(ĐSPL) - Sinh ra và lớn lên trên vùng đất “địa linh – nhân kiệt” làng Hành Thiện, Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định. Cố Tổng Bí thư Trường Chinh (1907 – 1988) xuất thân trong một gia đình nho học. Ngay từ thuở ấu thơ ông đã làm quen với Tứ thư, Ngũ kinh, làm quen với thơ Đường, thơ Tống, hiểu sâu văn hoá và sử học nước nhà. Ông nội Đặng Xuân Bảng (1828-1910) từng được vua Minh Mạng ban biểu đế “Giáo tử đăng khoa” nghĩa là cha dạy con đỗ đạt khi đỗ tiến sĩ năm 29 tuổi.
Danh gia vọng tộc
Theo lịch sử địa phương, vào mùa xuân năm Mậu Tý (1828) dưới triều Nguyễn Thái Tổ niên hiệu Minh Mạng năm thứ chín ở xã Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, vợ ông Tú tài Đặng Viết Hòe (vì bảy lần đi thi đều chỉ đỗ tú tài nên còn gọi là Mền Hòe) sinh được người con trai khôi ngô, tuấn tú.
Ông Mền Hòe ngắm con trai mà lòng dạt dào vui sướng, ông đặt tên con trai là Xuân Bảng, hy vọng con ông lớn lên sẽ làm rạng danh cho dòng họ Đặng bằng con đường khoa bảng: “Nhất định con ta sẽ hơn ta, muốn vậy, ta phải dạy con ta ngay từ sau khi nó tập nói để nó được làm quen với chữ Thánh hiền”.
Khi cậu bé Bảng bi bô tập nói, câu đầu tiên được phát ra chính là “nhân chi sơ, tính bản thiện...” người dân địa phương xem đó là chuyện lạ bởi chỉ có thần đồng mới có những biểu hiện lạ như vậy. Năm 12 tuổi, cậu Bảng đã biết đối và họa thơ với bố rất đúng luật và sâu sắc. Năm 19 tuổi, cậu Bảng tham gia thi Hương khóa Đinh Mùi (1847) đã đỗ tú kép. Ba năm sau (1850) ở khóa thi Hương Canh Tuất, Xuân Bảng cùng với bố đi thi, ông Mền Hòe thất vọng vì đỗ tú tài lần thứ bảy, thì Xuân Bảng đỗ cử nhân nên đã tự an ủi mình “con hơn cha là nhà có phúc”.
Tân cử nhân Đặng Xuân Bảng được nhận chức Giáo thụ phủ Ninh Giang (Hải Dương). Vừa làm quan lại vừa tự học và quan sát ghi chép để có tài liệu về ngôn ngữ, phong tục, tập quán của các địa phương. Năm 1856, ông lặn lội vào Huế thi Đình khóa thi Bính Tuất đỗ Nhị giáp Tiến sĩ, đáng lẽ đỗ Tam giáp nếu bài thi của ông không có đôi điều can gián vua bỏ thú ham săn bắn để tập trung vào việc nước trước nguy cơ Pháp có thể xâm lược nước ta.
Tài học cao hiểu rộng của Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng đã lọt đến tai vua Tự Đức nên năm 1857, vua đã triệu ông vào kinh đô Huế phong chức Bí thư Văn phòng Nội các với nhiệm vụ nặng nề là duyệt bộ sách “Khâm định nhân sự kim giám”. Ông làm công việc này ròng rã hai năm mới xong. Vua Tự Đức đọc những ý kiến đóng góp của ông rất hài lòng nên ban thưởng ngay cho ông chức Tri phủ Thọ Xuân (Thanh Hóa) sau lại điều lên Tuyên Quang làm Tri phủ Yên Bình, là nơi núi rừng hiểm trở, bọn thổ phỉ thường xuyên quấy nhiễu.
Sau một thời gian cai quản Yên Bình đã trở về đúng cái tên gọi của nó thì ông lại được vua gọi vào Huế trao cho chức Giám sát ngự sử (1862), chức quan có nhiệm vụ ngăn vua, giám sát và hạch tội các quan trong triều. Ngoài nhiệm vụ trọng đại trên ông được phép tham gia để bàn bạc các vấn đề về hành chính, tài chính, sử dụng quan lại. Ở lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp, trong đó không ít ý kiến của ông đã vượt thời đại.
Năm Mậu Tý (1888) khi vừa tròn 60 tuổi cụ Đặng Xuân Bảng xin nghỉ hưu, sống cuộc sống thanh bạch cho đến những năm cuối đời. Mặc dù có thời gian và tài liệu đã được ghi chép, tích lũy ngót 40 năm nhưng cũng phải mất gần 20 năm, Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng mới viết xong bộ “Việt sử cương mục tiết yếu” gồm tám quyển, 1.200 trang. Đây là bộ thông sử duy nhất ở nước ta có ghi chú các sự kiện lịch sử từ thời Hùng Vương đến hết triều Tây Sơn (1802).
Thân phụ đồng chí Trường Chinh là cụ Đặng Xuân Viện, cũng là người học cao hiểu rộng. Cụ không gặp may mắn trên đường lều chõng thi cử, nhưng bù lại, cụ có thiên hướng văn chương, nghệ thuật không thua kém những văn nhân, nghệ sĩ đương thời. Cụ là một trong những cây bút chính trong nhóm “Nam Việt đồng thiên hội”. Cụ biên soạn bộ “Minh đô sử” gồm 100 quyển đóng thành sách do Lê Trọng Hàm, người Hội Khê đứng đại biểu và đề tựa.
Nhà nào cũng có tiến sĩ
Nói về sự học của làng, ông Nguyễn Đăng Hùng (75 tuổi) - Hội trưởng hội Khuyến học của làng Hành Thiện cho biết: “Dù trong giai đoạn lịch sử nào, làng Hành Thiện cũng xuất hiện những con người kiệt xuất, làm rạng danh quê hương, đất nước. Dưới thời phong kiến, làng có 419 người đỗ đạt, trong đó có 7 vị đại khoa, 3 tiến sỹ, 4 phó bảng, 97 cử nhân. Sử sách cũng đã ghi lại có những gia đình ở làng Hành Thiện có 9 người (cha con, chú cháu) cùng đi thi, có 7 người đỗ cao.
Ông Nguyễn Đăng Hùng - Hội trưởng hội Khuyến học làng Hành Thiện. |
Hành Thiện cũng bộc lộ những tài năng sớm trong nhân dân vẫn còn lưu truyền như các ông: “Thần Chuyên, Thánh Nguyện, Trạng Nguyễn Thu”. Tên thật là Nguyễn Âu Chuyên, Đặng Văn Nguyện, Nguyễn Hữu Thu. Song nổi bật hơn cả là thần đồng Đặng Xuân Bảng (ông nội Cố Tổng Bí thư Trường Chinh) vì nhà nghèo không có tiền theo học thầy, chỉ ở nhà đọc sách và học cha mình là cụ Đặng Viết Hòe mà đỗ tiến sỹ năm 29 tuổi. Vua Tự Đức đã ban cho hai cha con biểu đế: “Giáo tử đăng khoa” có nghĩa là dạy con mà thi đậu khoa bảng.
Ngoài ra còn kể đến các tấm gương khác như cụ Đặng Huyền đỗ tú tài năm 11 tuổi, cụ Đặng Nguyên Hang đỗ tú tài năm 14 tuổi. Bên cạnh đó cũng có nhiều tấm gương nhà nghèo nhưng chăm chỉ, cần cù, kiên trì học tập nên đỗ đạt cao như cụ Nguyễn Trọng Cụ cảnh nhà cơ hàn, làm lụng vất vả lúc đi cày, đi bừa, giã gạo đều mang theo sách để học tập nhưng cụ đã đỗ tú tài năm 19 tuổi, đỗ cử nhân năm 25 tuổi. Cụ Đặng Hữu Nữu không có tiền ăn học nên đã đến xin thầy nấu ăn cho các bạn ở làng xa đến học để được theo học thầy, cụ đã đỗ cử nhân năm 19 tuổi.
Không chỉ những người thông minh, sáng dạ theo đuổi việc học mà ngay cả những người chậm chạp cũng kiên trì theo học. Có rất nhiều tấm gương sáng ngời trong sự học như cụ Đỗ Viết Hòe đã 7 lần thi đỗ tú tài nhưng không thi đỗ nổi cử nhân. Cụ Đỗ Đăng Thiện năm 19 tuổi thi đỗ tú tài nhưng đến năm 60 tuổi mới thi đỗ cử nhân. Cụ Đặng Vân Trường 4 lần thi đỗ tú tài đến năm 53 tuổi mới đỗ cử nhân. Nhưng sau đó cụ đã từ quan để về học thi tiếp cho đến năm 64 tuổi. Làng Hành Thiện có 248 người đỗ tú tài nhưng đã 411 lần đỗ tú tài là một điều kỳ lạ nhất Việt Nam.
Giai đoạn học chữ Pháp tuy rất ngắn, nhưng làng Hành Thiện cũng có 51 vị ghi danh. Trong đó có một tên tuổi đã trở thành niềm tự hào của dân làng Hành Thiện, Đặng Xuân Khu (tức cố Tổng Bí thư Trường Chinh). Cũng trong giai đoạn lịch sử này, trường sơ học Hành Thiện được thành lập và xây dựng từ tiền công quỹ của làng, dạy học trò đến lớp nhất tiểu học (lớp vỡ lòng). Những cái tên Nguyễn Thế Rục, Đặng Xuân Khu, Đặng Xuân Thiều đã làm rạng danh làng học trong thời kỳ đầu của phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong những giai đoạn tiếp theo, làng Hành Thiện là nơi sinh dưỡng cho đất nước những người con ưu tú, nắm giữ những cương vị chủ chốt trong quân đội và các cơ quan Trung ương.
Đến nay làng Hành Thiện vẫn mang đậm nét của làng quê Bắc Bộ thuộc đồng bằng sông Hồng với sân đình, cây đa, bến nước, con đò cùng tiếng sáo diều thánh thót và tiếng trẻ ê a học bài. Làng có 1.400 hộ dân và trên 6.000 nhân khẩu nhưng tính đến thời điểm hiện tại đã có tới 200 tiến sĩ, giáo sư. Hàng năm tỷ lệ thi đỗ đại học luôn đạt từ 85-90\%, số người đỗ đại học thì không đếm xuể.
DOÃN KIÊN
Video đang được quan tâm:
[mecloud]OdSLw5T8QD[/mecloud]