+Aa-
    Zalo

    Chuyện về lớp học ghép có 10 học sinh, bảng đen lắp 2 đầu lớp

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nghe qua tưởng như là câu chuyện đùa ở một lớp học học thêm nào đó, nhưng đó lại là những gì đang diễn ra ở trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy (Quảng Bình).

    (ĐSPL) - Nghe qua tưởng như là câu chuyện đùa ở một lớp học học thêm nào đó, nhưng đó lại là những gì đang diễn ra ở trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy. Những thầy giáo ở đây đã phải chia bảng ở 2 đầu lớp để dạy các em học sinh lớp 1 và lớp 2 ở bản Eo Bù - Chút Mút, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) khi ở đây có quá ít học sinh đến trường.

    Trải qua một quãng đường xa xôi và khá hiểm trở, chúng tôi mới đến được bản Eo Bù - Chút Mút, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Qủa đúng như tên gọi, bản Chút Mút nằm khuất sâu  trong dãy Trường Sơn, chỉ cách biên giới Việt Nam – Lào khoảng 5km.   

    Trong cuộc trò chuyện, Thiếu tá Nguyễn Văn Lạc, Tổ trưởng tổ Biên phòng Chút Mút hồ hởi cho biết: “Những năm vừa qua, chúng tôi luôn nỗ lực để nâng cao dân trí cho bà con trong bản và đặc biệt chú trọng công tác vận động cho con em tại địa phương đi học. Tuy nhiên, việc học của trẻ em ở đây vẫn còn nhiều khó khăn vì điều kiện đi lại khá xa xôi và dân cư nằm rải rác nên số trẻ em học lên cao vẫn chưa nhiều. Nhưng chúng tôi đang hy vọng sẽ thay đổi được cách nghĩ của bà con nơi đây khi các thầy giáo đã luôn bám trường, bám lớp để vận động các em đến trường”.

    Để minh chứng cho những gì đã nói, Thiếu tá Lạc dẫn chúng tôi đến điểm trường lẻ PTDT bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy cách tổ Biên phòng Chút Mút khoảng 4km. Gần đến nơi, tiếng học trò tập đọc ê a đã làm rộn ràng thêm không gian yên tĩnh của núi rừng.

    Nói là lớp học nhưng ở đây chỉ có 10 học sinh được chia làm 2 dãy ngồi. Trong lớp, một dãy chỉ có 4 em và dãy bên cạnh là 8 em học sinh ngồi ngược hướng nhau với chiếc bảng đen được lắp ở 2 đầu lớp.

    Lớp học vỏn vẹn 10 học sinh lớp 1 và lớp 2 cùng học chung, bảng được lắp ở 2 hướng khác nhau.

    Giải thích điều này, thầy Nguyễn Ánh Văn, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 và 2 điểm trường lẻ PTDT bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy cho hay: “Do có quá ít học sinh nên trường buộc phải cho các em lớp 1, lớp 2 học chung với nhau. Vẫn biết học ghép như thế là bất tiện cho cả thầy và trò, nhưng nếu không học như thế thì không được vì có quá ít học sinh chịu đi học”.

    Thầy Văn cho biết thêm: “Năm nào cũng vậy, vào đầu năm học mới, các thầy giáo lại phải đến từng nhà để vận động các em tiếp tục đến trường . Đa số tâm lý các em học sinh ở đây vẫn còn thích ở nhà rồi vào rừng kiếm củi, hái măng, bẫy chim... giúp đỡ cha mẹ hơn là đi học. Chính vì thế mà mỗi lần nghỉ hè xong, các thầy giáo lại phải đến từng nhà làm công tác “dân vận” để các em đi học trở lại”.

    Được biết, năm nay là năm thứ 8 thầy giáo Văn gắn bó với bà con dân tộc Vân Kiều. Từ miền biển của xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, thầy xem việc đến dạy học ở bản Chút Mút như một cái duyên gắn với cuộc đời mình. Bởi cái chân chất thật thà của người Vân Kiều lại càng khiến thầy muốn gắn bó với những học trò còn nhiều thiếu thốn nơi đây. 

    Thầy Văn kể lại : “Cách đây 8 năm khi tôi mới bắt đầu lên đây, đường từ bản ra trung tâm xã chưa được làm như bây giờ, mỗi lần giáo viên muốn vào bản để dạy học thì hết sức khó khăn, phải mang theo lương thực, thực phẩm dự trữ ăn cả tháng. Nhiều hôm trời mưa, đường lầy lội, thầy cô giáo phải đi bộ nguyên ngày mới vào tới bản. Nhưng rồi mọi khó khăn cũng thành quen, giờ đây những gương mặt ngơ ngác, lấm lem đã trở nên gắn bó đối với tôi và làm tôi yêu thêm cái nghề dạy học của mình.”.

    Có lẽ, vì tình yêu dành cho các em học sinh Vân Kiều nên như một cán bộ biên phòng Chút Mút cho biết, các em ở đây còn nghe lời thầy cô giáo hơn cả cha mẹ của mình. Một học sinh ở đây rụt rè nói: “Đến lớp được học chữ, được học hát em thích lắm ạ”.

    Các giáo viên đang nỗ lực từng ngày dạy chữ cho các em.

    Được biết, ngoài thầy Văn là giáo viên cắm bản ở đây thì mỗi tuần còn có 2 thầy giáo từ trường trung tâm về bản dạy thêm các môn học khác. Chính vì lòng yêu nghề của các các thầy giáo nơi đây đã làm cho bản Eo Bù - Chút Mút có thêm hy vọng sẽ thay đổi suy nghĩ và tư tưởng của bà con . Nếu như trước đây, cả bản Chút Mút không ai biết chữ thì giờ đây, ngoài những em đang theo học lớp 1, lớp 2, 2 em học lớp 10, còn có em học đến lớp 12 đầu tiên của bản.

    Tại bản Eo Bù – Chút Mút, có một điểm trường mầm non và một điểm trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy dành cho học sinh lớp 1 và học sinh lớp 2. Còn lại, học sinh từ lớp 3 đến lớp 9 phải ra học tại trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy nằm ở trung tâm xã.

    Vì vậy, để tìm đến con chữ, tất cả các em học sinh đều phải đi bộ, lội suối. Để có thể đến trường, học sinh nơi đây phải đi bộ khoảng 17km, nhiều em học sinh đi nhanh thì mất 6 tiếng đồng hồ, những em đi chậm phải mất gần chục tiếng mới về đến nhà. Đó là chưa kể vào mùa mưa lũ, đường trơn trượt, các con suối chảy xiết không thể đi học.

    Một phần vì địa hình khó khăn, hiểm trở, xa trung tâm xã, huyện nên việc học của trẻ em ở đây vô cùng gian nan và trắc trở.  Bên cạnh đó còn là tâm lý coi nhẹ việc học hành của rất nhiều phụ huynh ở đây.

    “Phần lớn bà con nơi đây vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của việc học, nhiều khi đến nhà vận động con em đi học, họ nói, ở nhà đi vào rừng hái củi, hái măng, đánh bẫy thú rừng còn có cái mà ăn chứ đi học có qua cái đói đâu. Thế là mỗi lần như vậy, mình phải kiên trì, giải thích cho họ ý nghĩa của việc học cái chữ thì họ mới chịu. Việc thay đổi cách nghĩ của bà con nơi đây đang dần dần khả quan khi có bắt đầu có em ở Eo Bù- Chút Mút học đến lớp 12 và chúng tôi cũng đang nỗ lực để từng bước hướng các em học cao hơn để sau này góp phần vào việc xây dựng làng bản”, một giáo viên ở trường LâmThủy cho hay.

    Dẫu trước mắt, cuộc sống ở bản Eo Bù - Chút Mút còn muôn vàn khó khăn, nhưng những gì mà thầy trò nơi đây đang nỗ lực, cố gắng cho phép mỗi chúng ta có quyền hy vọng về một tương lai tốt đẹp, một cuộc sống nhiều đổi thay cho tất cả dân bản nơi đây...

    XUÂN HƯƠNG

    [mecloud]qU2qTDuUql[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-ve-lop-hoc-ghep-co-10-hoc-sinh-bang-den-lap-2-dau-lop-a118760.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.