Trên kênh Tiktok cá nhân, cô Ngô Thúy Trình thường xuyên đăng tải các bài giảng như cách làm bài nghị luận xã hội, phân tích tác phẩm văn học, kỹ năng viết bài... nhằm phục vụ đối tượng học sinh từ lớp 9 đến lớp 12. Cô muốn nhiều học trò có thể xem bài giảng miễn phí thay vì phải bỏ tiền ra mới được đi học.
Mỗi khi xuất hiện trước ống kính, cô giáo Trình cũng chăm sóc kỹ lưỡng về cả hình ảnh và trang phục, đảm bảo nghiêm túc như đi dạy học trên trường.
Bắt đầu lập kênh từ tháng 3/2023, đến nay sau 15 tháng, cô Trình đã ra gần 200 video. Hiện tài khoản Tiktok của cô cũng có gần 160.000 lượt theo dõi.
Ở tuổi ngoài 70 mới bắt đầu mày mò công nghệ, cô Trình được con gái dạy cách quay video và đăng tải.
Trong những video đầu tiên, nhiều học trò cũng góp ý: “Cô giảng hay nhưng nói nhanh quá”. Từ những bình luận như thế, cô Trình đọc và tự rút kinh nghiệm cho những video sau.
Sau quãng thời gian chia sẻ trên Tiktok, ngoài những bình luận tích cực cũng có nhiều bình luận tiêu cực. Thay vì thông cảm, góp ý lịch sự thì phía dưới bình luận, một bộ phận giới trẻ không nhỏ đã bày tỏ thái độ không tốt, buông những lời xúc phạm, thậm chí miệt thị cô giáo như: "Em nào không hiểu là bị ma nhập nha; Cô tha e; Nghe nó văng vẳng như ở miền cực lạc,...".
Là một người chứng kiến những tranh cãi trên, bạn V.M.T (học sinh lớp 11, tại TP.HCM) bày tỏ quan điểm trên Phụ nữ số, một phần nguồn cơn khiến những bình luận khiếm nhã như vậy xuất hiện tràn lan dưới clip của giáo viên đáng kính xuất phát từ thái độ không tốt dưới ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội. Lợi dụng sự ẩn danh, nhiều tài khoản đã "núp" sau những dòng bình luận để không ngại bày tỏ những quan điểm, phát ngôn sai lệch ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cá nhân khác.
Cô Trình đọc được hết nhưng không vì những điều đó mà cảm thấy buồn. Cô chia sẻ trên VietnamNet: “Tôi không chạy theo những lời nói tiêu cực như thế vì biết vẫn có những học sinh thực sự yêu thích và mong muốn học thêm kiến thức mới từ cô. Những lời chê bai, góp ý cũng chính là động lực để tôi tiếp tục ra video chia sẻ kiến thức chỉn chu hơn”.
Ngoài chia sẻ những bài giảng trên mạng, cô Trình còn viết sách và là chủ biên của cuốn “Kỹ năng làm bài môn Ngữ văn trong trường phổ thông” nhằm phục vụ làm tài liệu để giáo viên và học sinh tham khảo.