Theo báo Phụ Nữ Việt Nam, mới đây, khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân trẻ vào cấp cứu trong tình trạng có la hét, thở nhanh. Người bệnh vào viện lúc nửa đêm, vẫn tỉnh táo hoàn toàn, giảm phản xạ gân xương và tăng tiết nước bọt khá nhiều. Bạn trai của bệnh nhân kể cách đó khoảng 2 ngày, cô hay cáu gắt và la hét nhiều.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, cho hay khi xem kỹ bệnh án của người bệnh, bác sĩ phát hiện kết quả đường huyết tăng, bất chợt “rợn tóc gáy” và nghĩ đến có thể bệnh nhân mắc bệnh dại.
"Tôi vội chạy ra lay hỏi bệnh nhân làm nghề gì. Bệnh nhân nói làm bác sĩ thú y, 2 tháng trước có khám cho một con chó nhỏ bị viêm phổi. Lúc tiêm cho nó có bị cắn vào ngón tay. Mọi người bảo vết xước nhỏ không cần tiêm phòng nên bệnh nhân chỉ sát trùng xong rồi thôi. Vài ngày sau, không thấy người ta mang chó đến và bệnh nhân cũng quên mất", bác sĩ Hùng kể lại.
Người bệnh được bác sĩ Hùng chẩn đoán theo dõi cơn dại. Vài ngày sau, bệnh nhân tử vong, lúc này, kết quả PCR dịch não tủy từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho thấy cô dương tính với virus dại.
Bệnh dại là bệnh lý truyền nhiễm do virus dại lây sang người qua vết cắn của động vật. Virus này có ái tính và đi từ vết cắn vào hệ thần kinh rồi gây viêm nhiễm. Tùy theo vết cắn và vị trí bị cắn mà thời gian di chuyển của virus vào não nhanh hay chậm, đôi khi có thể 1-3 tháng, thậm chí cả năm. Khi virus dại gây viêm não, không có thuốc nào điều trị được, bệnh nhân chắc chắn tử vong sau 2-10 ngày.
Nhân trường hợp này, bác sĩ Hùng khuyến cáo hiện nay rất nhiều người chủ quan cho rằng giữa thành phố lớn không có chó chết vì bệnh dại. Trên thực tế, Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước có tỷ lệ bệnh dại cao trên thế giới.
Cách duy nhất để đối phó với căn bệnh này là tiêm phòng vaccine dại cho người bị cắn. Người nuôi thú cưng cần có trách nhiệm với cộng đồng bằng cách tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi, rọ mõm cho chó khi ra đường. Trong khi đó, những người đã bị chó/mèo hay bất cứ con vật nào có thể mang virus dại cắn, cần xem xét đi từ vấn tiêm phòng dại.
Infonet dẫn thông tin từ bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi Hội truyển nhiễm (TP.HCM) cho hay, bệnh dại là bệnh có nguồn lây rõ ràng, đó là do chó hay mèo cắn. Đây là bệnh hoàn toàn dự phòng được, cụ thể phải làm sao để không bị chó mèo cắn và phòng bệnh sau khi bị cắn.
Theo bác sĩ Khanh, bệnh dại cho đến nay vẫn chưa có cách điều trị hiệu quả. Virus dại khi có biểu hiện triệu chứng thì nó đã tấn công cơ quan thần kinh, ngăn chặn hoạt động của hệ thần kinh xuống cơ thể, người bệnh tắc thở và tử vong.
Khi bị chó mèo cắn, tuyệt đối không đi đắp lá hoặc đến thầy lang mà phải tiêm vaccine. Các biện pháp đắp lá, chữa mẹo không có tác dụng “lấy virus dại” ra. Sau khi bị chó mèo cắn cũng không thể làm xét nghiệm “tìm” virus dại, bệnh này chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng và theo dõi con chó, con mèo đó.
Bác sĩ Khanh khuyên khi bị chó hay mèo cắn, cào, đầu tiên cần rửa sạch vết thương, bôi thuốc sát trùng, có thể khâu sát thương da, đánh giá xem vết cắn, vết cào có khả năng nước bọt của động vật xâm nhập hay không để tiêm vaccine dại.
Người dân phải hiểu tính chất, chỉ có động vật bị bệnh dại và trong nước miếng của nó có virus dại, con vật đó sẽ chết sau 10 ngày nên khi đó cần theo dõi con chó/mèo đó và tiêm ngừa. Khác với vaccine khác, vaccine dại được coi là vaccine điều trị. Khi tiêm vaccine đúng sẽ không có nguy cơ mắc bệnh dại. Bác sĩ tiêm sẽ tuỳ vị trí vết cắn để đánh giá xem có cần tiêm huyết thanh dại để bao vây virus lại hay không.
Tiêm ngừa vaccine và theo dõi con chó/mèo, nếu sau 10 ngày con vật không chết thì người bị cắn không phải tiêm mũi 4, mũi 5. Người dân có tâm lý sợ vaccine dại vì tác dụng phụ ảnh hưởng tới thần kinh nhưng bác sĩ Khanh cho rằng với công nghệ hiện nay, vaccine dại rất an toàn. Vì thế, khi bị chó, mèo cắn, bạn nên cần tiêm đủ mũi cho an toàn. Vaccine này tiêm được cả cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
Đinh Kim(T/h)