+Aa-
    Zalo

    Cienco4 (C4G): Ôm nợ “khủng”, gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu

    (ĐS&PL) - Kết thúc năm 2022, nợ phải trả của Cienco4 là gần 6.000 tỷ đồng; cao gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp cũng ghi nhận dư nợ trái phiếu gần 250 tỷ đồng, được đảm bảo bằng chính cổ phiếu C4G.

    Nợ phải trả gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu

    Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, luỹ kế từ đầu năm, Cienco4 (C4G) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.976 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 168,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 48% và 153% so với cùng kỳ năm trước.

    Mặc dù ghi nhận khởi sắc trong kết quả kinh doanh nhưng Cienco4 vẫn không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm, đồng thời dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm 2022 lại âm hơn 23 tỷ đồng.

    Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ vay của Cienco4 cuối quý IV/2022 là 3.547 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính dài hạn chiếm tỷ trọng lớn với 2.425 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty ở mức 5.934 tỷ đồng, tương ứng cao gấp hơn 2,3 lần vốn chủ sở hữu.

    Trong 3 năm gần nhất, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này luôn ở mức cao, cụ thể là 5,38 (năm 2020) và 5,1 (năm 2021), tức là cứ 1 đồng vốn thì tương ứng với 5 đồng nợ.

    Tính đến hết ngày 31/12, Cienco4 ghi nhận khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn ở mức 2.425 tỷ đồng. Trong đó, công ty vay Ngân hàng BIDV (chi nhánh Nghệ An) hơn 2.000 tỷ đồng để phục vụ dự án Cầu Hiếu 2, Quốc lộ 1A đoạn Nam Bến Thủy, nút giao Quốc lộ 46, Cầu Yên Xuân và mua sắm tài sản (theo khế ước).

    Tài sản đảm bảo cho khoản vay trên là nguồn thu phí khai khai thác, toàn bộ tài sản được hình thành từ dự án Cầu Hiếu và toàn bộ số dư tiền gửi của Cienco4 tại ngân hàng.

    Cienco4 cũng lấy toàn bộ tài sản được hình thành từ cao tốc văn phòng tại số 180 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM) để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay hơn 121 tỷ đồng tại Ngân hàng HDBank.

    Đến ngày 31/12/2022, dư nợ trái phiếu của Cienco4 là hơn 249 tỷ đồng. Theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, đây là lô trái phiếu có mã số C4G82124001, tổng giá trị 250 tỷ đồng, lãi suất 9,5%/năm.

    Tài sản đảm bảo tại ngày phát hành là 20,6 triệu cổ phiếu C4G, bao gồm cổ phiếu thuộc sở hữu của Công ty New Link (15 triệu cổ phiếu), ông Nguyễn Tuấn Huỳnh (hơn 3,9 triệu cổ phiếu); ông Nguyễn Tuấn Nghi (hơn 1,6 triệu cổ phiếu).

    Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính hợp nhất 2022, tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này chỉ thể hiện là 7,11 triệu cổ phiếu C4G. Cụ thể, Công ty Cổ phần New Link (1,5 triệu cổ phiếu); ông Nguyễn Tuấn Huỳnh (hơn 3,9 triệu cổ phiếu) và ông Nguyễn Tuấn Nghi (hơn 1,6 triệu cổ phiếu).

    Tính theo mức giá 11.500 đồng/cổ phiếu kết phiên ngày 9/3, giá trị tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 250 tỷ chỉ còn khoảng hơn 86 tỷ đồng.

    Theo kết quả chào bán, một công ty chứng khoán trong nước đã mua 100% lô trái phiếu trên. Trong khi đó, tổ chức tư vấn, bảo lãnh và đại diện người sở hữu trái phiếu đều là Chứng khoán VnDirect – một cổ đông cũ của Cienco4.

    cienco4 1
    Kết thúc năm 2022, nợ phải trả của Cienco4 là gần 6.000 tỷ đồng; cao gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu.

    Những lần bị “tuýt còi” vì chậm tiến độ

    Vào tháng 10/2022, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận có công văn gửi Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco 4 về việc thi công chậm tiến độ tại Gói thầu XL-02, Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1.

    Theo đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ chủ đầu tư, vào đầu tháng 9/2022, Cienco4 đã có văn bản cam kết tiến độ thi công tại Gói thầu XL-02 với các mốc thời gian hoàn thành cầu Ba Càng như sau: hoàn thành lao dầm 5 nhịp ngày 10/10/2022; hoàn thành bản mặt cầu 5 nhịp ngày 31/10/2022.

    Tuy nhiên, từ ngày 10/9/2022 đến thời điểm tháng 10/2022, tiến độ thi công nhà thầu vẫn không chuyển biến đáng kể, cụ thể: cầu Ba Càng tiến độ lao dầm rất chậm, mới lao dầm được 1 nhịp/5 nhịp.

    Lãnh đạo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận khẳng định, việc liên tiếp chậm tiến độ thi công theo cam kết thuộc trách nhiệm chủ quan của nhà thầu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch giải ngân và thời gian hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT.

    Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, kế hoạch giải ngân theo mục tiêu đề ra, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cảnh cáo Cienco4 chưa nghiêm túc thực hiện kế hoạch, chậm thi công lao lắp dầm, bê tông bản mặt cầu Ba Càng do chính đơn vị đề ra.

    Ngoài ra, tại dự án cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (cao tốc Bắc - Nam), Cienco4 cũng góp mặt cùng Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina2.

    Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông kiến nghị Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 đưa dự án Diễn Châu (Nghệ An) – Bãi Vọt (Hà Tĩnh) vào tình trạng theo dõi đặc biệt vì thi công chậm.

    PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cienco4-c4g-om-no-khung-gap-hon-2-lan-von-chu-so-huu-a568455.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Trước thềm tăng vốn, ai đang sở hữu Cienco 4?

    Trước thềm tăng vốn, ai đang sở hữu Cienco 4?

    Chuẩn bị phát hành 112,3 triệu cổ phiếu ra thị trường để tăng vốn điều lệ, nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi ai hiện đang sở hữu Cienco4 – đại gia có thương hiệu trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư các công trình BOT trên cả nước.