Không chỉ có phong cảnh hữu tình mà đền Ông nằm bên bờ tả sông Mã, thuộc thị trấn Quan Hóa và động Bà nằm bên bờ hữu sông Mã thuộc xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) còn được biết đến bởi sự linh thiêng.
Huyền thoại tượng đá lạ
Theo sử sách của người dân tộc Thái, xung quanh sự ra đời và tồn tại của đền Ông có rất nhiều câu chuyện huyền bí từ xa xưa mà hằng đêm bên bếp lửa nhà sàn, những cụ cố, cụ ông lại kể cho con cháu nghe. Trong số những câu chuyện đó có một truyền thuyết trường tồn với thời gian, có sức lan tỏa mãnh liệt.
Cụ Nguyễn Thi (79 tuổi, thị trấn Quan Hóa) kể rằng: “Ngày xưa, có một người tên là Cả Cò ở miền xuôi thường mang cá, muối, dao, rìu, chiếu đi đến các bản, làng vùng thượng nguồn sông Mã để bán. Việc đi bán hàng, thu gom hàng của anh Cả Cò cứ liên tục, đi mãi rồi đến vùng Mường Luông của nước bạn Lào. Khi việc buôn bán ở Mường Luông thuận lợi, anh Cả Cò ở lại địa phương bán hàng. Thời gian ở lại đất Mường Luông buôn bán, anh Cả Cò được con gái út của Then Luông (vua Lào thuở bấy giờ) có tên là Xao La mến mộ. Xao La ngỏ ý muốn lấy anh Cả Cò làm chồng. Và rồi, chuyện tình của họ cũng được vua Lào đồng ý nhưng với điều kiện anh Cả Cò phải ở rể. Và rồi, đám cưới của hai người được tổ chức tại Mường Luông.
Bức tượng đá hình người được người dân bảo vệ và tôn sùng như một vị vua. |
Sống thời gian dài ở nước Lào, một hôm Khuân Pha Nha được tin bố ở quê bị ốm nặng. Anh xin vua cha và người vợ yêu quý để được về thăm bố. Về đến quê nhà, thấy tình cảnh gia đình khó khăn, Khuân Pha Nha cho tuỳ tùng trở về Lào tâu với vua cha và vợ để anh ở quê nhà một thời gian, rồi anh sẽ quay lên. Người vợ chờ mãi không thấy Khuân Pha Nha quay lên liền xin vua cha cho người xuống đón anh. Vì người cha chưa khỏi ốm, nên Khuân Pha Nha cứ khất lần hồi.
Một hôm, người ở nước Lào xuống đón Khuân Pha Nha rồi kể về nỗi nhớ anh của vua cha và vợ anh, Khuân Pha Nha bùi ngùi từ biệt gia đình để sang Lào. Về đến vùng Mường Ca Da (huyện Quan Hóa ngày nay) thì nước sông Mã dâng to, không qua được. Chờ chồng mãi không thấy tin tức, nàng Xao La bế con gái xuống xuôi đi tìm Khuân Pha Nha. Hai mẹ con nàng Xao La xuống đến bờ tả sông Mã thì nước sông cũng to quá, không sao sang được, đành ở lại hang Pha Múng Mường. Hai vợ chồng Khuân Pha Nha và đứa con gái cứ đợi chờ nhau, gọi tên nhau bên hai bờ sông Mã, nhưng không gặp nhau được. Họ cứ đứng hai bên bờ sông gọi nhau mãi cho đến khi chết đi”.
Cũng theo cụ Thi, từ ngày đó, khu vực bên bờ sông hữu, dưới chân núi hang Pha Múng Mường bà con quanh vùng thấy xuất hiện một tượng đá lạ hình người phụ nữ hướng về phía bên kia bờ sông tả. Kỳ lạ hơn nữa là bên bờ tả sông Mã, có một bức tượng đá hình người đàn ông đứng trơ trơ hướng về phía bên bờ sông hữu. Hiểu được sự việc và cảm động trước mối tình son sắt, thủy chung của vợ chồng hóa đá, người dân cùng góp công góp sức xây dựng một ngôi đền, gọi là đền Ông. Còn bức tượng người phụ nữ gọi là động Bà.
Sau khi xây dựng xong, ngôi đền này nức tiếng linh thiêng. Nhiều đoàn quân đến đây đều phải quần áo chỉnh tề, thắp hương khấn vái và cầu xin phù hộ. Nói thêm về sự linh thiêng, ông Nguyễn Văn An (người dân bản địa) kể lại, trước đây ở bản Lắng Na, xã Hồi Xuân có một người đàn ông tên Lương bị ốm liệt giường, liệt chiếu, uống không biết bao nhiêu thuốc men vẫn không khỏi. Một hôm, anh ta mơ thấy một bức tượng đá. Sau khi liên tưởng đến bức tượng đá ở động Bà, anh kể cho người nhà nghe. Điều đặc biệt, sau khi người nhà sửa lễ mang ra cầu khấn, chưa hết ba tuần hương, bỗng anh tự dưng cử động được chân tay. Chuyện này do dân gian truyền tụng lại, thực hư cũng không thể xác định được.
Điểm du lịch thu hút khách thập phương
Ông Cao Bằng Nghĩa - nguyên Chủ tịch Hội khuyến học huyện Quan Hóa, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy - cho biết: “Đền Ông, động Bà đã đi vào truyền thuyết của đồng bào dân tộc người Thái. Năm 2010, UBND huyện Quan Hóa cùng với người dân đã xây dựng tu bổ lại. Kể từ đó, đền Ông, động Bà trở thành một thắng cảnh đã và đang thu hút nhiều du khách đến nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan”.
Cũng theo ông Nghĩa, kể từ ngày tu sửa, năm nào đền Ông - động Bà cũng đón hàng nghìn du khách thập phương ghé qua. Theo đó, quanh khu vực này còn giữ được hệ sinh thái tương đối nguyên sơ, với hệ thống hang động phong phú, hấp dẫn, rừng nhiệt đới xanh tốt quanh năm. Đây cũng là một điểm "nhấn" trong quần thể khu du lịch sinh thái, lịch sử- văn hóa Hang Phi mà huyện Quan Hóa đang được tu bổ, tái tạo.
Anh Nguyễn Tuân (khách du lịch) cho hay: “Đến Thanh Hóa mà không ghé qua đền Ông- động Bà chơi là một thiếu sót. Không chỉ đẹp mà cảnh quan nơi đây còn rất hữu tình. Cũng theo anh Tuân, gia đình anh năm nào cũng ghé qua đây một lần, bởi sự tin tưởng và lưu luyến.
Cũng theo anh Tuân, từ khu thắng cảnh này, du khách có thể đi dạo bằng thuyền trên sông Mã, sông Luồng để đến với khu động táng kỳ thú trên hang Pó Cúng. Hàng năm, nhất là vào dịp mùa xuân, đồng bào các dân tộc trong vùng và du khách thập phương thường đến vãn cảnh Đền ông- Động bà chúa thượng, thắp nén hương cầu xin được phù hộ nhiều may mắn, hạnh phúc, thành đạt trong cuộc sống.