(ĐSPL) - Đã từ lâu, những hộ sống ven nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM) được gọi là “xóm người mù” bởi họ là những người khiếm thị. Mỗi người có một số phận bi đát, bất hạnh, nhưng dù vậy, họ vẫn hy vọng vào một tương lai tươi sáng ở những đứa con khỏe mạnh.
Những phận đời...
Nghĩa trang Bình Hưng Hòa là một trong những nghĩa trang lớn ở TP.HCM. Sống bên cạnh những người đã khuất lại có những phận đời bất hạnh. Từ anh xe ôm bị vợ bỏ, đến gia đình nghèo khó và đặc biệt có 1 xóm mà người ta vẫn quen gọi là “xóm người mù”. Người dân nơi đây đã quen với hình ảnh, bóng dáng những người khiếm thị lần mò trên đường đi sớm về khuya, bán vé số, bàn chải, tăm bông... Những tiếng rao đứt quãng, từng bước chân khó nhọc trên thân hình gầy gò của những người không nhìn thấy ánh sáng khiến người đi đường không khỏi xót xa.
Ông Huỳnh Tấn Dũng (SN 1953) kể với chúng tôi câu chuyện của gia đình mình bằng chất giọng hào sảng. Năm hơn 10 tuổi, ông Dũng bị đau mắt hột rồi dần dần không nhìn thấy gì. Đau khổ, tuyệt vọng nhưng rồi nghị lực và niềm tin đã giúp ông Dũng đứng dậy, chấp nhận sự thật mình là một người mù. Lớn lên, ông Dũng vào Sài Gòn mưu sinh vì không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình.
Cư dân “xóm người mù” đều kiếm sống bằng nghề bán vé số, bàn chải, tăm bông… |
Vợ chồng ông sinh được 3 người con, đủ trai đủ gái, lớn lên bằng bàn tay chăm bẵm vụng về của bố mẹ khiếm thị và cái đói bủa vây. Niềm vui đến chưa được bao lâu, bỗng đóng sập ngay trước mắt cặp vợ chồng bất hạnh. Hai người con của ông chết vì đói nghèo khiến vợ chồng ông đau đớn. Ông bà dồn hết tình thương cho người con còn lại.
Được xem là người sống lâu nhất ở xóm này nhưng gia đình cụ Nguyễn Văn Cẩn (SN 1934, quê gốc Bình Định) cũng chẳng khấm khá, tươi sáng hơn. Khi mới vài tuổi, cụ Cẩn bị sốt phát ban rồi bị khiếm thị. Lớn lên, chàng trai Cẩn lặn lội một mình vào Sài Gòn mưu sinh. Thương chàng trai thật thà, chăm chỉ, một cô gái khoẻ mạnh bình thường đã đồng ý làm vợ ông. Cụ Cẩn đưa vợ về sống tại xóm mù này từ năm 1968 và ở cho đến tận bây giờ. Họ sinh được 5 người con, tất cả đều khỏe mạnh.
Hy vọng thắp sáng tương lai
Ở “xóm người mù”, mỗi người có một câu chuyện buồn, nỗi lo, gánh nặng khác nhau. Thiệt thòi đủ đường là vậy, nhưng nghị lực, ý chí vươn lên nghịch cảnh của họ khiến nhiều người phải khâm phục. Không chỉ tự lập, lo được cuộc sống, những người mù ở đây còn lo cho các con được đến trường cho bằng bạn bằng bè. Nhà ít thì 2 người con, nhiều lên tới gần chục người, được sinh ra rồi lớn lên bên cạnh cha mẹ, hàng xóm khiếm thị ấy. Cuộc sống họ chật vật hơn nhưng con cái chính là ánh sáng, niềm tin, động lực duy nhất giúp họ phấn đấu vượt lên nghịch cảnh.
Nhà cửa trong “xóm người mù” chỉ đơn giản với những miếng tôn quây xung quanh, bên trong chỉ cần có chiếc giường làm chỗ ngả lưng, chiếc tivi cũ kỹ và những vật dụng nấu ăn đã cũ mèm. Tuy vậy, tất cả đều được sắp xếp rất gọn gàng, ngăn nắp. Ông Huỳnh Tấn Dũng lý giải: “Đồ đạc trong nhà của người mù luôn phải được đặt đúng chỗ dễ tìm nhất. Vì chúng tôi hầu hết đều không thấy đường nên đồ để đâu là cố định chỗ đó để không phải hỏi nhau. Với những đồ vật nguy hiểm như dao, hay bình nước nóng... cũng phải cất vào chỗ riêng để tránh va, đụng phải”.
Không ai biết “xóm người mù” có từ bao giờ, chỉ biết ban đầu có vài hộ đến đây sinh sống, sau đó, càng ngày càng nhiều hơn. Mỗi người một quê, hoàn cảnh, số phận thiệt thòi riêng nhưng đến đây, họ đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Ông Dũng cho biết: “Trước khi chúng tôi về đây sống, khu này toàn là nghĩa địa, bốc mùi rác, đường rất khó đi. Thời đó có tới hàng trăm gia đình sinh sống cạnh nhau, nhà nào cũng bé tí, tuềnh toàng. Hơn 10 năm trước, Nhà nước giải toả dân ở khu vực này nên nhiều gia đình đã di cư đi nơi khác. Nay còn gần chục hộ chúng tôi vẫn bám víu sống ở đây thành quen luôn, không đi đâu được”.
Hằng ngày, người mù sinh sống bằng nghề bán vé số, tăm bông, kẹo... Bộ đồ nghề đơn giản của họ là chiếc túi cũ nhàu nát đựng vé số, giỏ nhựa đựng những món đồ khác rồi đeo trước ngực và thứ quan trọng nhất là chiếc gậy dò đường. Họ bắt đầu ra khỏi nhà đi bán từ tờ mờ sáng cho đến tối mịt mới về. Có người siêng năng hoặc vì đông con phải bán cả buổi tối mới đủ tiền trang trải cuộc sống.
[poll3]903[/poll3]
Hoàng Minh