Bị kẻ xấu lợi dụng bán sang Trung Quốc, chị Phạm Thị Hằng đã phải chịu cảnh tủi nhục khi làm dâu nơi xứ người. Đến 18 năm sau, chị mới được 1 người đàn ông giúp đỡ báo tin về quê nhà để tìm cách trở về.
[presscloud]3641[/presscloud]
Mấy hôm nay, căn nhà cấp bốn cũ kỹ của bà Nguyễn Thị Phái (68 tuổi), trú thôn Yên Xuân, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An có nhiều hàng xóm đến thăm, chúc mừng khi nghe tin chị Phạm Thị Hằng (35 tuổi, con gái của bà Phái) thất lạc 18 năm ở Trung Quốc vừa trở về.
Dáng người đậm, nước da ngăm đen, chị Hằng trò chuyện bằng tiếng Việt chậm rãi vì đã lâu không sử dụng. Nhớ lại quãng thời gian hơn 18 năm trước, chị không ngăn được nước mắt rưng rưng.
Chị Hằng là con thứ 4 trong gia đình có 5 chị em. Năm 2001, khi vừa kết thúc năm học lớp 11 thì một người bạn trong xóm rủ chị cùng ra Hà Nội tìm việc làm thêm kiếm tiền. Do gia đình đông anh chị em, bố mẹ chỉ làm vài sào ruộng nên cuộc sống vô cùng khó khăn, vì vậy chị Hằng cũng muốn làm việc gì đó phụ giúp gia đình.
“Nhân lúc mẹ đang đi giữ cháu cho một người chị, bố đi uống rượu nên tôi đã xếp vội mấy bộ quần áo rồi cùng bạn ra bắt xe xuống TP.Vinh. Rồi từ bến xe Vinh bắt tiếp xe ra Hà Nội tìm việc”, chị Hằng kể.
Khi vừa xuống bến xe, 2 thiếu nữ thấy một người đàn ông đi xe ôm liền hỏi việc làm. Người này lập tức đồng ý và chở đến một quán ăn gần bến xe. Tại đây, một người phụ nữ đã nhận Hằng cùng bạn vào làm nhiệm vụ rửa bát và chạy việc trong quán.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, khi Hằng ngủ dậy thì được bà chủ thông báo người bạn cùng quê đã đi lên Lạng Sơn để làm việc khác lương cao hơn. Khi được hỏi có muốn đi theo bạn không, Hằng lập tức đồng ý.
Thế nhưng thiếu nữ ngây thơ này không thể ngờ được đã rơi vào bẫy của những kẻ buôn bán người. Chị Hằng lập tức được đưa lên cửa khẩu và sang Trung Quốc.
“Họ dẫn tôi đi mãi, khi thắc mắc thì họ bảo cứ đi đi chứ không giải thích gì. Sau đó, họ cho tôi vào một ngôi nhà rất rộng, trong đó cũng có nhiều phụ nữ trẻ người Việt Nam. Lúc này, tôi mới biết đã bị đưa sang Trung Quốc”, chị Hằng kể.
Ngay ngày hôm sau, một người đàn ông đến xem mặt và đồng ý mua chị Phạm Thị Hằng với giá 18 triệu đồng. Thỏa thuận xong, người này đưa chị Hằng trở về nhà tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Những ngày đầu, do không biết tiếng Trung Quốc và nhớ nhà nên chị Hằng ngồi khóc suốt ngày.
“Người chồng không đánh đập mà cố gắng vỗ về tôi, dạy cho tôi nói tiếng Trung Quốc. Khi tôi bắt đầu giao tiếp được, anh ta chia sẻ rằng không thể để tôi trở về vì đã bỏ ra một khoản tiền lớn để mua tôi làm vợ”, chị Hằng nhớ lại.
Chị Hằng kể lại hành trình trở về của mình. |
Gia đình chồng cũng nghèo vô cùng, bố mẹ đã già và mẹ chồng không đi lại được, phải ngồi xe lăn. Người chồng đã lớn tuổi, lúc đó khoảng 34 – 35 nhưng do bẩm sinh không nhanh nhẹn, chậm chạp và hơi cù lần nên không lấy được vợ, vì vậy mới phải bỏ ra một số tiền lớn để mua chị Hằng.
Đường về xa xôi, lại không có tiền trong tay nên chị Hằng đành chấp nhận cuộc hôn nhân không tình yêu. “Thời gian đầu, tâm trạng của tôi rất suy sụp. Nhiều khi muốn tìm đến cái chết nhưng lại nghĩ bố mẹ và người thân ở quê nhà đang tìm kiếm, chờ đợi nên phải cố gắng sống”, chị Hằng chia sẻ.
Vì khó khăn nên chỉ mấy ngày sau khi về làm dâu, chị đã phải ra đồng làm việc. Dù cố gắng lao động nhưng cuộc sống vẫn không đủ ăn. Không những thế, vì bố mẹ chồng đã già nên vô cùng khó tính, còn người chồng do bản tính đần độn nên cũng mặc kệ vợ, không động viên cũng không an ủi. Cũng chính vì vậy, hai người không có con chung.
“Hơn 18 năm qua, lúc nào tôi cũng muốn trở về quê nhà. Cuộc sống khổ cực, gia đình chồng khó tính khiến tôi càng nung nấu ý định này. Thế nhưng do không biết đường, không có tiền, nơi nhà chồng vốn cũng là một làng quê nghèo nên tôi không biết phải đi như thế nào. Trước kia, có 2 lần tôi xin phép đi chợ rồi định tìm cách về nhưng cuối cùng vẫn phải quay lại”, chị Hằng kể.
Tuy nhiên, chị Hằng vẫn không bỏ cuộc, chị cố gắng tích góp tiền xin chồng mua một chiếc điện thoại. Có được phương tiện liên lạc này, chị Hằng lên mạng xã hội kêu cứu. Mấy tháng sau, một người đàn ông tên Hà (40 tuổi, quê huyện Yên Bái) đã đọc được và nhắn tin hỏi. Chị kể lại khó khăn của mình và được người này hứa sẽ tìm cách báo về cho gia đình.
Người đàn ông tên Hà vốn thường xuyên qua lại giữa 2 nước để làm ăn nên có nhiều mối quan hệ, thế nhưng cũng phải sau gần 1 năm mới xác định được nơi ở của chị Hằng. Khi đã liên hệ được về nhà, chị Hằng xin phép gia đình chồng cho được về quê chơi mấy ngày. Khi được đồng ý, chị Hằng lập tức ra bắt xe như đã được hướng dẫn từ trước.
“Mất 3 ngày đi từ nhà chồng cho đến cửa khẩu, rồi mất thêm 1 ngày từ Lạng Sơn bắt xe về thành phố Vinh. Lúc trở về đến quê nhà, tôi không dám tin vào mắt mình nữa. Đường sá đã thay đổi đẹp hơn, nhiều nhà cao tầng hơn, thậm chí ngôi nhà của tôi cũng được sửa mới. Chỉ có một thứ vẫn như trước đây là tình cảm gia đình, người thân và xóm làng”, chị Hằng chia sẻ.
Khi được hỏi về dự định của tương lai, chị Hằng lắc đầu vì chưa nghĩ đến, chỉ có điều, chị sẽ không bao giờ quay lại nhà chồng nữa, vì không có tình cảm cũng như không có con cái trói buộc. Từ giờ, chị sẽ ở nhà phụng dưỡng mẹ già cho đến hết đời và không đi đâu nữa.
Ông Bùi Xuân Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Võ Liệt cho biết, ngay khi chị Phạm Thị Hằng lên chính quyền địa phương trình diện và xin được khôi phục các giấy tờ, các cán bộ lập tức giúp đỡ tận tình, đồng thời động viên người phụ nữ này vượt qua mặc cảm để sớm hòa nhập với xã hội.
“Chị Hằng đi đã khá lâu, khoảng 17 – 18 năm trước. Thời điểm đó chị bỗng nhiên mất tích, cả gia đình tìm kiếm khắp nơi mà không thấy, cũng vì quá đau buồn mà người bố đổ bệnh mất. Lúc mọi người tưởng rằng chị Hằng không trở về nữa thì bất ngờ có người đàn ông về qua xã hỏi địa chỉ để chuyển thông tin. Hóa ra chị này bị bán sang Trung Quốc, giờ trở về được nên chị Hằng không có dự định đi đâu nữa”, ông Lĩnh nói.
Anh Ngọc
Theo Người Đưa Tin