LTS: Những năm tháng chiến tranh, có rất nhiều người yêu nước bị địch giam giữ ở đảo Phú Quốc. Trong đó, có biết bao tấm gương anh dũng gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng trong tù. Báo Đời sống và Pháp luật xin giới thiệu một cựu tù Phú Quốc kiên trung với cuộc đời đầy ly kỳ.
Bài 1: Hai lần tước lưỡi hái của... “thần chết”
(ĐSPL)- Tưởng ông đã chết vì sốt rét sau những tháng ngày quyết chiến, đồng đội chuẩn bị báo tử về nhà thì đột nhiên ông sống lại kỳ diệu rồi sau đó tiếp tục chiến đấu.
Trong một lần càn quét, địch đánh sập hầm nơi ông đang ẩn náu để làm nhiệm vụ. Một lần nữa đồng đội tưởng ông đã chết và lần này, giấy báo tử đã được gửi về địa phương ông.
Những trận chiến oanh liệt
Kết thúc chiến tranh, cựu binh, chiến sỹ Đào Đức Nam (tên thật Đỗ Tiến Năm, SN 1942, quê Hà Tĩnh, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) trở về với những vết thương lành d?n theo năm tháng. Gặp ông trong một buổi chiều muộn tại TP.HCM, những ký ức chiến tranh lại trở về trong ông. ông bảo: “Tiếp nối tinh thần cách mạng của gia đình, năm 1962 tôi lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Tôi tham gia bộ đội chính quy và mất ba tháng huấn luyện tân binh tại tiểu đoàn 4 ở Vĩnh Linh (Quảng Trị). Sau đó, tôi được chọn đi học lính thông tin để về phục vụ cho lính trinh sát ở cục II của bộ Tư lệnh thông tin”.
Sau một năm học tập, chiến sỹ Nam được chuyển về căn cứ để tác chiến. Đầu năm 1964, đoàn lính thông tin của ông Nam nhận nhiệm vụ mới về Cửa Tùng (địa đạo Vĩnh Mốc, Vĩnh Linh) để bảo vệ đoàn tàu Không số. Đây là đoàn tàu có nhiệm vụ chở súng đạn, pháo, bộc phá cung cấp cho chiến trường và được các chiến sỹ bảo vệ nghiêm ngặt.
Sau đợt bảo vệ đoàn tàu Không số này, cuối năm 1964, đoàn lính thông tin lại nhận nhiệm vụ mới, từ Vĩnh Linh được điều ra chiến trường Hương Khê (Hà Tĩnh) để sáp nhập cùng Sư đoàn 325. Đây là Sư đoàn có nhiệm vụ bắn máy bay, trực thăng của địch. ở đây, bộ đội ta đã mật phục tiêu diệt rất nhiều máy bay địch, bắt nhiều biệt kích áp giải về đơn vị. Lần nữa, lính thông tin chuyển địa bàn hoạt động về miền tây Thừa Thiên, vùng A So – A Lưới. Tại đây, đại đội C39 trinh sát cục II đã thành lập Nông trường 10. Nông trường 10 có nhiệm vụ vừa hoạt động mở rộng căn cứ cách mạng vừa củng cố lực lượng để tiến vào chiến trường miền Nam giải phóng. Đơn vị này vừa hành quân vừa tiên phong mở đường Hồ Chí Minh bằng những trận đánh oanh liệt.
Trận đầu tiên bộ đội ta đánh A So - A Lưới, lính thông tin được giao nhiệm vụ tiếp nhận thông tin tình hình địch có bao nhiêu tên, sử dụng vũ khí gì, quan sát địa thế để báo về sở chỉ huy. Khi nhận lệnh đánh, lính thông tin cùng bộ đội nổ súng, trận đánh diễn ra ác liệt, địch chết và bị thương rất nhiều. Quân ta cũng cảm tử không ít. Chỉ trong vòng một tuần chiến đấu anh dũng, vùng A So - A Lưới miền tây Thừa Thiên được giải phóng. Bộ đội ta ổn định lực lượng, số bị thương được chuyển ra Bắc để chữa trị, những bộ đội hy sinh được đồng đội chôn cất rồi đơn vị tiếp tục lên đường tiến đánh mở đường. Theo ông Nam, đây là trận quyết chiến của quân ta với địch và sau này người ta gọi nơi diễn ra trận chiến này là vùng “A Sầu” vì quân ta cũng chịu tổn thất không nhỏ.
|
Cựu chiến binh Đào Đức Nam đang kể về những năm tháng bị giam cầm ở đảo Phú Quốc. |
Đang đem đi chôn thì... sống lại
Sau một thời gian bộ đội đã đến địa bàn Tây Nguyên. ở chiến trường Gia Lai với khí hậu địa hình rừng núi hiểm trở, lính thông tin bị dịch sốt rét ác tính. Chiến sỹ Nam khi đó cũng vậy, sau vài ngày không chống chọi được với dịch sốt, đồng đội tưởng rằng ông đã chết. Anh em bộ đội tổ chức đưa ông đi chôn. Trên đường đi chôn, ông Nam được một lính cơ yếu là người cùng làng với ông vì quá thương xót mà khóc lóc, lay người ông. Đột nhiên, người lính này phát hiện người ông Nam vẫn còn ấm, còn thoi thóp nên hô hoán. Đồng đội thấy ông Nam còn sống nên đưa ông vào bệnh viện dã chiến. Sau khi thăm khám, tiêm thuốc, lúc này ông Nam bừng tỉnh, xé toang quần áo, lên cơn điên đột xuất.
Tuy vậy, các bác sỹ lại thấy mừng vì theo kinh nghiệm, điên là sống còn không điên thì chết. Vậy là ông Nam được cứu sống. Từ cõi chết trở về, ông Nam được đưa trở về đơn vị để tiếp tục nhiệm vụ của lính thông tin. Trở về đơn vị sau cơn bệnh, cơ thể ông Nam gầy gò, xanh xao. Tuy vậy, lính thông tin tại chiến trường là “độc nhất vô nhị” không ai thay thế được, nên ông phải tiếp tục nhiệm vụ. Năm 1967, sau năm tháng ông Nam được giao nhiệm vụ chỉ huy một trung đội chuẩn bị cho trận đánh Mậu Thân năm 1968, trung đội thông tin có mặt tại khu kháng chiến Điện Đức – Gia Lai. Trong đó, một nhóm được cử ra bám sát đồn địch để lấy tư liệu chuẩn bị tổ chức trận đánh, một nhóm ở lại canh đài tiếp nhận thông tin.
Nhưng không may cho tổ trinh sát khi bật máy lên làm việc, thì hệ thống rada của địch đã bắt được sóng tọa độ, tổ trinh sát thông tin đã bị địch xác định. Ngay lập tức, máy bay và trực thăng của địch giội bom nhằm tiêu diệt căn cứ của ta. Tiếp đó, hàng loạt bộ binh được thả xuống, quyết tâm đánh tan căn cứ đài trinh sát. Từ hầm làm việc, lính trinh sát phát hiện lính Mỹ đang tiến đến, súng đạn được trang bị đầy đủ. Lúc này, trong hầm của ông Nam có hai người, ông cùng một người tên Vu ở Thanh Hóa. Ngay lập tức, đạn được nã liên tục vào ngay chỗ đài làm việc. ông Vu bị trúng đạn ngay giữa ngực, ngất trên bàn làm việc. ông Nam liền băng lại vết thương của ông Vu, hai cuộn băng mà vẫn không ngăn được máu trào ra.
Bất ngờ một quả thổ pháo được tống vào hầm, ông Nam và đồng đội bị hất tung. Thổ pháo phá góc hầm máy làm việc khiến ông Vu hy sinh, còn ông Nam bị thương rất nặng. ông Nam bị lính Mỹ bắt tống lên trực thăng đưa đi. Hôm sau đồng đội đi tìm kiếm thì phát hiện ra thi thể, song do ông Vu bị pháo làm biến dạng khuôn mặt nên không ai nhận ra, căn cứ vào chiếc đồng hồ trên tay người hy sinh thì đây là chiếc đồng hồ kỷ niệm của ông Nam. Từ đó, giấy báo tử được gửi về người nhà viết tên Đào Đức Nam mà không nghĩ đó là ông Vu.
Đội cảm tử trong trại giam
Tỉnh dậy sau cơn mê man vì quả pháo, ông Nam thấy mình đang bị giam tại nhà tù đảo Phú Quốc. Với tinh thần của người bộ đội Cụ Hồ không chịu khuất phục, ông Nam cùng đồng đội bí mật hoạt động cách mạng, gây dựng cơ sở. Năm tháng sau, tại nhà tù đảo Phú Quốc, trong buồng giam, ông Nam gặp được một đồng đội cùng chiến đấu với ông tại chiến trường Tây Nguyên, người đã trực tiếp đi chôn xác ông Nam. Người chính trị viên không ngờ ông Nam còn sống, trong khi đó đã báo tử cho ông. Hỏi ra mới biết người hy sinh chính là ông Vu, cả hai người ôm chầm lấy nhau nửa mừng, nửa tủi.
Bồi hồi nhớ lại lần gặp gỡ, cựu binh Nam cho biết: “Anh chính trị viên nói nhỏ rằng, anh em trong trại có sinh hoạt Đảng bộ không để anh ấy xin sinh hoạt cùng. Tôi đồng ý ngay. Nhưng có một chuyện rất vui là cách đấy khoảng một năm trước, đồng chí chính trị viên này là người kết nạp tôi ở chiến trường, giờ lại xin tôi sinh hoạt mật trong nhà tù. Vì tôi vào trước, bí mật liên lạc đồng đội tổ chức sinh hoạt mật, thành lập tổ chức cách mạng trong tù. Rồi cuối cùng anh em sinh hoạt một thời gian thì thành lập Đội cảm tử”.
Dù chết cũng phải về với Cách mạng Cựu binh Nam cho biết: “Vì tụi địch nó nghĩ ra ngoài đảo thì không thể về đất liền được. Anh em có trốn tù ra cũng không bơi về được, gặp lính canh thì nó bắn chết. Nhưng bộ đội ta rất anh dũng, nghĩ ở lại tù bị tra tấn, đánh đập cũng chết, nếu trốn ra được may còn sống thì về với căn cứ cách mạng để hoạt động, cùng với đồng bào giải phóng đất nước. Đội cảm tử đã họp bàn kế hoạch trốn tù và nuôi hy vọng phục vụ Tổ quốc”. |
Bài 2: Đường hầm bí ẩn và chuyện mở đường máu của Đội cảm tử
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-ky-la-ve-mot-cuu-tu-phu-quoc-duoc-menh-danh-liet-sy-song-a43701.html