+Aa-
    Zalo

    Chuyển nguồn lớn chủ yếu do tích lũy để cải cách tiền lương

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, chuyển nguồn ngân sách từ năm 2022 sang 2023 lớn, trong đó có phần thực hiện cải cách tiền lương chiếm 37,7%.

    Sáng 7/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022.

    Theo báo cáo của Chính phủ, dự toán bội chi ngân sách Nhà nước năm 2022 là 442.233 tỷ đồng, quyết toán là 293.313 tỷ đồng, bằng 3,07% GDP thực hiện, giảm 148.920 tỷ đồng (33,7%) so với dự toán.

    Trong đó, dự toán bội chi ngân sách Trung ương là 417.233 tỷ đồng, quyết toán là 287.397 tỷ đồng, giảm 129.836 tỷ đồng, đạt 31,1% so với dự toán, chủ yếu do công tác quản lý chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, cắt giảm các khoản chi trong năm không phân bổ, sử dụng, thu hồi các khoản ngân sách Trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương và sử dụng một phần tăng thu để giảm bội chi ngân sách Trung ương.

    Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trân trọng tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường để hoàn thiện các giải pháp quản lý, điều hành ngân sách tốt trong thời gian tới, hoàn thiện hơn nữa công tác quyết toán ngân sách.

    Về số liệu thực hiện ngân sách năm 2022 so với số liệu quyết toán, Bộ trưởng cho biết, tại Kỳ họp tháng 10 năm 2022, Bộ Tài chính đã có báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, dự báo việc thực hiện dự toán ngân sách của năm 2022, trong đó số liệu có chênh lệch so với báo cáo quyết toán.

    Khi dự báo, trong tình hình thực hiện dự toán ngân sách, Bộ căn cứ vào số thực hiện tại thời điểm báo cáo. “Bộ Tài chính có thể lấy số liệu đó một cách chính xác trong vòng chậm nhất một giờ, tuy nhiên, phần dự báo liên quan đến nhiều vấn đề phát sinh vào dịp cuối năm, nên số liệu có sự chênh lệch”, ông Phớc nói.

    Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu giải trình sáng 7/6 (Ảnh: Media Quốc hội).

    Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu giải trình sáng 7/6 (Ảnh: Media Quốc hội).

    Về số chuyển nguồn lớn, Bộ trưởng cho biết, chuyển nguồn ngân sách từ 2022 sang 2023, trong đó có phần thực hiện cải cách tiền lương chiếm 37,7%, chi đầu tư phát triển chiếm 27,3%, tăng thu tiết kiệm chi chiếm 25%, các khoản chi dự toán được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/9 chiếm 1,8%, kinh phí giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan nhà nước chiếm 0,87%.

    “Như vậy, chi chuyển nguồn cao chủ yếu do các nguồn lực được chuyển theo quy định pháp luật, đặc biệt là nguồn tích lũy qua các năm để thực hiện cải cách tiền lương đóng vai trò lớn”, ông Phớc nói.

    Bên cạnh đó, những nhiệm vụ đã được ký hợp đồng và được thực hiện trong năm nhưng chưa được thanh toán thì được chuyển nguồn sang năm sau theo quy định của pháp luật.

    Bộ trưởng cho biết, đối với vấn đề chuyển nguồn, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương cần cố gắng thực hiện thanh toán ngay trong năm, để số chuyển nguồn giảm đi.

    Đối với các khoản chi thấp như chi đầu tư, Bộ trưởng cho biết, do quy trình triển khai thủ tục đầu tư, từ đầu năm, các khoản chi đầu năm thường ở mức thấp, nhưng những tháng cuối năm thì con số thường tăng cao.

    Chuyển nguồn ngân sách từ năm 2022 sang 2023 lớn, trong đó có phần thực hiện cải cách tiền lương chiếm 37,7% (Ảnh: TH).

    Chuyển nguồn ngân sách từ năm 2022 sang 2023 lớn, trong đó có phần thực hiện cải cách tiền lương chiếm 37,7% (Ảnh: TH).

    Về vấn đề dự toán không sát, Bộ trưởng cho rằng, những tháng đầu năm 2022 còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, tăng trưởng thấp, nhưng quý III/2022 bắt đầu có sự tăng trưởng nhảy vọt, nên đến cuối năm, tăng trưởng đạt 8,02%.

    “Đây là sự nỗ lực lớn trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để tăng trưởng GDP, từ đó, thu ngân sách cũng tăng lên”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.

    Về chi ngân sách cho các địa phương, ông Phớc cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, ngân sách Trung ương chỉ đảm nhiệm nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương.

    Theo đó, với các tuyến đường quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải quản lý, phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng được Bộ Tài chính phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải. Những tuyến đường nào Bộ Giao thông vận tải phân cấp về cho tỉnh thì Bộ Tài chính phân bổ lại cho các tỉnh để sửa chữa.

    Còn những tuyến đường thuộc nhiệm vụ chi của Bộ Giao thông vận tải thì Bộ Tài chính chuyển nguồn cho Bộ Giao thông vận tải để thực hiện kiểm soát và chi tiêu.

    Nguyễn Thu Huyền

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/chuyen-nguon-lon-chu-yeu-do-tich-luy-e-cai-cach-tien-luong-a431815.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan