(ĐSPL) - Thuộc lòng từng loài chim, cá, cây cối. Mùa nào cây chá ra hoa, mùa nào đàn cò bay về đậu trong rú ông đều biết cả.
Gần 30 năm lăn lộn mưu sinh trên Rú Chá, ông Nguyễn Ngọc Đáp (70 tuổi) trú ở xã Hương Phong, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên – Huế) thuộc lòng từng loài chim, cá, cây cối. Mùa nào cây chá ra hoa, mùa nào đàn cò bay về đậu trong rú ông đều biết cả.
Không hàng xóm láng giềng, không điện lưới, không nước sạch… nhưng lão nông được mệnh danh là Rô - bin - xơn xứ Huế đã quyết tâm thuyết phục vợ bỏ nhà để ra đây chăm sóc, bảo vệ Rú Chá suốt 30 năm qua.
30 năm vật lộn trên đảo
Với một hệ sinh thái rừng ngập mặn có diện tích lớn nhất khu vực miền Trung, Rú Chá được xem như một viên ngọc xanh về bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái giữa vùng đầm phá Tam Giang thơ mộng.
Những già làng nhớ rằng, đầu năm 1965, Mỹ - Ngụy nghi ngờ bộ đội ta nằm vùng trong 2 căn hầm bí mật giữa rừng Rú Chá nên điên cuồng dùng thủy lôi đánh chặn tìm và diệt. Nhưng nhờ rừng cây ở Rú Chá dày, rậm rạp, lại có dân làng Thuận Hòa bí mật đưa cơm nuôi cán bộ cách mạng nên kẻ thù bất lực.
Biết chúng tôi có ý định vào Rú Chá, một ngư dân nhanh nhẩu: “Trong đó mùa này ngập hết rồi, đi mô cũng phải dùng ghe hết. Ngoài vợ chồng ông Đáp thì không có ai ở đó nữa mô”.
Câu chuyện về Rú Chá kỳ bí và vợ chồng ông lão được mệnh danh là Rô – bin - xơn xứ kinh kỳ đã thôi thúc chúng tôi tìm đường đặt chân lên ốc đảo xinh đẹp này.
Quả đúng như lời của người dân trong vùng, Rú Chá mùa này ngập trong nước, rừng chá (một loại cây ngập mặn - PV) như một hòn đảo nhỏ giữa vùng nước lợ này. Mọi thứ nơi đây như bị cô lập với thế giới bên ngoài khiến nó trở nên huyền bí đến lạ lùng.
Sau một lúc lội bì bõm sang Rú Chá, chúng tôi cũng không mấy khó khăn để tìm ra nhà vợ chồng ông Đáp bởi ở đây chỉ có duy nhất ngôi nhà ấy tồn tại.
Đón chúng tôi với nụ cười hồn hậu, sau khi rót ly nước mời khách, lão nông xứ Huế chia sẻ chuyện đời mình và lý do ông có mặt nơi đây. Ông kể, cách đây trên chục năm, ông bà cũng như những đôi vợ chồng trẻ khác gặp rất nhiều khó khăn giữa miền đất phá Tam Giang này.
Hai vợ chồng dù đã cố quăng quật với cái cuốc cái cày nhưng gió cát nơi đây như không ủng hộ nỗ lực của con người nên không ít ngày gia đình chịu cảnh “cơm không đủ no, áo không đủ ấm”. Một thời gian sau, ông bà chuyển sang nghề đánh bắt cá để mưu sinh như những người dân nơi đây. Suốt ngày lăn lộn ngoài phá, cháy cả mặt để lo cho các con miếng cơm manh áo.
Vẫn biết vất vả là thế nhưng những ngày đầu đánh bắt thì tôm cá hãy còn nhiều, dù ngư cụ có mục nát, thô sơ thì vẫn có thể kiếm ăn được. Nhưng rồi, cá tôm ngày càng ít, việc đánh bắt ngày càng khó khăn.
Ngôi nhà trên đảo của vợ chồng ông Đáp. |
Dần dà, mọi người đều phải di dời khỏi vùng ven thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong để đến những nơi xa hơn như Cồn Tè, Rú Chá để kiếm sống. Khu vực quanh Cồn Tè nhìn chung còn thoáng đãng nên nhiều người tập trung đến đó.
Riêng Rú Chá ngày ấy nước ngập mênh mông, toàn cây chá, cây muỗm và nhiều loài cây dại khác chen chúc nhau. Thấy khu vực này khá tù mù, âm u nên nhiều người ái ngại không vào đây khai thác. Cái khó đôi khi nó khiến con người ta trở nên liều mạng hơn. Ông bà chống chèo trên chiếc ghe nhỏ len lỏi vào rừng chá để đánh bắt cá.
Vì còn hoang sơ nên mỗi ngày tuy vất vả nhưng thu nhập của đôi vợ chồng trẻ lại khá lên trông thấy. Tuy nhiên, về sau, nhiều người chú ý đến Rú Chá hơn và họ cũng vào đó để đánh bắt tôm cá.
Cứ mỗi bận vào đó kiếm ăn người ta cũng tranh thủ đốn vài bó củi chá về để làm chất đốt. “Vào những năm 80, thiếu chất đốt trầm trọng lắm bởi cây cối bị bom đạn phá cả rồi, người dân ở đây vốn nghèo khó lấy đâu ra bếp ga, nồi điện như bây giờ, mọi sinh hoạt nấu nướng đều dùng củi”, ông Đáp thở dài nhớ lại.
