+Aa-
    Zalo

    Chuyện về người đầu tiên thể hiện ca khúc Tiến về Sài Gòn trên đài Phát thanh trưa 30/4 lịch sử

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trưa 30/4/1975, trên đài Phát thanh Sài Gòn đã vang lên âm hưởng hùng tráng của ca khúc Tiến về Sài Gòn với giọng ca của NSƯT Quang Hưng.

    Trưa 30/4/1975, trên đài Phát thanh Sài Gòn đã vang lên âm hưởng hùng tráng của ca khúc Tiến về Sài Gòn với giọng ca của NSƯT Quang Hưng. Bất ngờ nghe tiếng hát của mình trong thời khắc lịch sử ấy, ca sĩ Quang Hưng đã khóc vì xúc động. Và như thế, giọng hát của ông đã gắn liền với thời điểm lịch sử vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc thế kỷ 20. Gần nửa thế kỷ trôi qua, ca khúc Tiến về Sài Gòn vẫn gắn với tên tuổi ông, ca sĩ đầu tiên đã thể hiện bài hát.

    Cố NSƯT Quang Hưng

    Giọng hát gắn liền với những bản hùng ca

    NSƯT Quang Hưng sinh năm 1934 ở Hà Nội. Sống ở một đô thị cứ ra khỏi nhà là nhìn thấy lính Pháp dữ tợn đã dần tác động lớn đến tư tưởng của Hưng. Và mong muốn đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập dân tộc đã lớn dần theo nhận thức của ông. Mùa đông năm 1946 tự vệ Thành Hoàng Diệu và Trung đoàn Thủ đô đã kiên cường đánh quân Pháp tái chiếm Hà Nội trong 60 ngày. Lúc bấy giờ Quang Hưng mới chỉ là cậu bé 13, một giọng hát trong trẻo mà kiên cường với những giai điệu của Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi), Cảm tử quân (Hoàng Quý), Du kích ca (Đỗ Nhuận).

    Nói đến NSƯT Quang Hưng thì phải nhắc tới sự nghiệp ca hát đáng nể của ông trải dài trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ và vĩ đại của dân tộc. Năm 1948, Quang Hưng tham gia đội Tuyên truyền của Trung đoàn Thăng Long rồi về bộ Tư lệnh Liên khu III. Năm 1954, anh chiến sĩ cao xạ trẻ tuổi Quang Hưng tham dự cuộc thi hát toàn quân Người lính hát hay và hay hát và đã đoạt giải Nhất. Anh được tổng cục Chính trị điều về đoàn Ca múa tổng cục làm ca sĩ và năm 1957 cùng đoàn tham dự liên hoan Thanh niên sinh viên Thế giới lần thứ 6 tại Moskva. Sau đó, NSƯT Quang Hưng được cử đi học tại nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô).

    Giọng ca của thời khắc lịch sử

    Trong cuộc đời ca hát, kỷ niệm mà NSƯT Quang Hưng coi là vinh dự lớn nhất chính là giọng hát của ông được hoà vào giai điệu hừng hực và khát khao thống nhất đất nước trong ca khúc Tiến về Sài Gòn. Nó còn trở nên đặc biệt hơn khi được vang lên trên làn sóng đài Phát thanh Sài Gòn ngay sau khi quân giải phóng chiếm được đài Phát thanh.

    Khi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từ miền Nam ra Hà Nội đã mời nghệ sĩ Quang Hưng đến phòng thu, rồi kín đáo lấy từ sắc cốt ra bản nhạc bài hát Tiến về Sài Gòn đưa cho ông. Bản nhạc đã úa màu thời gian và có lẽ nó đã theo tác giả trải qua những chặng đường Trường Sơn ác liệt. Chỉ nhìn thoáng qua những nốt nhạc và ca từ, Quang Hưng đã hiểu những tâm sự, khát khao chiến thắng mà người nhạc sĩ nhắn gửi trong ca khúc. Bởi thế, khi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước yêu cầu ông thu âm bằng cả giọng Nam và giọng Bắc, ông đã hết sức cố gắng, dù không hiểu tận cùng lý do.

    Bài hát được thu âm tại đài Tiếng nói Việt Nam, một băng ghi âm giọng Bắc, còn một băng thu giọng Nam và được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước mang theo vào chiến trường. Mãi sau này, NSƯT Quang Hưng mới biết, đó là bài hát được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968. Nhạc sĩ đã giao một băng nhạc cho nhóm chiến sĩ có nhiệm vụ chiếm đài Phát thanh Sài Gòn. Còn băng thứ hai, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cất giữ cẩn thận trong hộp đạn, giấu ” trong thùng gạo, chuyển vào mặt trận. Đến chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, ông trao cho cánh quân đánh chiếm đài phát thanh Sài Gòn để phát ngay khi giành thắng lợi.

    Sau này, ca khúc Tiến về Sài Gòn đã được NSƯT Quang Hưng thể hiện trong chuyến lưu diễn tại Thủ đô nhiều nước như: Liên Xô, Cuba, Triều Tiên, Đức, Hungari... NSƯT Quang Hưng cũng đã vinh dự được Chủ tịch Cuba Phidel Castro tặng một cây đàn ghi-ta khi biểu diễn bài hát này ở Cuba.

    Trong những ngày tháng 4/1975, cả nước rộn rã niềm vui chiến thắng. Ngày 30/4/1975, cả Hà Nội như nín thở theo dõi từng bước đi của đoàn quân cách mạng. Như bao người Việt Nam, NSƯT Quang Hưng cũng khao khát hòa bình, nhưng ông không ra đường để hòa vào không khí chung như bao người, mà ngồi như gắn vào 2 chiếc đài bán dẫn ở nhà với sự chờ đợi căng thẳng. Một chiếc mở sóng của đài Tiếng nói Việt Nam và một chiếc bắt sóng của đài Phát thanh Sài Gòn. Khi ấy, tâm trạng của ông vô cùng hồi hộp. Ông linh cảm có điều gì đó thật hệ trọng sắp đến, khi đài Phát thanh Sài Gòn cứ phát liên tục các bài hát tiền chiến như: Con thuyền không bến, Giọt mưa thu, Đêm đông,... Đúng như ông dự đoán, những bản nhạc bỗng ngừng bặt. Ngay sau đó là tiếng hát của chính ông, NSƯT Quang Hưng, vang lên mạnh mẽ, hút hồn: “Nơi thành đô trong ánh điện quang tiếng hát nghẹn câu cười/Khu nhà tranh năm cánh cửa ô rên xiết đêm ngày/Quê nhà ta đau đớn lầm than đang bóp nghẹn tim người/Sài Gòn ơi, ta đã về đây! Ta đã về đây!...”.

    Đây chính là bản nhạc thu âm bằng giọng miền Nam của ông. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi thu thanh bài hát năm 1967, ông mới được nghe bài hát do chính mình thể hiện.

    Suốt 4 thập kỷ qua, cứ đến ngày 30/4 là bài hát Tiến về Sài Gòn lại vang lên hùng tráng, nối dài cảm xúc trong tâm hồn những người yêu nhạc. Mỗi lần nghe giọng hát của mình thuở ấy, ca sĩ Quang Hưng vẫn thấy bồi hồi xúc động.

    "Nghe giọng mình vang lên trong thời khắc lịch sử đặc biệt, ông không nói được lời nào, 2 hàng nước mắt chảy dài".

    Thu Hà

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 4 (69)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-ve-nguoi-dau-tien-the-hien-ca-khuc-tien-ve-sai-gon-tren-dai-phat-thanh-trua-304-lich-su-a321589.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan