Theo thông tin được chia sẻ, cô gái người Thái Lan có biệt danh Vishita Punranuu không thích uống nước. Trong suốt nhiều năm, Vishita không uống một giọt nước lọc, ngay cả vào những lúc mệt, khát hay cần uống thuốc, sau khi ăn xong.
Thay vì nước lọc, cô sử dụng sữa chua, trà, cacao, nước ngọt, nước hoa quả và nước tăng lực. “Tôi uống những thứ này thay nước vì tôi thấy nó khác biệt. Tôi nghĩ rằng đó cũng là nước, cũng giống nhau thôi”, cô gái cho hay.
Tháng 7/2021, Vishita bắt đầu bị đau đầu, cơn đau nửa đầu cứ xuất hiện rồi biến mất. Tình trạng như vậy kéo dài 2 tháng. Ngày 12/7/2021, cô đang đi vệ sinh thì thấy trước mắt tối sầm, đứng lên thì cơ thể tự động nghiêng về phía bên trái.
Đúng lúc bạn trai nghe tiếng gọi và vào kiểm tra, cô gái ngã xuống, miệng méo xệch, tê liệt nửa người và nôn trước khi được đưa tới bệnh viện trong vòng 30 phút. Kết quả chụp MRI cho thấy tĩnh mạch não bị co lại, não bị sưng, nếu tình trạng không thuyên giảm thì cần làm phẫu thuật não.
May mắn, sau 2 đêm nằm trong ICU, kết quả kiểm tra tim cho thấy mọi thứ hoàn toàn bình thường, não của Vishita cũng đã bớt sưng. Tuy nhiên, cô không thể đi lại, phần cơ thể bên trái không thể hoạt động như bình thường.
Đặc biệt, mắt của cô sụp mí, miệng méo, nói ngọng, không tắm được, không đi lại được. Vishita phải nằm viện 1 tuần, tập vật lý trị liệu mới có thể đi lại. Được biết, Vishita rơi vào tình trạng đó là do cơ thể cô không được cung cấp nước, dẫn đến máu đặc lại, chảy chậm và vón cục.
Cô gái trẻ mất hơn 2 tháng để tự hồi phục, uống thuốc và châm cứu, tốn không biết bao nhiêu tiền cho tới khi có thể đi lại. Sau 1 năm điều trị, cơ thể của Vishita hiện mới chỉ hồi phục được khoảng 80%.
Vishita tâm sự: “Thật may là nó không ảnh hưởng đến mạch máu não hay làm đứt nó. Nếu không thì tôi khó lòng ngồi đây và chia sẻ lại điều này với các bạn. Kỷ niệm 1 năm nhưng nó vẫn chưa lành. Tiền chữa trị, thuốc men rất tốn kém, dù nước là loại thuốc tốt nhất và rẻ tiền”.
Ngay sau khi được đăng tải, câu chuyện của Vishita lập tức thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những người không quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe bản thân. Giống như Vishita, nhiều người cũng ít khi hoặc không uống nước lọc. Trên thực tế, việc uống không đủ nước có hại rất lớn đối với sức khỏe.
Thận và tim hoạt động kém
Để thận hoạt động tốt, cần nước để làm loãng máu. Việc không có đủ nước khiến thận phải làm việc quá sức để lọc máu. Tình trạng mất nước nghiêm trọng có thể dẫn đến suy thận hoặc sỏi thận.
Tương tự, khi mất nước, tim phải làm việc nhiều hơn để duy trì lượng máu khi đứng lên. Nếu bị mất quá nhiều nước, tim sẽ không theo kịp, lưu lượng máu đến não không đủ có thể gây ngất xỉu.
Mất tập trung
80% não bộ là nước nên khả năng và chức năng của bộ não phụ thuộc rất lớn vào thức uống này. Mất nước nhẹ cũng làm suy yếu khả năng của não, gây khó khăn cho khả năng suy nghĩ. Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Nutrients, uống nước có thể ngăn ngừa mất trí nhớ và ngăn chặn suy giảm sự chú ý.
Suy giảm hệ thống miễn dịch
Matt Durkin – chuyên gia dinh dưỡng người Anh, cho hay nước cần thiết để tạo nên các thành phần chính của hệ miễn dịch.
Mệt mỏi, đau đầu
Thiếu nước làm chậm mọi hoạt động của các cơ quan, dễ khiến bạn thấy buồn ngủ và mệt mỏi hơn, đồng thời gây ra tình trạng nhức đầu dai dẳng. Lý do là vì cơ thể mất nước sẽ khiến các mô não co lại, dẫn đến các cơn đau đầu. Ngoài ra, khi mất nước, lượng oxy lên não không đủ cũng là nguyên nhân khiến bạn đau đầu nhiều hơn.
Các vấn đề về tiêu hóa, táo bón
Uống nước quá ít có thể dẫn đến tiêu hóa kém. Dạ dày không đủ nước để tiêu hóa thức ăn, dễ gây viêm loét và trào ngược axit. Các nghiên cứu cho thấy nước có thể cân bằng độ pH cho dạ dày và làm giảm các triệu chứng trào ngược axit hiệu quả.
Bên cạnh đó, nước là chất giúp chất giúp thực phẩm di chuyển qua ruột dễ dàng hơn. Nếu cơ thể bị mất nước thì ruột già sẽ tận dụng bất cứ lượng nước nào có thể lấy từ thực phẩm đi qua ruột, khiến thực phẩm đó trở nên quá khô và gây ra táo bón.
Gây các vấn đề về da
Cơ thể bị mất nước sẽ làm chậm lưu thông máu, khiến da không được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất cần thiết. Da lúc này dễ bị khô, nhợt nhạt, khả năng phục hồi và tái tạo cũng chậm hơn nên rất dễ bị lão hóa và xuất hiện nếp nhăn.
Do đó, bạn nên uống nước thường xuyên và uống đủ nước. Da đủ nước sẽ căng đầy và làm chậm sự hình thành nếp nhăn.
Đinh Kim(T/h)