ngày sau là cho thu hoạch. Tùy vào thời điểm, nếu như rơi vào những ngày người dân thường ăn chay thì nấm có giá cao, khoảng 70 – 80 ngàn đồng/kg. Còn bình thường là 40 – 50 ngàn đồng/kg.

    Anh Tính cho biết, loại này nhìn thấy là thèm ăn, nấm rất đẹp, có màu trắng. So với nấm rơm thì có giá thành đắt hơn, thường khoảng 5 – 10 ngàn. Tuy nhiên, một số người trồng cũng không ăn mà chỉ trồng bán thôi. “So với nấm rơm, nấm bông gòn ít bị dập, còn nấm rơm có màu vàng, thường hay bị dập và ngã màu vàng nâu, trông không bắt mắt bằng”, anh Phú nói. Về năng suất thì cũng tùy thuộc vào may rủi. Nếu gặp thì năng suất rất cao, có thể thu hoạch từ 3 – 4 lần trong một ngày là bình thường. Ví như sáng nay hái thì chiều có thể hái tiếp, rồi khuya lại tiếp tục. Cứ như thế, một lần trồng có thể thu hoạch được 10 ngày. Năng suất của loại này nhiều hơn nấm rơm.

    HẰNG NGUYỄN
    Bài đăng trên ấn phẩm Hôn nhân & Pháp luật giấy số 96
    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-hay-khong-nguy-hiem-tu-viec-trong-nam-bang-hoa-chat-thai-cong-nghiep-a239852.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan