Để tồn tại giữa cái rốn của giang hồ Sài Gòn, bà phải dùng nắm đấm để tranh giành sự sống, để ngang hàng tứ đại thiên vương giang hồ lừng lẫy Sài Gòn. Bà cũng từng “hạ gục” Năm Cam để bạn bè không bị hiếp đáp.
Kỳ 1: Kết tinh của mối tình như cổ tích, chưa chào đời đã ôm nỗi đau bước vào vòng xoáy
Sinh nhật lần thứ 7, cô bé tên Sự được mẹ gọi đến bên chiếc giường tre cũ kỹ để nghe câu chuyện về thân thế hoàng tộc của mình. Chuyện tình đẹp như cổ tích và sự ra đời thiếu vắng bóng người cha khiến cô nhớ mãi đến khi trở thành một sư bà như bây giờ. Sau lớp áo nâu, bà chậm rãi kể lại đoạn đầu cuộc đời bằng chuỗi ngày dài chìm nổi trong sóng gió khốc liệt của bể đời mênh mông.
Mối tình thơ mộng của tiểu thư danh gia vọng tộc
Như cơ duyên được định sẵn, một ngày giữa tháng năm, chúng tôi vô tình ghé tịnh thất an nhiên (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), nơi người dân địa phương thường gọi là chùa lá để tránh nắng. Giữa bóng mát của vòm lá bồ đề, tôi được nghe câu chuyện cuộc đời của vị trụ trì chùa lá như một thước phim quý khiến người xem nếm trải mọi cung bậc cảm xúc. Sư bà Thích Nữ Diệu Thiện (tục danh Lê Thị Sự) bắt đầu câu chuyện cuộc đời mình với tôi bằng giọng kể ấm áp xen lẫn chút hài hước.
Sư bà nói, đến năm lên 7, bà mới biết mình là con cháu của dòng dõi hoàng tộc. Thế nhưng, do là kết tinh của mối tình giữa cô tiểu thư và anh giao liên đang hoạt động cách mạng nên bà sớm chịu nhiều thiệt thòi. Tuy vậy, mối tình giữa mẹ và cha vẫn khiến bà tự hào và cất giữ như một vốn quý dù bà chưa một lần gặp cha mình.
Bà kể: “sinh nhật lần thứ 7 của tôi, mẹ gọi tôi đến ngồi bên chiếc giường tre cũ kỹ rồi mẹ kể về ba tôi. Năm 1943, mẹ tôi là một tiểu thư đài các, con của phán quan đầy quyền lực trong triều đình vua Bảo Đại”.
“Bà có người hầu, đi có phu xe kéo. Mẹ gặp ba tôi lần đầu trong một chiều thu mưa phùn, lạnh ngắt. Chiều hôm ấy, mẹ tan trường về thì trời đổ mưa lạnh. Đến ngã tư đường Láng, chú phu xe kéo mẹ tôi tránh một người đi xe đạp nên trượt chân khiến chiếc xe đổ kềnh xuống đường. Cú ngã khiến mẹ tôi văng ra khỏi xe, chân tay lấm tấm máu. Lúc này, có một người thanh niên đi xe đạp cùng chiều đến đỡ mẹ tôi dậy, dìu bà vào gốc sưa. Ông rút khăn mùi xoa chấm những vết máu trên những chỗ xây xát cho mẹ”, sư diệu thiện kể thêm.
Biết tiểu thư không bị thương nặng, người phu xe cảm ơn anh thanh niên rối rít rồi nhờ người này đỡ cô gái lên xe kéo về nhà. Ngày hôm ấy, cô tiểu thư đài các chưa kịp hỏi tên người thanh niên tốt bụng. Hai người cũng chưa kịp trao đổi gì nhiều. bà chỉ biết ngay lúc này, trong tâm trí, trái tim mình có điều gì đó, cảm xúc ấy thật lạ.
“Cũng trong năm ấy, khi xuân về, mẹ tôi đi trẩy hội chùa hương với 4 cô bạn học cùng trường. có lẽ định mệnh đã sắp đặt sẵn. Lần trẩy hội ấy, mẹ tôi lại gặp tai nạn. Khi thuyền vừa cập bến để lên chùa, bất chợt bà chới với rồi ngã nhào xuống sông. May chỗ này nước cạn nên bà được mọi người kéo lên bờ. Tiết trời lạnh ngắt trong mưa phùn, quần áo ướt sũng, mẹ tôi co ro ngồi khóc. Lúc ấy, có một thanh niên xuất hiện, cởi chiếc áo măng-tô đang mặc khoác lên vai cho mẹ tôi. Rồi ông rút chiếc khăn mùi xoa quen thuộc chấm nước mắt và những giọt nước trên má cho mẹ. bà ngước lên nhìn thì ngạc nhiên nhận ra người thanh niên ấy chính là người hôm nào giúp bà lúc bị ngã xe”, sư bà Diệu Thiện kể thêm.
Cha mẹ mất sớm, sư Diệu Thiện cùng người anh trai phải sống "lay lắt" giữa cái rốn của giang hồ Sài Gòn. Ảnh minh họa |
Sự ngạc nhiên của hai người sớm nhường chỗ cho tình yêu nảy nở. Mùa xuân năm sau, tình cảm của hai người gặp nhau trong sự tình cờ ấy đã gắn bó không thể rời xa. Thế rồi, giữa lúc đôi trai gái tưởng không thể sống thiếu nhau thì ông phán quan phát hiện mối tình vụng trộm của con gái.
Sư Diệu Thiện kể: “Ông cấm cung mẹ tôi và thuê thầy Tây về dạy tại nhà cho mẹ để mẹ không còn cớ ra ngoài. Ông ngoại còn cho người điều tra người mẹ tôi yêu thương rồi tức giận khi biết ông ấy là giao liên của cách mạng chống pháp. Bị lộ, cha tôi chỉ kịp gửi lại bức mật thư rồi gia nhập vệ quốc quân tại chiến khu điện biên”.
“Lúc ấy, mẹ tôi đang mang thai anh trai tôi 2 tháng. Bà ngoại tôi thương mẹ nên lén đưa bà về quê Hà Đông sinh anh tôi. Thế rồi, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cha tôi tìm về gặp mẹ. Lúc này, ông ngoại tôi đã sang Pháp. Tưởng rằng hạnh phúc của cha và mẹ tôi sẽ không còn gì có thể ngăn cách nhưng hạnh phúc ấy thật ngắn ngủi biết bao. Mùa thu năm 1950, cha tôi vĩnh viễn lìa xa mẹ sau một cơn sốt rét là di chứng của những năm kháng chiến trong rừng Điện Biên. Ngày cha tôi lìa xa cõi tạm, tôi mới hình hài được 6 tháng trong bụng mẹ. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu cho cuộc đời nhiều giông bão của tôi”, sư bà kể thêm.
Mang nỗi đau từ trong trứng nước
Cha mất khi còn nằm trong bụng mẹ nên bà không cảm nhận được nỗi đau đầu đời. Mãi đến năm lên 4 tuổi, bà mới lờ mờ hình dung được cảnh gia đình không còn được ấm êm như trước. Năm 1954, sau nhiều toan tính, bà ngoại của sư bà quyết định gom hết tiền vàng của gia đình, đưa con cháu Nam tiến mưu sinh. Ngày bước lên con tàu di cư cũng là lần đầu tiên bà rời khỏi lũy tre làng trong sự choáng ngợp, hiếu kỳ.
Sư bà kể: “chuyến tàu dừng lại tại Sài Gòn. Ngoại tôi thuê hẳn một phòng tại khách sạn hạng sang Majestic cho chúng tôi ở. Muốn tạo dựng lại cơ nghiệp, bà tôi nhanh chóng bỏ vốn hùn hạp làm ăn nơi đất khách để rồi phá sản, trắng tay”.
“Đau buồn trước số phận, ngoại tôi lâm trọng bệnh rồi mất sau hai năm vào sài gòn sinh sống. lúc này, gia đình tôi như đèn treo trước gió. Ngoại mất khiến chúng tôi lao đao, không biết bấu víu vào đâu. Mẹ tôi vốn xuất thân là tiểu thư đài các, chưa một ngày lao động chân tay. Nay ngoại mất, tài sản đều trôi theo lần hùn hạp làm ăn rồi thua lỗ của bà. Mẹ tôi ôm hai đứa con nheo nhóc, không nơi nương tựa nên chới với như củi khô trôi giữa dòng nước lũ. Nhưng bản năng của một người mẹ đã giúp bà đứng vững. Bà bán hết nữ trang còn lại, trả khách sạn, qua Thủ Thiêm, về phía cầu Ông Cậy khẩn hoang cất một cái chòi lá dọc bờ sông cho chúng tôi có chỗ ngủ. Rồi mẹ tôi tập buôn gánh bán bưng để nuôi con. Dù chưa một ngày lao động nặng nhọc nhưng bà là người có học thức, giỏi giang, có duyên buôn bán nên chúng tôi không phải chịu cảnh đói khổ. Anh em tôi vẫn được đi học”, sư bà kể.
Nhưng sóng gió cuộc đời vẫn luôn chực chờ xô ngã bà bằng những nghịch cảnh. Mùa thu năm 1961, mẹ bà lâm bệnh. Khi biết mình sức cùng lực kiệt, không thể gắng gượng thêm, bà gọi hai con đến bên giường nắm tay nói lời trăng trối.
“Hôm ấy, mẹ tôi nói trong nước mắt rằng: “mẹ đã hơi tàn lực cạn, không còn lo được cho hai anh em con. Sau này, khi đất nước hòa bình, các con cố tìm về quê cha ở Hà Nam, Phủ Lý, quê mẹ ở Hà Đông để tìm họ hàng nội ngoại”. Chỉ nói được đến đây, mẹ tôi không nói thêm nữa. Chúng tôi cũng không còn được nghe mẹ nói thêm nữa. Mẹ tôi mất bỏ lại anh em tôi bơ vơ giữa xứ người không bà con thân thuộc”, sư bà trầm lắng kể lại chuyện xưa.
Để tồn tại, bà và anh trai quăng mình vào cuộc sống bằng nghề bán báo dạo. Sáng bà vẫn vào trường dòng đi học. 11h trưa, bà theo anh trai qua đường hai bà trưng lãnh tờ Aujourd'hui của Pháp về bán đến 13h lại đi học. Chiều, nếu còn báo, bà lại dạo quanh các tuyến phố để bán. Chủ nhật, bà lại nhận tờ tuần báo Nebđomanlaie về bán.
Sư bà Diệu Thiện kể lại: “Bán báo thời đó không như bây giờ. Chúng tôi phải đối mặt với nhiều cạm bẫy của dân anh, chị giang hồ tại đây. họ thường dụ dỗ chúng tôi đi giao ma túy, trộm cắp vặt. Tuy nhiên, anh tôi và tôi luôn nghe theo lời mẹ dạy, giấy rách phải giữ lấy lề kiên quyết từ chối”.
(còn nữa...)