+Aa-
    Zalo

    Chuyện lạ về một nghĩa trang oan hồn được công nhận di tích

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đây là nghĩa trang những oan hồn lâu đời nhất, bề thế nhất của các tỉnh miền Trung. Nó là một trong những di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh.

    Đây là nghĩa trang những oan hồn lâu đời nhất, bề thế nhất của các tỉnh miền Trung. Nó là địa điểm tâm linh, di tích văn hóa và lịch sử của người dân địa phương mà năm 2011, UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định công nhận là một trong những di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh.

    Qua khỏi cầu Nhật Lệ, cuối đường Trần Hưng Đạo, giữa lòng TP Đồng Hới (Quảng Bình), ra Quảng trường biển rồi đi dọc bãi biển về phía Nam chừng 1000m, du khách sẽ đến được “Âm hồn tự” mới phục dựng khá khang trang, bề thế, có tường rào bao quanh.

    Âm hồn tự.

    “Âm hồn tự” và nghĩa trang những oan hồn có từ lúc nào?

    Trả lời câu hỏi ấy, ông Trương Xa (SN 1946, ngụ địa chỉ trên), vị thủ từ được dân làng bầu, băn khoăn đăm chiêu: “Nào ai có bút tích ghi chép rành rọt lưu lại đâu để mà xác định. Các cụ ngày xưa nói, nghĩa trang này có từ sau ngày thành lập làng”. Theo năm tháng, “hộ khẩu” nhập tịch nghĩa trang cứ đông dần thêm.

    Theo lời vị thủ từ, nếu chiếu vào lịch sử, thì nghĩa trang này hình thành khoảng thế kỷ XI. Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt sau khi dẫn quân đi chinh phạt Chiêm Thành mở mang bờ cõi phía Nam Đại Việt, đã huy động dân từ Thanh Hóa, Nghệ An (bây giờ) vào đây thành lập làng, xã làm ăn, giữ đất.

    Ở Việt Nam nói riêng, châu Á nói chung, phong tục bao đời là người chết thường phải lập linh sàng, mộ hoặc táng phải có mộ chí để chỉ rõ danh tính, năm sinh, ngày tháng năm mất của người quá cố. Có như thế, linh hồn người quá cố mới siêu thoát, sẽ phù hộ độ trì cho người sống, nếu họ luôn luôn hương khói phúng viếng hương hồn mình.

    Thế nhưng, hơn 120 mộ táng trong 4 dãy ở đây chỉ có một mộ chí vì họ là những oan hồn, lâm nạn mà chết trên sông nước. Những người chôn cất không tìm được địa chỉ của họ.

    Xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) ba bề bốn bên là nước. Phía trước là con sông Nhật Lệ. Phía trên là cửa biển. Phía sau là biển cả. Mùa lũ, nước sông Nhật Lệ cuồn cuộn chảy. Trước đây, do cuộc sống người dân trong lưu vực dòng sông bấp bênh nên bao nhà cửa, trâu bò, gia súc và con người từ thượng nguồn trôi về, nếu có lũ cuốn. Người dân ở đây không thể quên trận lụt lịch sử kinh hoàng năm 1950 có thể xem là trận “Đại hồng thủy” diễn ra ở vùng sông biển Nhật Lệ, gây bao thảm khốc cho con người. Đò, thuyền có thể chèo giữa đường phố Đồng Hới.

    Vị thủ từ bên nghĩa trang cô hồn

    Trên sông Nhật Lệ, trong dòng nước băng băng có biết bao cánh tay níu chặt mái nhà, tay kia chới với khua khua mong cầu cứu nhưng đều tuyệt vọng. Những người chết trên sông nước tấp vào bờ. Người dân làng Sa Động ở cuối sông với lòng nhân ái bao la của mình đã chôn cất họ và sau đó, cất bốc hài cốt họ, đưa vào khu nghĩa trang này.

    Là làng chài, người dân thôn Sa Động, xã Bảo Ninh chuyên sống bằng nghề đánh bắt cá trên biển. Biển hiền hòa, ưu đãi cho con người bao hải sản quý giá, nuôi dưỡng bao thế hệ con người sinh ra và lớn lên ở đây. Nhưng khi biển bất thần nổi cơn thịnh nộ thì nó cướp luôn mạng sống của bao người.

