+Aa-
    Zalo

    Chuyện người vợ chờ chồng 10 năm dù đã nhận giấy báo tử

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Nhận được giấy báo tử, bà Nguyễn Thị Khoan (SN 1942, quê ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) vẫn không tin chồng mình đã chết. Bà Khoan vẫn một lòng chờ chồng suốt 10 năm dài đằng đẵng.

    (ĐSPL)- Nhận được giấy báo tử, bà Nguyễn Thị Khoan (SN 1942, quê ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) vẫn không tin chồng mình đã chết. Bà Khoan vẫn một lòng chờ chồng suốt 10 năm dài đằng đẵng. Đúng như niềm tin của bà, ông đã trở về...
    Lời nhắn từ giấc mơ: “Đợi anh về!”
    Đó là chuyện tình cảm động của ông Lê Duy Thái và bà Nguyễn Thị Khoan, hiện đang sống trong một ngôi nhà nhỏ thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Mặc dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng tình yêu của họ dành cho nhau vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Giở lại những bức thư, bức ảnh và kỷ vật đã úa màu thời gian, ông bà ôn lại những kỷ niệm về mối tình đã đi qua khói lửa của bom đạn.
    Câu chuyện tình ấy bắt đầu từ 50 năm về trước. Đó là thời kỳ đất nước còn chiến tranh, cuộc sống người dân đói khổ. Năm 1955, hơn 13 tuổi, Khoan mới được đến trường. Hồi đó, trẻ con trong trường thường chia theo các làng, chặn đường đánh nhau. Khoan là một nữ tướng “cầm quân” rất hăng hái. Tuy nhiên, mỗi lần thấy đối phương có Thái (người bạn cùng tuổi, cùng lớp và khác làng) tham gia thì Khoan lại cho “rút quân”. Mãi đến sau này, mọi người mới biết rằng hai người đã có tình cảm với nhau. Tình yêu của họ cứ thế lớn dần theo năm tháng.
    Năm 1964, Thái thi đỗ trường đại học Tổng hợp nhưng nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Trước khi lên đường, Thái đã xin bố mẹ mang cau trầu đến hỏi cưới cô gái làng bên. Khi đó, cả làng, cả xã mới biết Khoan và Thái yêu nhau. Thái lên đường ra chiến trường, còn Khoan đi học sư phạm.
    Bốn năm sau, gia đình nhận được tin Thái hy sinh ngoài mặt trận. Tin báo tử của chồng là cú sốc mạnh với cô. Tuy nhiên, cô vẫn nhớ lời dặn của anh, thay chồng chăm sóc mọi người trong gia đình. Khoan phải cố gắng mạnh mẽ hơn để làm chỗ dựa tinh thần, giúp gia đình vượt qua mất mát đau thương.
    Tuy nhiên, trong tiềm thức của người vợ, Khoan linh cảm chồng mình vẫn còn sống. Nhiều lần cô mơ thấy chồng bảo rằng, anh sẽ trở về. Trong một giấc mơ, cô nghe thấy lời nhắn của chồng: “Đợi anh về em nhé !”. Linh tính mách bảo rằng, chồng cô nhất định sẽ trở về.
    Trong khi tất cả mọi người đều tin rằng Thái hy sinh, riêng Khoan vẫn một mực chờ chồng. Gia đình đã khuyên cô đi bước nữa, nhưng cô kiên quyết không chịu. Cô đã chối từ lời ngỏ ý kết duyên của nhiều người, tần tảo chăm sóc gia đình chồng, nuôi con.
    Trở về sau giấy báo tử
    Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đã hơn mười năm kể từ khi nhận được giấy báo tử, nhưng Khoan vẫn son sắt chờ đợi chồng. Và điều kỳ diệu đã xảy ra, năm 1973, chồng cô đã trở về!
    Ông bà kể đến đây đã không giấu được cảm xúc. Niềm hạnh phúc ngày nào vẫn vẹn nguyên trong giọng nói của bà Khoan. ông Thái nhìn vợ nói xen vào: “Những năm đó cuộc chiến rất ác liệt, thư từ tin tức thất lạc, nhầm lẫn về sự hy sinh của tôi xuất phát từ chiến dịch Tết Mậu Thân. Khi đó làng tôi có một ông tên là Thái hy sinh. Người ta nghe không rõ nên viết thành tên tôi” - ông Thái kể.
    Theo lời kể của ông Thái, đã nhiều lần ông tưởng mình sẽ không thể qua khỏi. Đó là năm 1967, ông mắc bệnh sốt rét ác tính, tưởng như vô phương cứu chữa. “Đầu óc tôi lúc ấy vẫn vang vọng câu nói của một đồng chí: “Thái à, mày không thể chết được. Mày sẽ trở về”. Lần ấy, tôi lại vượt qua được cơn bạo bệnh. Lại một lần khác, đơn vị tôi bị tập kích. Tôi ngất đi, tỉnh lại thấy nằm bên sông, miệng ngậm cỏ, trên người đầy máu. Xung quanh đầy xác người, cả ta lẫn địch. Ngay chính tôi cũng không hiểu tại sao mình còn sống. ấy vậy mà vợ tôi vẫn tin và đợi chờ... ” - ông Thái nói.
    Người vợ kiên trung chờ chồng trở về sau khi nhận giấy báo tử

    Vợ chồng ông Thái với hạnh phúc tuổi già.

    Hơn cả tình yêu
    Ông bà đưa cho PV xem cuốn sổ nhật ký đã ngả màu có tên: “Đã một thời chúng tôi sống thế”. Trong cuốn nhật ký ấy có rất nhiều câu chuyện về những cô gái đã đi qua cuộc đời ông, vậy mà bà Khoan vẫn không hề ghen.
    Cuốn sổ có đoạn ghi: “Thương nhớ những người em như em Năm. Em đã tin yêu, trao cho ta tất cả mối tình đầu thơ mộng, chân thật, trong sáng, đằm thắm. May sao, ta vẫn giữ được tấm lòng trong sáng cao thượng cho cả hai anh em. Suốt hơn 9 năm qua, trên chiến trường đầy máu lửa này, thương em, lòng ta luôn trong sáng”. ông Thái giải thích rằng, đó chỉ là tình cảm thoảng qua thôi. Nhưng nhờ những người đồng đội đó mà ông có thể trở về.
    ông Thái đưa ra bức ảnh một cô gái xinh đẹp. ông kể: “Đó là bức ảnh chụp bốn cô quân bưu. Bức ảnh được tôi cất kỹ, nhưng bà ấy vẫn biết và biết cả người tôi quý mến trong bức ảnh ấy. Bà ấy lẳng lặng cầm ra hiệu ảnh, nhờ người ta tách hình chân dung cô gái rồi mang về tặng tôi”.
    Cô gái trong ảnh chính là “Em Năm”. Cô gái này đã cứu và chăm sóc khi ông ốm nặng không đi lại được. ông Thái nhớ lại: “Lúc ấy máy bay B52 ném xuống như sấm rền. Mọi người chạy toán loạn, cô ấy chạy đến chỗ tôi, ôm lấy tôi tránh đạn. Tôi đã rơi nước mắt trước cảnh tượng đó”. ông Thái cho biết thêm, có lần bà Năm nghe tin ông ở Quảng Nam, từ mãi Kon Tum, bà Năm tìm xuống. Sau khi giải phóng Sài Gòn, bà Năm lại khăn gói vào gặp ông, chăm sóc ông. Lúc đó, bà Năm đã ngỏ lời yêu ông, ông thú thực là đã có vợ và con gái ở quê rồi. Bà Năm vẫn không tin. Mãi sau này, khi ông Thái về Bắc rồi, bà Năm nhờ bà Nghĩa, bạn mình lần theo địa chỉ đến thăm. Bà Nghĩa về thông báo rằng, ông Thái đúng là đã có gia đình. Từ đó, bà Năm mới thôi ý định nên duyên với ông. “Thực lòng tôi rất quý mến cô Năm, nhưng vì quý mến nên tôi không thể lợi dụng tình cảm của cô ấy. Nói thật, đến giờ, khi đã ở tuổi này, tôi có thể nhìn thẳng vào mắt vợ mà nói: Cả đời anh luôn chung tình với em!”.
    Bà Khoan cười hiền: “Những chuyện ấy ông đều kể với tôi. Tôi còn biết rằng, thời gian ở chiến trường, ông ấy có rất nhiều cô gái để ý. Tính sơ sơ, cũng dăm bảy cô. Tuy nhiên, đó chỉ là tình đồng đội thôi chứ không phải tình yêu. Tôi tin vào tình cảm mà ông ấy dành cho tôi. Tình yêu đã đưa ông ấy trở về với tôi và chúng tôi vẫn sống hạnh phúc đến bây giờ”. 
    Hiện, ông bà đều đã về hưu. Mỗi khi có tâm sự, ông Thái đều gửi gắm vào những trang thơ. Còn bà Khoan, luôn hạnh phúc với sự lớn khôn và thành đạt của con cháu. Nhìn vào gia đình ấy mới cảm nhận được hạnh phúc của những người đã đi qua thời chiến thiêng liêng biết nhường nào.      

    Thơ bị ám ảnh bởi khói lửa bom đạn

    “Tôi xa vợ con đi biền biệt hàng chục năm trời. Tôi đã trải qua những ranh giới giữa sự sống và cái chết. Vợ tôi đã nhận được giấy báo tử nhưng vẫn không tin chồng đã chết, quyết tâm chờ chồng. Còn rất nhiều điều kỳ diệu chỉ có ở trong thời chiến. Chính vì vậy, đề tài chiến tranh luôn chiếm một dung lượng lớn trong thơ tôi”, ông Thái nói.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-nguoi-vo-cho-chong-10-nam-du-da-nhan-giay-bao-tu-a49826.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan