Các ngân hàng đang thừa tiền nên tung ra những gói vay tiêu dùng với lãi suất thấp, cạnh tranh giành giật từng khách hàng. Nhân viên tín dụng đi đâu cũng mời mọc, tiền đây anh cứ tiêu đi.... Liệu có phải thời người đi vay là "thượng đế" đã đến?
Tranh giành từng khách
Anh Vũ Minh Thanh ở phố Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân Hà Nội cho biết, vừa hoàn tất khoản vay tiêu dùng trị giá 1 tỷ đồng, trong thời hạn 6 tháng, để sửa chữa nhà cửa với lãi suất chỉ 7,5\%/năm.
Anh Thanh có sổ tiết kiệm với số tiền gần 2 tỷ đồng ở một ngân hàng (NH) cổ phần thời hạn 1 năm, lãi suất 9,5\% và không được rút trước hạn. Theo đúng hạn, phải đến cuối tháng 3/2015 mới được rút tiền về song hiện anh đang cần hơn 1 tỷ đồng để sửa nhà.
Nếu mang sổ tiết kiệm đến NH thế chấp để vay vốn thì phải chịu lãi suất khá cao, từ mức lãi anh đang hưởng là 9,5\%, cộng thêm biên độ 3\% nữa, thành ra 12,5\%. Với thời gian kéo dài 6 tháng thì quá thiệt.
Đang phân vân thì nhân viên NH khác nhảy vào giới thiệu chương trình cho vay tiêu dùng trong 6 tháng với lãi vay 8\%/năm, đảm bảo bằng chính sổ tiết kiệm. Đang vui thì lại vui hơn khi có NH khác không hiểu vì sao biết thông tin gọi điện chào khoản vay 6 tháng với lãi suất chỉ 7,5\%/năm. Không chần chừ, anh Thanh quyết luôn.
Với sổ tiết kiệm gần 2 tỷ đồng, anh Thanh được vay tối đa 70\%, tức là hơn 1tỷ đồng. Các thủ tục nhanh gọn. Sau khi xem sổ tiết kiệm, chứng minh nhân dân và hộ khẩu xong, nhân viên NH đưa ra các thủ tục cần thiết rồi tự tay điền thông tin.
Anh Thanh chỉ cần ký và 2 giờ sau tiền đã về tài khoản. Như vậy, anh Thanh đã vay được khoản tiền với lãi suất vay thấp hơn cả lãi suất tiền gửi, mà không hề khó khăn gì.
Tiền thừa, trong khi tín dụng tăng trưởng thấp, đang khiến các NH đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, tăng lợi nhuận.
Hiện một số NH cổ phần đang có các chương trình cho vay tiêu dùng, thời hạn 3 tháng chỉ ở mức từ 7\%-7,5\%/năm; 6 tháng từ 7,5\%- 8\%/năm. Với vay trung và dài hạn, có NH còn đưa ra lãi suất 0\%/năm trong 2 tháng đầu tiên; 6,5\%/năm trong 6 tháng đầu tiên, hoặc 9\%/năm trong 12 tháng đầu tiên cho khách hàng lựa chọn.
Giá nhà đất giảm mạnh, các NH đang "đánh" vào nhu cầu mua nhà ở của người dân, cho vay đối với khách hàng mua nhà dự án, ngay cả khi dự án đó không liên kết gì với các NH, thậm chí mua nhà cũ cũng sẵn sàng. Nhu cầu về ô tô đang tăng, các ngân hàng cũng tung ra những chương trình cho vay mua xe, với lãi suất khá hấp dẫn, 9\%/năm cố định trong 2 năm đầu...
Vay tiền chưa bao giờ sướng thế
Giám đốc phòng giao dịch của một NH tại đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) cho biết, chỉ tiêu trên giao xuống cho phòng này, mỗi tháng, mỗi nhân viên tín dụng phải cho vay tiêu dùng 500 triệu đồng, ngoài ra ít nhất phải tìm được 1 khách hàng vay mua ô tô, hoặc vay mua nhà.
Trước áp lực này, một số nhân viên tín dụng cho biết, họ phải sưu tầm thông tin của khách hàng bằng rất nhiều nguồn khác nhau và khi thấy khoản vay đảm bảo chắc chắn, sẵn sàng hạ lãi suất cho vay để cạnh tranh giành khách. Với những khách hàng có tài sản đảm bảo là tiền gửi, hoặc những giấy tờ có giá, khi có nhu cầu, luôn được ưu ái với lãi suất thấp và tỷ lệ vay có thể lên trên 70\%.
Tính toán của các NH cho thấy, nhu cầu sử dụng tiền vào các việc nhỏ lẻ như mua sắm, sửa chữa nhà cửa và đặc biệt là mua xe, mua nhà trả góp là rất lớn. Chỉ cần một phần mười dân số hiện nay, khoảng 9 triệu người vay, mỗi người vay bình quân 30 triệu đồng/năm, thì tổng số tiền cho vay ra đã đạt mức 270.000 tỷ đồng, tín dụng tăng trưởng vượt bậc.
Nhiều NH cho biết, đến nay tăng trưởng tín dụng chủ yếu vẫn dựa vào cho vay tiêu dùng. Với mức lãi suất cho vay như trên vẫn cao hơn so với lãi suất huy động hiện ở mức 5\%- 6\% và cao hơn so với mua trái phiếu Chính phủ. Như vậy ngân hàng cũng được hưởng lợi.
Nhiều người cho rằng với những ưu ái khách hàng như vậy, thời của người đi vay tiền đã đến. Tuy nhiên, các chuyên gia ngân hàng vẫn khuyên khách hàng, để chắc chắn khi vay tiêu dùng, cần phải xem kỹ hợp đồng vay vốn trước khi ký.
Hiện nhiều NH không còn tính thêm bất kể loại phí nào ngoài lãi suất cho vay, nhưng cũng có ngân hàng vẫn tính và trong hợp đồng chỉ ghi chung chung là: phí theo quy định của ngân hàng. Vì vậy cần phải hỏi nhân viên tín dụng cho rõ, phí gồm những gì, có hay không và tính như thế nào. Nếu khong ký rồi mà bị tính thêm các khoản phí ngoài lãi suất, thì khoản vay sẽ cao.
Bên cạnh đó là quan tâm đến lãi suất nợ quá hạn, thường bị các ngân hàng đưa lên rất cao, có thể tới trên 150\% nếu không trả đúng hạn. Nếu vay kéo dài mà công việc, cuộc sống đột ngột thay đổi, không có khả năng thanh toán cho ngân hàng, tài sản (nhà, xe) bị thu hồi bán trả nợ, thì rủi ro sẽ cao.
Sau thời gian vay ưu đãi, ngân hàng sẽ tính theo lãi suất thị trường. Các ngân hàng luôn trấn an, lãi suất theo thị trường đang trong xu hướng hạ thấp, nhưng cũng cần đề phòng trường hợp, thời gian đầu cho hưởng lãi suất thấp, sau đó sẽ tăng cao để bù đắp.