Tin trong nước

Chuyện về “bông hồng khắc lửa” của Công an Thủ đô: Đam mê hơn cả một chữ nghề

Chủ Nhật, 20/10/2024 09:48:00 +07:00

(ĐS&PL) - “Với tôi, những ngôi sao lấp lánh trên vai là niềm tự hào, là sự tận hiến hết mình cho hành trình chiến đấu với “giặc lửa”, Thiếu tá Khương Quỳnh Trang chia sẻ.

Bén duyên bằng “niềm đam mê”

Trong buổi gặp gỡ với PV ĐS&PL vào một buổi sáng đầu thu Hà Nội, Thiếu tá Khương Quỳnh Trang – cán bộ phụ trách công tác PCCC tại Công an phường Phú Lãm, quận Hà Đông, TP.Hà Nội, khác xa với những gì chúng tôi tưởng tượng. Nữ thiếu tá nhỏ nhắn, xinh đẹp cùng nụ cười dịu dàng thu hút ánh nhìn của người đối diện. Khoác lên bộ quân phục của ngành cũng không thể làm giảm đi sự dịu dàng, nữ tính ấy. Tôi chưa thể hình dung được, khi tác chiến lao vào biển lửa, biển khói dày đặc ấy, người phụ nữ nhỏ nhắn, nữ tính này sẽ biến chuyển như thế nào để luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bén duyên với ngành PCCC từ năm 2007 như một cơ duyên mà theo Thiếu tá Trang, cơ duyên ấy tựa như một “cái cớ tiền định”. Trải qua những vị trí công tác khác nhau, đến nay công việc gắn liền với PCCC luôn là niềm tự hào, là mục tiêu học hỏi, phấn đấu suốt đời với chị Trang.

Thiếu tá Trang chia sẻ: “Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm Công an, ngay từ nhỏ tôi đã ao ước được theo nghề của bố, được mày mò khám phá những vụ án bí ẩn hay trực tiếp đối diện với tội phạm hình sự. Tuy nhiên, trong một lần được cùng bố tiếp xúc với ngành PCCC, tôi bỗng thấy thích thú và muốn được thử sức với công việc này. Khi đưa ra lựa chọn này, gia đình cũng khuyên tôi rất nhiều bởi lẽ công việc này đối với nữ sẽ khó khăn hơn muôn phần. Thế nhưng, bằng niềm yêu thích và đam mê, với tôi những khó khăn đó như chất xúc tác giúp tôi luyện nên bản tính can trường của người lính phòng cháy chữa cháy”.

Chuyện về “bông hồng khắc lửa” của Công an Thủ đô: Đam mê hơn cả một chữ nghề  - 1

 

Thiếu tá Trang nhớ lại, những ngày đầu khi mới vào ngành PCCC, mỗi khi nghe tiếng còi xe chữa cháy vang lên là chị lại cảm thấy lo lắng. Bởi với chị và đồng đội hiểu, phía sau những âm thanh đó là sự hiểm nguy, là tính mạng, tài sản của người dân đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, dù chỉ chậm trễ từng giây thôi cũng có thể có những hậu quả đau lòng. Những lúc ấy, chứng kiến đồng đội của mình khẩn trương, gấp gáp lên đường làm nhiệm vụ, có những khi cơm chưa kịp ăn, nhịn đói tham gia chữa cháy suốt nhiều giờ đồng hồ đến khi hoàn thành công việc cũng là khi mệt lả, chị càng thêm yêu, thêm thương và đồng cảm, gắn bó với đồng đội, với công việc của mình.

Sau này, khi đã quen với công việc, chị luôn trong tâm thế sẵn sàng trực chiến, cứ nghe tiếng kẻng báo động là lên đường làm nhiệm vụ, thậm chí có khi chân không rời khỏi ủng để có thể lập tức lên đường. Ngay cả khi đã tan làm, trên đường trở về nhà, Thiếu tá Trang vẫn không quên mình có thể làm nhiệm vụ PCCC bất kì lúc nào. Với nhiều người vài giây chỉ là 1 tích tắc thoáng qua, nhưng đối với các cán bộ, chiến sỹ PCCC, 1 giây cũng là sự trân quý vô cùng.

Thiếu tá Trang nhớ lại: “Với các chiến sĩ PCCC, dù đang ở nơi đâu, làm gì vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng khi có nhiệm vụ. Tôi còn nhớ, vào ngày 27/11/ 2023, khi mình đang trên đường Thanh Hà – Cienco 5 về nhà bỗng thấy 1 chiếc xe ô tô đang có biểu hiện cháy. Lúc này chủ xe vô cùng hốt hoảng, mất bình tĩnh. Ngay sau đó, tôi đã trấn tĩnh nữ chủ xe và hướng dẫn lái xe thực hiện các biện pháp an toàn còn mình thì nhanh chóng lấy bình cứu hỏa luôn được phòng bị trên xe ô tô (xe của Thiếu tá Trang – PV), để xử lý cháy. Do xe cháy tại vị trí hiểm, nên việc dập tắt cũng mất nhiều thời gian, công đoạn nhưng may mắn sau đó tất cả tài xế đều đã an toàn”.

Chuyện về “bông hồng khắc lửa” của Công an Thủ đô: Đam mê hơn cả một chữ nghề  - 2
Chuyện về “bông hồng khắc lửa” của Công an Thủ đô: Đam mê hơn cả một chữ nghề  - 3

 

Can trường vượt qua “tử thần”

Sự bình tĩnh, lòng can đảm, gan dạ là yếu tố được đặt lên hàng đầu đối với chiến sĩ PCCC. Mỗi lần tác chiến, hiện trường là lửa cháy ngùn ngụt, khói đen mù mịt, những tiếng kêu thất thanh, hoảng loạn của người dân. Nhận lệnh lên đường, những người lính cứu hỏa phải lao vào những nơi mà người khác đang tháo chạy để bảo toàn tính mạng.

“Chỉ cần thấy có tin báo cháy, dẫu có là biển lửa chúng tôi cũng sẵn sàng lao vào. Bởi nếu chờ dập lửa thì nạn nhân không đủ thời gian để sinh tồn, như thế việc cứu nạn còn ý nghĩa gì. Mọi thứ đều được chạy đua với thời gian là vì thế”, Thiếu tá Trang chia sẻ.

Nhớ lại, vào ngày 23/5, tại căn hộ tầng 14 chung cư The Vesta, quận Hà Đông, TP.Hà Nội xảy ra vụ cháy lớn. Thời điểm xảy ra cháy, lửa kèm khói bốc cao ngùn ngụt ra phía bên ngoài, nhiều mảnh vụn từ vụ cháy rơi xuống khu vực bên dưới. Khói đen ám tường nhiều căn hộ phía trên tòa chung cư. Lúc này, Thiếu tá Trang đang đi địa bàn làm công tác tuyên truyền PCCC đến người dân. Nghe tin báo, chị Trang liền tức tốc đến hiện trường, hỗ trợ các chiến sỹ Đội PCCC, Công an quận Hà Đông làm nhiệm vụ.

Chuyện về “bông hồng khắc lửa” của Công an Thủ đô: Đam mê hơn cả một chữ nghề  - 4

Vụ cháy tại căn hộ tầng 14 chung cư The Vesta, quận Hà Đông, TP.Hà Nội

“Lo lắng có người dân mắc kẹt tại hiện trường đồng thời nhận định vụ cháy có thể lan nhanh sang các hộ bên cạnh, tôi nhanh chóng chạy từ tầng 1 lên tầng 14 tiếp cận căn hộ. Lúc này, lửa cháy đến các vật dụng của gia đình khiến khói đen dày đặc. Các cửa kính ngăn giữa các phòng khiến việc dập lửa gặp rất nhiều khó khăn. Lúc này, chúng tôi không chỉ làm theo mệnh lệnh của chỉ huy mà còn là mệnh lệnh của trái tim, chạy đua từng giây từng giây để dập tắt đám cháy cũng như vào căn hộ để kiểm tra xem có nạn nhân mắc kẹt hay không.

 Quá trình tôi và các chiến sĩ khác vào kiểm tra, đập cửa kính để có thể dập hoàn toàn đám cháy khiến tôi bị ngộ độc khói, cảm giác khó thở bóp nghẹn lồng ngực, đầu óc choáng váng. Tôi được đồng đội đưa ra ngoài cấp cứu nhưng lòng vẫn không yên về vụ cháy. Sau đó, tôi thở phào nhẹ nhõm khi được đồng đội báo tin, đám cháy đã được xử lý xong, không có thiệt hại về người ”, Thiếu tá Trang chia sẻ.

Với Thiếu tá Trang, quá trình tác chiến, chị không sợ hiểm nguy, không sợ đương đầu với khó khăn, gian khổ chỉ sợ mình đến không kịp để cứu người và bảo vệ an toàn tài sản của nhân dân. Chỉ cần nghe có hậu quả thương vong về người và của, chị và đồng đội xót xa, đau đớn vô cùng.

Chuyện về “bông hồng khắc lửa” của Công an Thủ đô: Đam mê hơn cả một chữ nghề  - 5

 

Chia sẻ thêm với PV ĐS&PL, Thiếu tá Hán Minh Kiên – Trưởng Công an phường Phú Lãm, quận Hà Đông, TP.Hà Nội cho biết, “ Thực hiện việc điều động đưa những cán bộ có chuyên môn, năng lực của Đội PCCC&CHCN, Công an quận Hà Đông về các phường thực hiện nhiệm vụ, Công an phường Phú Lãm được tiếp nhận Thiếu tá Trang về phường phụ trách công tác PCCC. Quá trình công tác, Thiếu tá Trang luôn là cán bộ chăm chỉ, nhiệt huyết, xông pha tới các hiện trường mặc dù là nữ.

Kiến thức có thể học, sức khỏe có thể rèn luyện, song nếu không có lòng dũng cảm sẽ không bao giờ dám đương đầu với những hoàn cảnh nguy hiểm tại các vụ cháy. Nhưng ở Thiếu tá Khương Quỳnh Trang, đồng đội đã nhận thấy, chị hội đủ các yếu tố của một người chiến sĩ phòng cháy chữa cháy gan dạ, can trường. Trong vụ cháy nào xảy ra trên địa phường, Thiếu tá Trang đều có mặt kịp thời, xông pha dập tắt đám cháy, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Ngoài cồng việc chuyên môn, Thiếu tá Trang còn là Bí thư Đoàn năng nổ, nhiệt tình, luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, được đồng đội và người dân trên địa bàn phường Phú Lãm tin tưởng yêu mến”.

“Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”

Hơn 16 năm gắn bó với công tác PCCC&CHCN, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, Thiếu tá Khương Quỳnh Trang luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Với Thiếu tá Trang, dù 16 năm hay 30 năm thì tinh thần nhiệt huyết và đam mê với nghề trong chị chưa bao giờ vơi cạn. Có thể tuổi tác sau này đôi lúc ảnh hưởng đến quá trình tác chiến, nhưng sự nhiệt thành, “máu lửa” với nghề của chị Trang thì không bao giờ “có tuổi”. Bởi sự tận tâm, nặng lòng với công việc đã thấm vào máu xương, để cứ nghe hiệu lệnh là Thiếu tá Trang lại muốn lên đường, bởi ở đâu đó có những người gặp nạn đang rất cần được cứu giúp.

Chuyện về “bông hồng khắc lửa” của Công an Thủ đô: Đam mê hơn cả một chữ nghề  - 6
Chuyện về “bông hồng khắc lửa” của Công an Thủ đô: Đam mê hơn cả một chữ nghề  - 7
Chuyện về “bông hồng khắc lửa” của Công an Thủ đô: Đam mê hơn cả một chữ nghề  - 8

 

Khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình công tác, Thiếu tá Trang trải lòng, công tác PCCC đối với nam giới vốn dĩ đã là một công việc đầy những gian nguy, hiểm trở; đối với nữ giới như chị thì lại càng vất vả gấp bội phần. Với tính chất công việc luôn phải ở trong tâm thế sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bất kể ngày đêm, mưa nắng, chị luôn phải nỗ lực gấp nhiều lần, lấy trọng trách, tâm huyết đặt lên hàng đầu.

Khi tham gia chữa cháy và CNCH, mỗi CBCS phải mang trên mình dụng cụ chữa cháy, trang phục bảo hộ (ủng, mũ, mặt nạ phòng độc…) nặng 5-6kg, di chuyển trong trạng thái bình thường đã khó, di chuyển trong đám cháy lại càng khó khăn hơn. Nhưng những lúc đó, chỉ cần bảo đảm được an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, mọi mệt mỏi của chị và đồng đội đều tan biến.

Khi tác chiến, chị là một nữ cảnh sát dũng cảm, can trường. Nhưng cởi áo lính, trở về với cuộc sống thường ngày chị lại là một người mẹ, người vợ tận tâm, người con hiếu thảo, chị luôn biết cách giữ ấm ngọn lửa gia đình. Hai vợ chồng đều là cảnh sát phòng cháy chữa cháy nên chị Trang luôn được thông cảm, thấu hiểu công việc mình đang theo đuổi.

“Do đặc thù công việc, tôi chọn cách đồng hành, tâm sự với con theo cách riêng của nghề mình đang theo đuổi. Ví dụ như đưa con đi trải nghiệm các buổi tuyên truyền PCCC tại các trường học cùng mẹ, cùng tìm hiểu về cách xử lý khi xảy ra hỏa hoạn… Tôi luôn cố gắng cân đối, sắp xếp thời gian, công việc sao cho hợp lý để có thể đảm bảo hoàn thành “việc nước, việc nhà””, Thiếu tá Trang trải lòng.

Chuyện về “bông hồng khắc lửa” của Công an Thủ đô: Đam mê hơn cả một chữ nghề  - 9

 

Khi được hỏi, nếu được chọn lại, chị có muốn chọn đi 1 con đường dễ dàng, dịu dàng hơn với người phụ nữ không, Thiếu tá Trang bật cười nói: “Chưa bao giờ tôi hối hận khi đã đi con đường này và chắc chắn nếu quay lại tôi vẫn chọn con đường đó, vẫn chọn làm 1 nữ chiến sĩ PCCC nhiệt thành và quả cảm. Với tôi, những ngôi sao lấp lánh trên vai là niềm tự hào, là sự tận hiến hết mình cho hành trình chiến đấu với “giặc lửa”.

Chia tay Thiếu tá Khương Quỳnh Trang, chúng tôi càng thấm thía câu nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Sự nhiệt thành, tận tâm với nghề của Thiếu tá Trang xứng đáng với 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cho phụ nữ Việt Nam.

Khánh Ngân- Trung Hiếu
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/chuyen-ve-bong-hong-khac-lua-cua-cong-an-thu-o-am-me-hon-ca-mot-chu-nghe-a474679.html

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

Đã tặng:
Tặng quà tác giả
BÌNH LUẬN
Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.