Khi cả làng đua nhau đi đốn củi như thế nên diện tích Rú Chá bị thu hẹp lại đáng kể. Vốn quen với từng bụi cây, gò đất nơi đây nên khi chứng kiến cảnh mảnh đất này sắp sửa chỉ còn là tên gọi trong quá khứ, hai ông bà thấy rất xót xa.
Lúc đầu hai người chỉ nhắc khéo với bà con rằng mình phải kiếm củi bằng cách khác chứ không nên chăm chăm vào đây để rồi xóa sạch rú này. Hơn ai hết, ông bà hiểu rằng đây là vùng đất có thể che chắn nước biển khỏi xâm thực và tránh những ngọn sóng, cơn gió cho cái làng Thuận Hòa này.
Nếu không kịp thời ngăn chặn thì những cái lợi trước mắt sẽ khiến người dân nơi đây phải chịu những khó khăn, thậm chí là tai họa rất lớn về sau.
Nhìn những mảng rú bị đốn trở nên loang lổ, xác xơ mà ông bà thấy ngao ngán, tiếc nuối vì mình không thể làm gì hơn là đứng nhìn. Trong lúc đó, có chính sách từ trên về cần phải bảo vệ rú để đảm bảo rừng phòng hộ, ông bà không hề băn khoăn, lên xã nhận ngay công việc mà nhiều người cho là ngớ ngẩn này.
Bởi kinh phí hỗ trợ cho người giữ rú không đáng là bao mà công việc cũng chẳng dễ dàng chút nào, trong khi đó nạn trộm củi ngày càng tràn lan. Đấy là chưa kể đến chuyện ở rú này chỉ có một vài tháng hè là có thể đi từ đất liền ra, còn lại toàn phải lội vì ngập nước.
Niềm vui không ở chốn phồn hoa
“Riết thành quen”. Ông Đáp nói một cách bình thản như vậy khi được hỏi tại sao ông bà lại chuyển ra ở một mình ngoài rú như thế bởi ở trong thôn vẫn có thể đảm nhiệm được công việc này. Kể từ ngày ông bà dắt díu con cái ra ngoài rú ở như người rừng, vậy mà đến nay đã gần 30 năm.
Vợ chồng ông Đáp và những người con của mình cũng đã quá thân quen với Rú Chá, coi nó như một phần cuộc sống. Ngồi cạnh đó, bà Trần Thị Hồng (67 tuổi, vợ ông Đáp) cười nói: “Cũng không hẳn là dễ dàng như người ta từng kể đâu.
Ngày ấy nhiều người khó quá cũng liều lắm, không chặt trộm được ban ngày lại rình mò vào ban đêm. Lắm lúc đang đêm nghe có trộm, ông nhà tôi lại phải lọ mọ dậy lấy đèn pin, chèo ghe ra rú. Tôi cứ sợ ông đi có chuyện gì nên phải ngồi chong đèn đợi ông về”.
Đã hơn 10 năm qua, ông bà không nhận được bất kỳ một khoản kinh phí hỗ trợ nào. Tuy vậy ông vẫn quyết tâm không “vào bờ” mà vẫn sống ngoài ngôi nhà nhỏ ấy. Tài sản trong tổ ấm của ông bà chẳng có gì giá trị ngoài một cái ti vi cũ, một cái đài nhỏ.
Đây là vùng nước lợ nên ông bà thường xuyên phải hứng nước mưa để nấu nướng hoặc thi thoảng vào làng chở nước ra sinh hoạt. Nhà cửa thì năm nay mới xây được cái nền chứ mấy năm trước hai vợ chồng phải đào đất đắp nền nhà liên tục.
Việc đi lại chủ yếu là ghe hoặc phải lội nước. “Lúc đầu mới ra đây tôi cứ ngã lên ngã xuống vì đường trơn trượt quá, thấy sao mà khổ vậy nhưng giờ thấy đi trên cạn khó hơn đi dưới nước nữa”, bà Hồng nhẹ nhàng tâm sự.
Dù nghèo khó nhưng ông Đáp và vợ vẫn rất yêu thương nhau. |
Cuộc sống vất vả, thiếu thốn đủ thứ nhưng ông Nguyễn Ngọc Đáp chưa bao giờ muốn rời ngôi nhà này mặc dù đã có hẳn một ngôi nhà trong bờ, con cái cháu chắt đề huề. Thỉnh thoảng ông bà mới trở về làng vài ngày tết hoặc những ngày có kị giỗ.
“Ở trong đó, tui thấy buồn chân, buồn tay lắm. Sống ngoài này, không khí trong lành, thanh tịnh, thoải mái. Bữa nay có nhiều thầy cô, học sinh về nghiên cứu nên cũng chẳng có gì đáng buồn cả”. Ngoài việc chăm chút cho Rú Chá, ông bà còn đào hồ nuôi tôm, cá và chăn thả thêm ít gà vịt kiếm thêm thu nhập.
Vừa chuyện trò, bà Hồng vừa giúp chồng chuẩn bị lưới chài để đi kiếm con tôm con tép về nấu bữa tối. Cuộc sống dù vô cùng khó khăn nhưng hai ông bà vẫn luôn yêu thương nhau và ngày ngày dành nhiều tâm sức để giữ gìn Rú Chá như chính ngôi nhà của mình vậy.