Để chứng minh một doanh nghiệp nước ngoài chuyển giá, Tổng cục thuế có khi phải mất hàng chục năm để thu thập số liệu xác thực.
Xem video:
Theo thống kê mới đây của Bộ Tài chính, 8 tháng đầu năm 2014, đã phát hiện khoảng 2.000 doanh nghiệp có nghi vấn chuyển giá. Thế nhưng để chứng minh những trường hợp này có chuyển giá thật hay không, Bộ Tài chính cho biết có thể mất hàng năm trời, với hàng trăm nghiệp vụ so sánh, đối chiếu giá toàn cầu.
Thiếu liên kết toàn cầu, thiếu cơ sở dữ liệu, đang là những bất cập lớn cản trở công tác chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách của tổng cục thuế hiện nay.
Coca Cola tập đoàn đa quốc gia đến từ Mỹ - nơi có thuế thu nhập doanh nghiệp 40\%, Metro Cash&Carry đến từ Đức - nơi thuế thu nhập 29.58\%. Hoạt động tại Việt Nam - nơi thuế thu nhập doanh nghiệp là 22\%. Theo nguyên tắc kinh doanh, các doanh nghiệp sẽ chọn báo lãi tại những quốc gia có thuế suất thấp, để giảm bớt khoản thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng.
Thế nhưng thực tế, hàng chục năm hoạt động tại Việt Nam, liên tục mở rộng quy mô, nhà máy, siêu thị, nhưng Coca Cola, và Metro vẫn trường kỳ báo lỗ. Đây chính là cơ sở đầu tiên để ngành thuế đặt ra nghi vấn chuyển giá đối với các doanh nghiệp này.
Theo thông báo mới đây của Tổng cục Thuế, trong 8 tháng đầu năm 2014, khi thanh tra, kiểm tra tại hơn 39.000 doanh nghiệp, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 2.000 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá. Để chứng minh được các doanh nghiệp này chuyển giá, cơ quan chức năng cần tiến hành so sánh giá toàn cầu theo 6 phương pháp. Muốn vậy, buộc phải có dữ liệu cơ sở giá.
Theo ông Ông Lê Hải Đoàn (Giám đốc điều hành công ty kiểm toán VBP) trong trường hợp Coca Cola, nếu chúng ta thu thập được đầy đủ hợp đồng của hãng Coca Cola bán cho Coca Cola Ấn Độ, Coca Cola Brazil hay Coca Cola Trung Quốc là bao nhiêu và so sánh được với thị trường tại Việt Nam, thì chúng ta có thể kết luận là Coca Cola Việt Nam là quá cao. Từ đó chúng ta có thể quyết định được mức giá mà họ áp dụng là bất hợp lý mà họ không thể kháng lại quyết định của chúng ta được.
Nhưng thực tế đây là điều gần như bất khả thi bởi Việt Nam chưa xây dựng được liên kết cơ sở dữ liệu với các quốc gia khác trên thế giới, chưa kể những cản trở từ các quốc gia có nhà đầu tư. Chính những bất cập này đã khiến Tổng cục thuế mất hàng chục năm để có thể chứng minh một nghi vấn chuyển giá.
Để tiện cho việc so sánh giá, Bộ Tài chính đang xây dựng cơ chế thỏa thuận giá trước giữa doanh nghiệp FDI và tổng cục thuế gọi tắt là phương pháp APA. Tuy nhiên do thỏa thuận này mới không mang tính bắt buộc, nên về lâu dài, vẫn cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên quốc gia để đảm bảo hiệu quả trong chính sách chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách tại Việt Nam./.