“Tiếc quá! Hờn phép trừ”, “Chép nhầm đề, hờn cả thế giới”, “Chấm bài cho cô, tôi muốn tăng xông vì bài 2a”…là những lời phê bình hài hước của một cô giáo trường cấp 2 Lâm Đồng.
Sáng hôm nay (7/5), trên trang Facebook cá nhân của cô Tô Thụy Diễm Quyên- chuyên gia giáo dục Microsoft, đã đăng tải những hình ảnh về bài kiểm tra của học sinh có lời phê bình “bá đạo” của cô giáo Nguyễn Thị Như Huyền, giáo viên dạy Toán, Trường THCS Quang Trung (Bảo Lộc, Lâm Đồng) khiến cho cộng đồng mạng phát cuồng vì quá dễ thương và hài hước.
Theo đó, tùy thuộc vào từng bài kiểm tra, từng điểm số, cô Huyền lại có cách nhận xét “đốn tim” học trò khác nhau. Chẳng hạn, đối với các bài đạt điểm 10, cô Huyền phê: “Thật sung sướng”, “Oh yeah! Hôm nay có đứa cười rách miệng”, “Rất tốt! very good”,…
Còn với những bài điểm kém, thay vì chỉ trích, trách phạt học sinh, cô Huyền lại chọn cách nhắc nhở, động viên và không quên “pha trò” để học sinh đỡ căng thẳng: “Chấm bài cho cô, tôi muốn tăng xông vì bài 2a”, “Đường chinh phục đỉnh cao luôn gặp chướng ngại vật, cố gắng vượt qua nha. Cô tin em làm được”, “Ehèm! Làm cẩn thận hơn là ok rồi”, “Chép nhầm đề, hờn cả thế giới”, “Tiếc quá! Hờn phép trừ”, “Đôi khi nhanh quá lại thiệt, cần đọc hướng dẫn trước khi hạ bút”, “Hic, giận dấu >, < quá nha, tại mày tao bị trừ điểm”.
Chân dung cô giáo xinh đẹp Nguyễn Thị Như Huyền. Ảnh: PLO |
Chia sẻ với VietNamNet về lý do lựa chọn cách phê lời bình đặc biệt này, cô Như Huyền cho biết, trước đây chị cũng nhiều năm viết theo kiểu đúng chuẩn mực như “Tốt” hoặc “Có cố gắng”,… thì lại có cảm giác lời phê bị đóng khung, cứng nhắc và ít cảm xúc.
“Và khi trả bài kiểm tra thì các con cũng chỉ quan tâm đến điểm số. Trước đây trong một lần trả bài cho một học sinh bị điểm thấp, tôi thấy em rất buồn. Trong bài kiểm tra đó, ngoài chấm điểm, tôi phê là “Học yếu, phải cố gắng hơn”. Sau đó tôi suy nghĩ có lẽ lời nhận xét của mình là một sự áp đặt và tạo tâm lý nặng nề lên học sinh”.
Từ đó, cô Huyền dành thêm thời gian cho những lời phê với mong muốn tâm lý đón nhận điểm bài kiểm tra của học sinh không quá căng thẳng.
Cô Huyền và các em học sinh. Ảnh: Vietnamnet |
Nói thêm về hàm ý của từng lời phê trong bài kiểm tra của học sinh với báo Pháp luật TP.HCM cô Huyền cho biết, ví dụ như có em được 10 điểm, được cô phê “Oh yeah, có đứa cười rách cả miệng”. Bởi em này chưa bao giờ được 10 điểm, trong quá trình học em chỉ được 7,8 điểm là cùng. Điểm 10 là một sự cố gắng rất nhiều. Với lời phê ấy, hy vọng học sinh hiểu rằng giáo viên hiểu rất rõ cảm xúc của các em.
Hay như có em lại được nhận xét “Chấm bài cho cô, tôi muốn tăng xông vì bài 2a”. Lời phê đó ngầm thể hiện sự giận dữ của giáo viên trước một bài đơn giản mà học sinh làm ẩu nên bị trừ điểm oan. Đồng thời, khi nhận bài, bản thân em đó cũng không còn tự trách mình học kém nữa.
Được biết, từ khi cô phê bài theo hướng cởi mở, thân thiện, các em học sinh đã tiến bộ rõ rệt trong việc học. Thậm chí, còn luôn mong đợi các bài kiểm tra và nhắc khéo “Cô nhớ phê dài dài cho con nha”.
Nguyễn Phượng(T/h)