(ĐSPL) - Gia đình nhà họ Hứa ở ấp Tân Thới B, xã Tân An Khương Đông, huyện Dầm Dơi – Cà Mau mấy năm nay trở nên nổi tiếng bởi khả năng tự nổi bồng bềnh trên mặt nước như một miếng xốp.
Nhiều người dân ở khắp nơi thấy sự lạ đổ về xem, trong đó có cả người du lịch nước ngoài. Được tận mắt chứng kiến các thành viên trong gia đình ấy nổi trên mặt nước, thậm chí có người còn cầm đàn gẩy những điệu nhạc du dương, mọi người mới tin “gia đình nổi trên mặt nước” là có thật.
Phát hiện đặc biệt trong tai nạn bất ngờ
Thời gian gần đây người xã Tân An Khương Đông (huyện Dầm Dơi, tỉnh Cà Mau) đã quá quen thuộc với hình ảnh một đại gia đình nằm giữa dòng kênh vào các buổi chiều trong ngày. Điều đặc biệt ở chỗ, những người đàn ông này chẳng làm gì nhưng lại khiến cơ thể tự nổi giữa dòng nước mà không cần một sự tác động nào phụ trợ.
Hai cha con ông Hứa Văn Bạch và Hứa Tây Hạ vừa biểu diễn khả năng tự nổi trên mặt nước, vừa đờn ca vọng cổ. |
Nhóm người kỳ lạ trên được xác định là ông Hứa Hoàng Cương (50 tuổi), Hứa Hoàng Đạt (54 tuổi), Hứa Tây Hạ (27 tuổi), cùng trú tại xã Tân An Khương Đông, huyện Dầm Dơi.
Trong số này, nổi bật nhất là ông Cương được xem như bậc thầy về kỹ năng nổi trên mặt nước. Nhiều người dân còn hay gọi ông bằng cái tên đầy thần bí: Bảy Cương người “xốp”. Dù được mọi người xung quanh tung hô mình là người kỳ tài nhưng ông Cương và hai thành viên còn lại trong gia đình luôn coi mình như những người bình thường, có chăng việc nổi trên mặt nước chỉ như một tài lẻ không đáng để kinh ngạc.
Ông Cương sinh ra trong một gia đình có tới 7 anh em ở vùng đất mũi Cà Mau nhưng chỉ có ông Cương và anh trai Hứa Hoàng Đạt là có biệt tài nổi như xốp trên mặt nước. Một thời gian sau, có anh Hạ (cháu họ của ông Cương) và cậu con trai út tên Hoàng cũng có khả năng như trên. Tuy vậy, mỗi người lại tiếp nhận khả năng đặc biệt này theo một cách khác nhau.
Đối với ông Cương, thì trong lúc tay chân bị lấm bùn đất, ông đã ra con sông gần nhà để tắm và trong lúc ông Cương đang đứng dưới nước thì một chiếc ca nô chạy qua. Làn nước từ chiếc ca nô tạt vào bờ trùm lên đầu ông Cương rồi bất ngờ kéo ông ra giữa dòng sông. Bất ngờ và hoảng hốt, ông Cương chỉ kịp ngửa người ra phía sau cho tới khi cảm nhận mình như một khúc cây nổi bồng bềnh trên sông. Sau lần may mắn thoát chết ấy, ông cũng đôi ba lần “thử xem” khả năng nổi trên mặt nước của mình và kết quả là lần nào ông cũng nổi trên mặt nước, không cần tới bất kỳ sự giúp đỡ của bất kỳ vật dụng gì.
Trong khi ông Cương tình cờ phát hiện ra khả năng của mình thì ông Đạt biết “điều ấy” từ trước đó rất lâu rồi. Sở dĩ ông không kể cho bất kì ai biết bởi mỗi lần tắm sông, ông Đạt thấy mình nổi trên mặt nước nhưng thời gian không nhiều.
“Thuở nhỏ, lúc còn đi tắm sông, tôi đã nhiều lần thấy mình nổi trên mặt nước nhưng vì thời gian không nhiều nên tôi không nói cho ai biết. Đến khi nghe ông Cương nói, tôi không quá ngạc nhiên về kỹ năng đặc biệt này bởi vì ở vùng sông nước này, đa số mọi người đều biết bơi. Rồi khi Cương về nhà hỏi xem có ai giống mình không, tôi mới khẳng định rằng mình có khả năng như vậy. Sau đó hai anh em tôi đưa nhau ra con sông trước nhà “đọ sức”, ông Đạt kể.
Chuyện không còn là hy hữu khi đứa con trai của ông Cương cũng có biệt tài như cha mình. Nhiều người cho rằng đó là sự di truyền, là sự luyện tập của ông Cương dành cho cậu con trai út. “Con không biết tại sao có nữa, chỉ biết ngày trước theo ba ra vuông tôm, cũng hay bơi lội ngoài đó. Rồi ba nói con nằm im thử xem có nổi không. Con nghe theo lời ba thì cũng thấy có nổi nhưng chỉ được một xíu lại chìm xuống”, cậu con trai út của ông Cương cho biết. Tuy là cùng nổi được trên mặt nước nhưng cả ba người kia đều thua xa so với ông Cương về thời gian nổi.
Trong số những người thân của gia đình, ông Cương có biệt tài “nổi” trên mặt nước, thì chỉ có anh Hạ là người có đủ khả năng so tài với Bảy Cương về thời gian nổi trên nước.
Trao đổi với phóng viên, anh Hạ tâm sự: “Mấy ngày rảnh thì hai chú cháu tôi luôn “đọ tài” nhau trên mặt nước. Bởi lúc trước tôi cũng không ngờ mình có được khả năng như chú Cương, nhưng vì muốn thử nên tôi cũng mạnh dạn xuống nước nằm như chú Cương. Ấy thế mà vẫn làm được. Đối với tôi, việc mình có đủ khả năng nằm được trên mặt nước chắc do di truyền của người trong nhà mà đa số là con trai mới có khả năng đó chứ con gái thì không thấy.
Là người chung sống trong một đại gia đình có hai đời “nổi như xốp” trên nước, bà Trần Thị Quế (47 tuổi, vợ ông Cương) không giấu được niềm hãnh diện: “Sống với nhau hơn nửa đời người mà tôi nào đâu hay biết. Lúc ban đầu cứ nghĩ ông nằm chơi chứ không ngờ ông làm được như vậy. Chợt vui, chợt lo khi sức khỏe của ông ấy không được khỏe cho lắm. Nhưng mà tôi cũng thấy buồn khi người ta kéo đến xem rồi tự nhiên có người kêu ông bị điên, bị khùng, tự dưng ra nằm giữa sông. Có người sau khi đứng coi từ sáng đến chiều lại trầm trồ khen. Lúc đầu tưởng mình chồng tôi làm được điều đó, không ngờ đến lúc thử tài còn phát hiện ra cháu Hạ và anh Đạt cũng làm được”.
Vừa nằm trên nước vừa chơi đàn mua vui
Điều làm bà Quế bất ngờ và sung sướng chính là cậu con trai của mình cũng có khả năng như cha. Theo lời bà Quế thì mấy anh em trong nhà ông Cương đều có khả năng nổi trên mặt nước nhưng do “không bằng” ông Cương nên mọi người đều không tham gia trình diễn. Chỉ có ông Cương vẫn tiếp tục biểu diễn cho những người tò mò đến xem.
Xem thêm video: Sốc với người phụ nữ có khả năng uống bia bằng... tai.
“Hai người kia lâu lâu mới về nhà ‘thử tài’ với anh Cương. Chứ anh Cương thì thường xuyên biểu diễn cho nhiều người xem. Nhiều lần, ảnh còn đi ra tỉnh khác để biểu diễn cho người ở xứ lạ xem. Anh Bốn và cháu Hạ vì bận công việc đi làm, hay không muốn tiếp tục làm ‘xiếc’ cho người khác xem nên không thể hiện”, bà Quế cho biết.
Từ ngày phát hiện ra tài năng trời phú cho mình, cả mấy chú cháu ông Cương, ông Đạt và anh Hạ đều rất bình thản trước lời khen ngợi của mọi người, không vì thế mà dùng tài năng ‘nổi’ trên nước của mình như một trò kiếm tiền. Đối với ông Cương, người được xem như bậc thầy về nổi trên nước, trong suốt thời gian từ lúc phát hiện đến lúc đi biểu diễn vẫn không lấy bất kỳ một đồng tiền nào. Đã có nhiều lần, nhiều vị khách vì tò mò muốn tới nhà xem đề nghị được gửi tiền nhưng bị ông Cương từ chối. Với ông, không có gì quan trọng hơn việc được nhiều người vỗ tay, hò hét, ngưỡng mộ.
Giống như người em trai và đứa cháu họ coi tài nổi trên mặt nước của mình như một thú vui, ông Đạt vừa cười vừa chia sẻ: “Từ lúc biết mình có khả năng như vậy, không chỉ tôi mà cả dòng họ tôi đều được nhiều người ngưỡng mộ. Mấy anh em tôi suy nghĩ rồi bàn nhau ai rảnh thì biểu diễn cho mọi người xem. Đa số là Cương làm thôi, chứ mấy chú cháu tôi ai nấy đều bận công việc, không có thời gian để biểu diễn, vậy mà đi đâu người ta cũng biết mặt. Nói là tài chứ thực tình điều đó đâu có mang lại tiền bạc cho chúng tôi”.
Kết hợp biệt tài với đam mê của mình, ông Cương còn ca hát, chơi đàn những khi ngâm dưới nước. Ông Cương giãi bày: “Nằm lâu dưới nước thấy cũng buồn vì không có gì để làm cả nên tôi mang đàn ra tập, hát chơi, không ngờ lại được nhiều người nể phục”. Mỗi khi rảnh rỗi, ông Cương và cậu con trai út vẫn dành nhiều thời gian cho việc nằm nổi giữa mặt nước. Ông Cương đang cố gắng truyền đạt hết khả năng, kinh nghiệm của mình cho đứa con út với mong muốn sau này có người nắm giữ được biệt tài của gia đình.
Cuộc sống gia đình nhà họ Hứa đã bị đảo lộn hoàn toàn từ khi trong nhà có người mang biệt tài “người xốp” bởi ngoài thời gian làm việc nhà, giờ đây họ phải kiêm luôn nhiệm vụ làm xiếc cho người dân xem.
“Những ngày đầu, lượng người tìm về địa phương rất đông đảo, đa số là những vị khách du lịch từ nơi khác đến. Nhiều khi sợ người ta buồn vì mất công sức xuống tận nơi, tôi và mấy người kia phải ngâm mình dưới nước dù thời tiết nắng hay mưa. Nhiều lần các ban ngành mời đi biểu diễn ở các lễ hội trong nước, những lần ấy ông Cương cũng nhận nhiệm vụ khăn gói lên đường. Việc nuôi tôm, trông coi nhà cửa lại để người vợ đảm nhiệm”, ông Trần Thanh Sơn (49 tuổi), hàng xóm của gia đình ông Cương tâm sự.
Ông Thắng, Trưởng Ấp Tân Thới B, xã Tân An Khương Đông, cho biết: “Việc ông Cương có tài nổi trên nước là hoàn toàn có thật. Người dân ở đây luôn ngưỡng mộ ông Cương và gia đình ông ấy. Tuy nhiên phía chính quyền cũng khuyên răn mọi người không nên làm theo ông Cương vì rất nguy hiểm cho tính mạng của mình.
NGỌC ĐẠI