    Có biết bao người dân chài làng biển Bảo Ninh đã bỏ mình trên biển. Có người dạt vào bờ. Cũng có người trôi biệt tích. Và, người dân Sa Động bao thập niên qua đã vớt được nhiều sinh linh chết trên biển, tấp vào bãi biển làng mình. Nghĩa trang ven biển này là địa điểm an nghỉ ngàn năm của những người xấu số ấy.

    Nghĩa trang bao dung

    Năm 1979, sau một cơn bão biển, người làng Sa Động đã vớt được xác hai người nam, nghi vấn là người Trung Quốc cùng con thuyền đánh cá của họ bị sóng biển nhồi lên bãi.

    Một người cao to khoảng 30 - 35 tuổi. Còn người kia gần 50 tuổi. Sau khi đưa xác 2 người này lên bờ, hội đồng pháp y của bệnh viện Quảng Bình đã tiến hành mổ xẻ, khám nghiệm tử thi. Trong dạ dày của mỗi người, người ta thấy còn mấy hạt gạo. Có lẽ, họ đã quyết sống bằng những hạt gạo cuối cùng trong thuyền.

    Nhưng bão tố hung hãn đã không cho họ thực hiện ý nguyện. Dẫu biết rằng những ngư dân tử nạn này thường là đi đánh bắt trộm hải sản vùng biển ở Việt Nam, và lúc này chiến tranh biên giới phía Bắc đang diễn ra quyết liệt, nhưng nghĩa tử là nghĩa tận, người dân làng Sa Động vẫn rộng lòng tế độ. Họ chôn cất, sau đó bốc hài cốt “nhập tịch” nghĩa trang.  

    Ông Xa cho biết, nghĩa trang này có từ lâu đời, qua nhiều thế hệ, ngoài hai nạn nhân vớt được năm 1979, trước đó còn có thể có nhiều ngư dân Trung Quốc đi đánh cá trộm ở Việt Nam, gặp bão chết trên biển cũng đang nằm trong nghĩa trang.

    Theo thông lệ, ngày rằm và mồng một, ông thường thay mặt dân làng đến đây bày oản, thắp hương, đốt vàng, cúng bái hương hồn những người xấu số. Rồi hàng năm, dân làng Sa Động vào ngày rằm tháng 7, đến nghĩa trang này chạp mã, bày cỗ lễ, đốt hương đèn để điếu phúng những oan hồn, khấn vái cầu mong họ phù hộ độ trì để được tai qua, nạn khỏi khi làm ăn trên sông biển. Những người xấu số nằm lại ở đây đều được thọ hưởng lòng kính vọng của những người đang sống, qua nhiều thế hệ; không phân biệt quốc tịch, xuất xứ.

    Lúc chiến tranh chống Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, “Âm hồn tự” còn là nơi đặt điện đài của trung đội nữ dân quân “15/7” đêm đêm ra bờ biển canh gác, bảo vệ vùng biển.

    Đầu xuân Tân Mão 2011, một vị tướng, sau khi được UBND Quảng Bình đồng ý, đã đến thực địa ở khu vực này để xây dựng một khu nghỉ dưỡng của một ban ngành trung ương, cạnh đường 60m chạy dài dọc bãi biển xã Bảo Ninh.

    Ông đã trích 50 triệu đồng từ quỹ xây dựng để giúp dân làng Sa Động di dời cải tạo, tu chỉnh “Âm hồn tự” và quy tập các phần mộ trong nghĩa trang về địa điểm mới. Để rồi từ đây, hàng tháng, hàng năm dân làng có thể đến đây thực hiện nghi lễ, thờ cúng hoàng tráng và uy nghi hơn. Tháng 7/2011, theo thỉnh trình của Sở Văn hóa thể thao & Du lịch, UBND Quảng Bình đã cấp bằng công nhận “Âm hồn tự” và nghĩa trang các oan hồn ở thôn Sa Động là một trong những di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh. Việc làm đó thể hiện tính nhân văn sâu sắc của chính quyền địa phương đối với những di sản văn hóa, lịch sử trên quê hương mình.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-la-ve-mot-nghia-trang-oan-hon-duoc-cong-nhan-di-tich-a37043.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan