+Aa-
    Zalo

    Cô gái sáng tạo đồ chơi từ vải gai với mong ước bảo vệ môi trường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong hành trình tìm nguyên liệu sản xuất đồ chơi hấp dẫn, an toàn cho trẻ em làm từ vải gai, Bùi Hạnh Nguyên mong muốn giúp đỡ bà con dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt.

    Trong hành trình tìm nguyên liệu sản xuất đồ chơi hấp dẫn, an toàn cho trẻ em làm từ vải gai, Bùi Hạnh Nguyên mong muốn giúp đỡ bà con dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt hơn.

    Cảm hứng đến từ mong ước bảo vệ môi trường

    Căn phòng trọ chừng 35m2, nơi trưng bày và chế tạo các đồ thủ công làm từ vải gai dầu của bà con dân tộc thiểu số, Bùi Hạnh Nguyên (32 tuổi, Hà Nội) - người sáng lập xưởng đồ chơi Touched.Studio - Xưởng Chạm hào hứng khoe "Biệt đội rừng xanh" cô tâm đắc nhất. Đó là 5 nhân vật, đại diện cho 5 xu hướng tính cách nổi bật của các em bé: Sữa hiền lành, Mắm tinh ranh, Lạc hoạt bát, Lá chăm chỉ, Mật ngây ngô. Kế tiếp cô sẽ sáng tạo phụ kiện cho “biệt đội” này.

    Hạnh Nguyên chia sẻ, trước khi có thương hiệu làm đồ chơi thủ công từ vải gai dầu như bây giờ, cô đã mất 3 năm đi từ Bắc vào Trung, lang thang tại nhiều thôn, bản để tìm ra loại vải vừa bảo vệ môi trường lại an toàn cho người sử dụng.

    Những sản phẩm từ vải gai dầu phải rất kỳ công mới có thể hoàn thành.

    “Toàn bộ chất liệu làm gấu bông đều được nhập từ vải gai dầu của bà con dân tộc thiểu số, 100% là tự nhiên, thân thiện với môi trường. Riêng các bộ quần áo mình muốn tận dụng vải thừa từ các cửa hàng may để tránh lãng phí. Có như vậy mới đảm bảo việc làm đồ chơi an toàn, thân thiện với môi trường. Riêng các bộ quần áo mình muốn tận dụng vải thừa từ các cửa hàng may để tránh lãng phí. Có như vậy mới đảm bảo việc làm đồ chơi an toàn, thân thiện với môi trường”, Hạnh Nguyên chia sẻ. 

    Nói về đam mê, Hạnh Nguyên cho biết, năm 2010, cô tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế tại đại học Ngoại thương rồi đi làm ở một vài công ty. Tuy nhiên, hai năm sau, cảm thấy công việc văn phòng không phù hợp, cô gái quyết tâm theo học trường đào tạo thiết kế thời trang theo sở thích. Ra trường, Nguyên nhận vị trí thiết kế cho một công ty thời trang.

    “Thời điểm đấy, bản thân mình nhận thấy vải công nghiệp chiếm ưu thế hơn so với vải truyền thống, nhưng lại không thể bảo vệ môi trường. Lúc đó, những câu hỏi cứ hiện trong đầu. Tìm vải từ các chất liệu tự nhiên ở đâu? Làm sao để có thể tạo ra các sản phẩm thời trang có tính thẩm mỹ, không gây ô nhiễm môi trường? Làm sao để giúp người Việt dùng hàng Việt? Sau đó, lại một lần nữa tôi quyết định nghỉ việc để tìm kiếm hướng đi riêng”, Hạnh Nguyên nói.

    Căn phòng chưa đầy 35m2 của cô gái trẻ đam mê thời trang.

    Nhiều ngày miệt mài tìm hiểu, cô biết Việt Nam có sẵn các chất liệu vải hoàn toàn từ tự nhiên như vải lụa, gai dầu và bông. Hạnh Nguyên bắt đầu đi đến tận nơi bà con đang sinh sống để tìm kiếm loại vải ưng ý.

    “Lúc ấy, tôi chỉ biết người Mông ở Hà Giang biết làm vải gai dầu – một sản phẩm cần phải trải qua khoảng 200 bước mới ra được thước vải mềm. Từ những chuyến đi một mình, đi vào từng thôn, bản, tôi có thêm một vài người đồng hành từ Hà Giang, Lào Cai cho đến Thanh Hóa, Nghệ An, Huế...”, Hạnh Nguyên kể về hành trình tìm được nguyên liệu ưng ý.

    Tạo thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số

    Cuối năm 2018, Xưởng Chạm chính thức ra đời. Thời điểm đầu, Nguyên thường đem sản phẩm đến các hội chợ để giới thiệu. Với mức giá từ 200 cho đến 1,4 triệu đồng, hầu hết mọi khách hàng đều chê đắt. Nhưng sau khi biết về câu chuyện đằng sau mỗi con búp bê, rất nhiều vị khách đã thốt lên: “Chúng xứng đáng với một mức giá cao hơn!”.

    Suốt 3 năm bôn ba, cô gái trẻ đã trích toàn bộ số tiền tích lũy theo đuổi đam mê. Tìm được vải, Nguyên bắt đầu tìm cách xử lý. Thời gian đầu bế tắc vì ý tưởng ban đầu của cô gái trẻ là thiết kế quần áo với chất liệu vải gai dầu, nhưng ứng dụng chưa được cao, giá đắt, kích thước khổ vải cũng bé hơn so với vải công nghiệp, vì vậy sản phẩm tạo ra khó cạnh tranh. Nguyên dần bỏ ý định làm quần áo thiết kế.

    “Đột nhiên ý tưởng biến chất liệu vải tự nhiên này thành đồ chơi cho các em nhỏ - đối tượng cần nhất sự an toàn từ vải tự nhiên nảy sinh. Những thứ ban đầu không hề dễ dàng, con gấu bông đầu tiên tôi làm xấu thậm tệ, phải mất một thời gian nghiên cứu mới có thể tạo ra "Biệt đội rừng xanh" như hiện tại”, Nguyên nhớ lại.

    Ngoài việc tạo thêm thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số khi tìm kiếm được đầu ra, Nguyên cũng trích 5% doanh thu bán hàng mở ra lớp học dành cho trẻ em vùng cao, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tự tay thiết kế và làm đồ chơi từ chính loại vải truyền thống.

    “Nghệ nhân dệt vải truyền thống cần tới khoảng 200 bước từ khi gieo hạt gai dầu cho tới khi thành miếng vải mềm có thể sử dụng. Từ vải có sẵn, người làm cần thêm 24 bước từ thiết kế, cắt may, thêu mới ra sản phẩm hoàn thiện. Tất cả các bước đều hoàn toàn thủ công và lấy các nguyên liệu từ thiên nhiên nên hoàn toàn an toàn cho người sử dụng và không gây ô nhiễm môi trường”Minh Trang - thành viên sản xuất thủ công của xưởng chia sẻ.

    Lê Vân Anh
     
    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (52)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-gai-sang-tao-do-choi-tu-vai-gai-voi-mong-uoc-bao-ve-moi-truong-a351330.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan