Vì hám lợi, Lô Thị Thưởng đã lừa bán nhiều người phụ nữ sang Trung Quốc. Trong số đó có cả em họ và học sinh cũ của Thưởng. Số tiền do bán người mà có, Thưởng dùng vào việc tiêu xài cá nhân.
Hám lợi bán luôn cả tình thân
Cuối tháng 7/2018, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự đối với Lô Thị Thưởng (SN 1957, trú tại bản Trung Chính, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) về tội Mua bán người. Nhiều người có mặt tại phiên tòa cảm thấy phẫn nộ trước sự bất lương của nữ giáo viên này. Họ không thể tin, Thưởng lại là kẻ buôn người chuyên nghiệp.
Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng thấy Thưởng thông minh nên bố mẹ tạo điều kiện cho Thưởng ăn học đến nơi đến chốn. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, Thưởng được phân công giảng dạy ở một trường tiểu học trên địa bàn huyện Con Cuông. Quá trình giảng dạy, Lô Thị Thưởng được đánh giá là giáo viên có đạo đức tốt và giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn ở trong bản.
Có chồng mẫu mực, con ngoan, lương hưu 3,5 triệu đồng/tháng nhưng người đàn bà này vẫn bất chấp mọi giá để làm giàu nhanh chóng. Không hài lòng với cuộc sống hiện tại, Thưởng nhẫn tâm bỏ chồng con sang Trung Quốc để kết hôn với một người đàn ông bản xứ.
Quá trình sinh sống, Thưởng gặp Trương Thị Nga (trú tại xã Mậu Đức, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) và Vi Thị Vân (trú xã Môn Sơn, huyện Con Cuông). Hai người đàn bà này đều bỏ nhà sang Trung Quốc lấy chồng. Sau đó cả ba câu kết với nhau thành một đường dây buôn bán người sang Trung Quốc. Để dụ dỗ các “con mồi”, Thưởng vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp, công việc nhẹ nhàng, lương cao.
Bị cáo Lô Thị Thưởng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình |
Theo đó, tháng 4/2014, Thưởng xin chồng về Việt Nam thăm nhà. Một tháng sau, Trương Thị Nga đến nhà Thưởng chơi. Tại đây, Nga bàn với Thưởng tìm người sang Trung Quốc bán làm vợ rồi lấy tiền chia nhau. Thưởng đồng ý, rồi lấy điện thoại gọi cho Vi Thị Th. (SN 1960, em họ của Thưởng, trú tại xã Châu Khê, huyện Con Cuông). Thưởng nói với Th. sang Trung Quốc làm công nhân công ty bông sợi, công việc nhẹ nhàng, lương tháng 8 triệu đồng. Tin lời Thưởng, Th. đồng ý đi.
Với chiêu thức trên, Thưởng tiếp tục rủ Kha Thị Thanh Ng. (SN 1960), Nguyễn Thị Hải Y. (SN 1995) và Nguyễn Thị Ph. (SN 1961, cùng trú ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông, học sinh cũ của Thưởng) sang Trung Quốc làm bông sợi và được 2 người này đồng ý.
Khi sang đến Trung Quốc, Nga và Thưởng bán bà Th. cho một người đàn ông ở tỉnh Bắc Hà mua về làm vợ với giá 3 vạn Nhân dân tệ (khoảng 90 triệu đồng). Nga bán bà Ng. được 2,6 vạn Nhân dân tệ (khoảng 78 triệu đồng), bà Ph. bán được 1,6 Nhân dân tệ tương đương với 48 triệu đồng. Riêng em Y. còn trẻ và xinh đẹp nên các đối tượng bán được 6 vạn Nhân dân tệ (khoảng 180 triệu đồng). Sau khi bán xong 3 nạn nhân, Nga chia cho Thưởng 18 triệu đồng để tiêu xài.
Đến tháng 3/2015, với chiêu thức tương tự, Thưởng cùng Vân và người phụ nữ tên Sang còn lừa đưa bà T. và bà Lương Thị B. (đều hơn 50 tuổi) bán sang Trung Quốc. Vân bán bà T. được 66 triệu đồng. Còn bà B. không chịu lấy chồng, nhiều ngày tuyệt thực không ăn, không uống, không ngủ được nên dẫn đến bệnh tim tái phát ngày càng nặng. Thưởng, Vân và Sang phải trích khoản tiền bán bà T. để mua vé xe, vé tàu cho bà B. trở về với chồng con ở quê nhà Nghệ An.
Sau khi bị Thưởng bán cho những người đàn ông Trung Quốc mua về làm vợ, các nạn nhân đã tìm cách về Việt Nam làm đơn tố cáo với cơ quan chức năng. Biết hành vi của mình bị phát giác, Lô Thị Thưởng đã đến cơ quan chức năng để đầu thú. Hiện, em Nguyễn Thị Hải Y. vẫn chưa có tin tức gì, cơ quan chức năng đang tìm địa chỉ để giải cứu nạn nhân về.
Giá đắt phải trả
Tại phiên tòa, Lô Thị Thưởng khai nhận sau khi bán không biết người đàn ông mua Y. đã đưa cô bé đi đâu. Bán xong, Thưởng cũng không có số điện thoại của người đàn ông này.
Bà L.T. N., mẹ của Y., người đại điện hợp pháp cho Y. nghẹn ngào nói: “Vì tin tưởng là cô giáo cũ nên khi Thưởng nói sang bên Trung Quốc làm bông sợi gia đình không mảy may nghi ngờ nên đã đồng ý cho con đi. Không ngờ, cô giáo lại bán con gái tôi để lấy tiền như vậy. Từ ngày nó bị Thưởng đưa đi bán, chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Sang bên đó không biết nó có bị người ta hành hạ không. Mong cơ quan chức năng sớm tìm con hộ. Đề nghị HĐXX xử Thưởng án phạt thật nặng”.
Điều đau đớn nhất trong vụ án này là các nạn nhân tâm sự sau khi bị bán sang Trung Quốc, họ đã tìm được đường về. Tuy nhiên, cuộc sống của họ vô cùng khó khăn vì chồng không còn tình cảm như xưa và gia đình sinh ra nhiều mâu thuẫn. Cuộc sống của nhiều người rơi vào bi kịch.
“Bị cáo biết hành vi của mình là sai trái rồi. Bị cáo xin lỗi các bị hại. Mong các bị hại tha thứ cho tội lỗi của bị cáo. Mong HĐXX giảm nhẹ tội, cho bị cáo có cơ hội trở về với gia đình và bồi thường cho các bị hại”, bị cáo Lô Thị Thưởng lí nhí nói.
Trong vụ án còn có Trương Thị Nga và Vi Thị Vân. Cả hai người này đều không có mặt tại địa phương, không xác định địa chỉ cư trú cụ thể nên cơ quan điều tra đã tách thành vụ án riêng, lúc nào bắt được sẽ xử lý sau.
Sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Lô Thị Thưởng 11 năm tù về tội Mua bán người. Về dân sự, Lô Thị Thưởng buộc phải bồi thường cho các bị hại với số tiền hơn 100 triệu đồng.
Hà Hằng
Bài đăng trên báo Đời sống & Pháp luật giấy số 90