(ĐSPL) 9 lần sinh con, 6 lần bà Nguyễn Thị Út (68 tuổi), trú thôn 4 Thanh Lạng, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình phải nuốt nước mắt chứng kiến các con bị khiếm thị bẩm sinh. Lớn lên trong cảnh đói nghèo và thiếu ánh sáng, nhưng những người con của bà chưa một ngày lùi bước, họ vẫn mò mẫm trong “bóng tối” để đi chặt củi thuê, mò ốc kiếm tiền sinh nhai.
9 đứa con,6 đứa bị mù
Đến thôn 4 Thanh Lạng, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, hỏi đường đến nhà bà Nguyễn Thị Út (68 tuổi) có lẽ không ai là không biết, bởi hoàn cảnh của bà quá cơ cực, éo le. Ngồi trong căn nhà hai gian của vợ chồng người con trai thứ hai, bà Nguyễn Thị Út kể lại câu chuyện cuộc đời mình và những ám ảnh bởi những lần sinh ra những đứa con không lành lặn.
Ba anh em mù trong căn nhà của người anh trai. |
Bà Út có tất cả 9 người con, trong đó có 6 người bị khiếm thị bẩm sinh (3 người đã mất). Ba người con trai còn sống bị khiếm thị lần lượt là anh Hoàng Văn V. (44 tuổi), Hoàng Văn P. (38 tuổi) và Hoàng Văn Th. (26 tuổi). “Tôi kết hôn với người chồng đầu tiên là bộ đội. Khi sinh đứa con trai đầu lòng được một thời gian thì ông ấy hy sinh. Tôi ở vậy nuôi con nhỏ cho đến khi quen và quyết định kết hôn với người chồng thứ hai, sinh được 8 người con”, bà Út bùi ngùi nhớ lại.
Cuộc sống của bà Út với người chồng thứ hai mặc dù còn nghèo khó, nhưng luôn chứa chan tình yêu và hạnh phúc khi lần lượt chứng kiến sự ra đời của hai đứa con trai kháu khỉnh và khỏe mạnh. Nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, tai họa liên tiếp ập đến với gia đình bà khi 6 người con sau đó đều bị mù hai mắt. Bà Út chia sẻ: “Những điều không may mắn thực sự đã ập đến với gia đình tôi khi tôi sinh đứa con trai thứ ba, nó có biểu hiện bị mù hai mắt...”. Nhìn con lớn lên mò mẫm trong bóng tối, vợ chồng bà Út như đứt từng khúc ruột, bởi cha mẹ nào sinh con, chẳng mong con được lành lặn, khỏe mạnh...
Thế rồi, hy vọng về những đứa con không bị khiếm khuyết cứ nhen nhóm trong lòng đấng sinh thành, bằng những lần vượt cạn tiếp theo. Nhưng cùng với đó là 5 lần liên tiếp, vợ chồng bà Út đau khổ khi chứng kiến các con đều sinh ra trong cảnh mù lòa, không thấy ánh sáng. “Sáu đứa sinh ra đều bị khiếm thị, trong đó có 3 đứa mất khi còn rất nhỏ. Cuộc sống của vợ chồng tôi có lúc như địa ngục. Bản thân luôn sống trong dằn vặt, đau khổ. Nhưng vì các con, tôi luôn cố gắng động viên mình mạnh mẽ hơn”, bà Út vừa lấy tay lau vội giọt nước mắt, vừa kể lại cuộc sống cơ cực của gia đình. “Tại sao bao nhiêu nỗi bất hạnh, cay nghiệt lại tập trung vào gia đình tôi? “Tại sao ông trời nỡ lòng nào lấy đi đôi mắt của các con tôi để cuộc sống của chúng lớn lên trong chuỗi ngày tối tăm, mù mịt”, đã có lúc tôi ngước mặt lên trời mà gào khóc như vậy”, bà Út tâm sự.
Người em út bị gù và tật ở chân nên không mấy khi ra ngoài, còn anh Viên và anh Phong vẫn dắt nhau mò mẫm xuống sông bắt ốc. |
Cuộc sống của gia đình bà Út trôi qua trong một vòng luẩn quẩn của ốm đau và đói nghèo. Có lẽ vì vậy, mà chưa một lần vợ chồng bà Út dám đưa con đi khám ở bệnh viện lớn. Bà Út bảo, khi thấy các con không nhìn thấy gì, vì quá khó khăn nên vợ chồng chỉ có thể đưa con đi khám ở trạm y tế xã, nhưng họ không khám ra bệnh. Và đến bây giờ, bà vẫn chưa biết nguyên nhân vì sao các con mình lại bị dị tật bẩm sinh này. Cố lục tìm lại ký ức, bà Út phỏng đoán, có thể thời chiến tranh chồng bà có đi dân công hỏa tuyến ở đường 9, Khe Sanh (Quảng Trị) nên bị ảnh hưởng chất độc, rồi sinh ra những đứa con bị mù. Sau khi sinh anh Th. được khoảng 1 năm, vì quá buồn khổ trước cảnh các con bị khiếm thị, phải sống trong cảnh tối tăm, chồng bà Út qua đời. Từ đó đến nay, đã hơn 25 năm trôi qua, bà Út phải một mình nuôi những đứa con tật nguyền.
“Là người cùng địa phương, biết hoàn cảnh gia đình bà Út quá éo le khi cùng lúc phải chăm sóc và nuôi nấng 3 đứa con bị khiếm thị bẩm sinh, chúng tôi rất thương xót. Nhưng, cuộc sống của chúng tôi ở đây cũng chẳng lấy gì làm dư dả, nên chỉ có thể giúp mẹ con bà được một phần nào đó thôi. Còn tất cả, vẫn chủ yếu dựa vào đôi vai bà gánh vác”, một người hàng xóm của gia đình bà Út chia sẻ.
Không đầu hàng số phận
Cuộc sống sinh hoạt của ba người con trai mù phụ thuộc hoàn toàn vào người mẹ già yếu đã gần 70 tuổi. Chẳng cần nói cũng hiểu hoàn cảnh của họ bi đát đến nhường nào. “Chúng nó đều không nhìn thấy từ lúc sinh ra, nên mọi sinh hoạt từ nấu cơm, giặt giũ... đều do tôi làm hết”, bà Út buồn bã nói.
Bệnh tật đã cướp đi đôi mắt của 3 người con trai bà Út, nhưng bù lại, nhờ bản thân luôn ý thức vượt qua số phận, dù sống trong bóng tối từ khi sinh ra, nhưng họ vẫn có thể chặt củi thuê, hay xuống sông bắt ốc – những công việc tưởng chừng chỉ dành cho người sáng mắt. Ngoài người em út là Hoàng Văn Th. (26 tuổi) bị gù, tật ở chân, bước đi không vững nên không mấy khi đi ra ngoài, hai người anh là Hoàng Văn V. (44 tuổi) và Hoàng Văn Phong (38 tuổi) vẫn làm nghề chẻ củi thuê và đi mò ốc ở bờ sông về bán kiếm thêm tiền cho mẹ trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dân đa số chuyển từ nấu bếp củi sang nấu bếp gas nên không thuê hai anh em anh V. chẻ củi nữa. Còn việc mò ốc cũng trở nên khó khăn hơn khi lượng ốc đã ngày càng ít, trong khi đó, nhiều người lành lặn lại sử dụng dụng cụ bắt hết ốc.
Khi thấy chúng tôi ngạc nhiên về khả năng bắt ốc của hai anh em anh V., anh Cao M. (con trai của bà Út và người chồng đầu) chia sẻ, mỗi lần mò mẫm ra được bờ sông, cả hai đứa lấy một sợi dây đã chuẩn bị từ trước rồi buộc chân vào thân cây ở cạnh bờ sông, sau đó xuống sông mò ốc. Khi bắt xong, họ lại bám theo sợi dây ấy để lần mò lên bờ. “Tất cả cũng chỉ vì miếng ăn cho 4 mẹ con, nên chúng nó mới vượt qua được sự khiếm khuyết của cơ thể. Nhiều lúc thấy các em buồn chán, mẹ và chúng tôi cũng đau lắm, nhưng không thể làm gì để thay đổi số phận được”, anh M. chia sẻ.
Được biết, hiện tại, cuộc sống của bà Út và 3 người con mù lòa phụ thuộc vào số tiền trợ cấp của chính quyền. Theo đó, bà Út đang được hưởng trợ cấp vợ liệt sĩ, ba người con trai mù lòa nhận trợ cấp cho người khuyết tật. Với số tiền đó, 4 mẹ con bà Út phải chắt chiu và tiêu pha hết sức dè sẻn thì mới có thể duy trì được cuộc sống.
Dù tuổi đều đã lớn, nhưng vì hoàn cảnh nghèo khó và khiếm khuyết cơ thể, nên 3 anh em anh V. đều không thể lập gia đình và phải ở nhờ căn nhà của người anh trai. Hiện, bà Út rất mong mỏi có một căn nhà riêng để các con có chỗ ở ổn định, lâu dài. “Bản thân tôi luôn mong muốn mình có một cái nhà, dù nhỏ cũng được, để các con tôi không phải mang tiếng ở nhờ. Hơn nữa, năm nay, tôi tuổi cũng đã cao, không biết sống cùng con được nhiều không nữa, chỉ mong có một cái nhà để các con nương tựa vào nhau mà sống”, bà Út chia sẻ nguyện vọng của mình và các con.
Ông Hoàng Đại Lượng, Trưởng thôn 4 Thanh Lạng, xã Thanh Hóa xác nhận: Hoàn cảnh của gia đình bà Út đặc biệt khó khăn khi một mình bà tuổi đã cao nhưng vẫn phải chăm sóc và nuôi dưỡng 3 người con bị mù lòa bẩm sinh. Gia đình bà Út thuộc diện hộ nghèo trong thôn. “Chúng tôi luôn quan tâm đến cuộc sống của 4 mẹ con bà Út, Hầu hết mỗi lần trong thôn nhận được quà trợ cấp hoặc quà trong các dịp lễ, tết, thôn đều ưu tiên cho gia đình bà Út nhận trước. Chúng tôi đều nghèo, nên không thể giúp đỡ được nhiều về mặt vật chất, chỉ có thể an ủi, động viên tinh thần để mẹ con bà cố gắng vượt qua khó khăn, bệnh tật”, ông Lượng cho biết.
Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật (Luật người khuyết tật 2010) 1. Người khuyết tật được bảo đảm thực hiện các quyền sau đây: a) Tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; b) Sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; c) Được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội; d) Được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật; đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật. 2. Người khuyết tật thực hiện các nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |
N.H