+Aa-
    Zalo

    Chuyện ít biết về cặp tình nhân đạp xe qua 18 quốc gia

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đang có công việc ổn định, mức thu nhập cao, nhà riêng tại Pháp, chị Bình và người yêu quyết định từ bỏ tất cả để trở về Việt Nam.

    (ĐSPL) - Đang có công việc ổn định, mức thu nhập cao, nhà riêng tại Pháp, chị Bình và người yêu quyết định từ bỏ tất cả để trở về Việt Nam. Điều đáng nói, cách mà anh chị chọn trở về là bằng xe đạp, đi qua tổng cộng 18 nước, kéo dài 18 tháng. Đến nay, hành trình đã kéo dài 1/3 chặng đường. Dự kiến, mùa xuân năm 2016, hai người sẽ đặt chân về đến đất nước hình chữ S.

    Duyên tình cờ

    Sau nhiều lần hẹn hò, chúng tôi gặp cặp đôi Nguyễn Thanh Bình (mang hai quốc tịch Pháp, Việt Nam) và Rasom Alessio (quốc tịch Italia) qua trang mạng cá nhân. Anh chị đang được bạn bè trên khắp thế giới biết đến với hành trình đạp xe từ Pháp về Việt Nam. Nhiều người bảo chị Bình đang chọn "hành trình ngược" vì đã từ bỏ đất nước Pháp hoa lệ trở về nước Việt.

    Chị Bình và người yêu đang trên đường về Việt Nam.

    Nói chuyện với PV qua trang cá nhân, chị Bình kể, 14 năm trước, chị tới Paris (Pháp) để theo học ngành kinh tế tại trường đại học Sorbonne. Trong số những người bạn cùng đi năm đó, chị được xem là người "Tây nhất" và hứa hẹn sẽ định cư ở đây. Sau khi tốt nghiệp, chị quyết định định cư ở đất nước này thật. Tuy nhiên, tại nước bạn, chị thấm nỗi nhớ nhà, trong tâm thức luôn khao khát trở về quê sinh sống.

    Chị Bình là nhân viên của một công ty bảo hiểm khá nổi tiếng với mức thu nhập tốt. Năm 2010, chị đến nhà một người bạn ở Bolivia dự lễ rửa tội cho đứa con mới sinh. Sau buổi lễ, chị rong ruổi khắp Bolivia và Peru. Từ lâu, chị nghe bạn bè nhắc đến khu di tích Machu Pichu của người Inca một cách ngưỡng mộ. Trong dịp đó, chị không thể bỏ lỡ cơ hội.

    Chị cùng hàng trăm du khách trèo bậc thang vừa dốc vừa hẹp dẫn đến cổng Machu Pichu. Chẳng biết, có phải do duyên kiếp hay không mà trong lúc leo, chị va phải anh Rasom. Sau lời xin lỗi, anh thấy chị hơi mệt nên động viên và trở thành bạn đường. Do vốn tiếng Tây Ban Nha có hạn nên chị Bình không thể hiểu hết những lời của hướng dẫn viên, anh Rasom trở thành phiên dịch bất đắc dĩ của chị. Qua lần trò chuyện đó, cả hai người cảm thấy rất thân thiết như đã quen biết từ lâu và có chung niềm đam mê du lịch.

    Chị Nguyễn Thanh Bình.

    Sau chuyến đi đó, chị trở về Pháp với công việc của mình. Anh Rasom quay trở về Italia để chờ kết quả công việc ở Singapore. Thế nhưng, khi biết chính xác đã được nhận vào làm việc, anh lại từ bỏ, quyết định chuyển sang Paris sống để được gần chị. Tại đây, anh trở thành đầu bếp ở một nhà hàng nổi tiếng ngay tại trung tâm thành phố hoa lệ này.

    Anh chị yêu nhau từ lúc nào không hay. Anh đã dẫn chị về nhà ở Italia. Cả mẹ và cha của anh đều rất quý chị. Thậm chí, ông bà không ngại ngần khen chị vừa xinh, dễ thương lại thật lòng. Sau đó, mẹ chị sang Pháp cũng đã gặp anh. "Một điều may mắn là cả hai gia đình đều tác hợp cho mối tình của chúng tôi", chị cười.

    Trong khoảng thời gian quen nhau, mỗi tháng, anh chị tiết kiệm một số tiền cho kế hoạch đi du lịch của mình. Một hôm, chị bất ngờ khi nghe người yêu cho biết rất thích châu Á và muốn trở về Việt Nam sinh sống. "Nhưng về bằng cách đạp xe đạp", anh Rasom quả quyết. Chị phản đối ý kiến của anh vì cho rằng đó là một ý nghĩ điên rồ, không thể thực hiện.

    Anh Rasom vẫn không từ bỏ ý định. Rasom mua cho chị chiếc xe đạp để chị đi ra bến xe buýt, anh thuyết phục chị đạp xe quãng đường ngày một xa. Bên cạnh đó, trong những lần du lịch, chị cũng gặp những du khách đạp xe từ nước này đến nước khác để thỏa đam mê. Từ đó, chị dần chấp nhận ý nghĩ của người yêu.

    Đặc biệt, anh chị không chọn con đường ngắn nhất để trở về mà chọn con đường đi qua những địa điểm mình thích. Do đó, con đường của hai người sẽ dài hơn nhưng được gặp những cảnh đẹp mà họ yêu thích. "Chúng tôi trở về Việt Nam bằng xe đạp vì muốn tham quan các thắng cảnh đẹp của các nước chứ không phải để về nhanh", chị nói.

    Tự hào là người Việt Nam

    Nhiều người cứ nghĩ, anh chị trở về Việt Nam vì cuộc sống ở Pháp gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chị cho hay, công việc, thu nhập, bạn bè... của hai anh chị hiện rất tốt, là người Việt Nam, những ngày xa quê chị khao khát được trở về, cộng với sự động viên của Rasom, chị đã quyết định về nước sinh sống.

    Những ngày cuối cùng trên đất Pháp, chị bận rộn với thủ tục giấy tờ nên không có khoảng thời gian để nhìn lại 14 năm sống ở Pháp. Khi mọi việc chưa thu xếp xong, chị vội vã lên đường sang Trung Mỹ du lịch suốt ba tháng. Đầu tháng 9/2014, anh chị trở về Paris. Lúc này, căn nhà cũ của chị đã có người mới ở, khu vườn cũ đã có người chăm sóc, chị cảm thấy an lòng bởi những thứ mình quý trọng ở đất nước bạn đã có người tiếp giữ.

    Ngày dắt xe ra đi, hai anh chị quyết định để lại mọi thứ ở sau lưng. Tương lai là quãng đường dài và đích đến là Việt Nam. Chị bảo, trên đường đi, nhiều khi cũng cảm thấy hoang mang, e dè bởi anh chị đi qua những đất nước không biết tiếng, không hiểu rõ văn hóa, phong tục... Lắm khi dừng lại để xem bản đồ, chọn con đường đạp tiếp, chị lại bồn chồn. Tuy nhiên, mỗi lúc như thế, chị luôn được Rasom động viên. Chị lại nghĩ, mình đang dấn thân, phiêu lưu, khám phá, lại sắp được về sống bên gia đình, nỗi lo nhanh chóng bị xua tan. Chính suy nghĩ này, khiến anh chị cân bằng, bình thản hơn trước những khó khăn.

    Mỗi đất nước đi qua đều để lại trong chị nhiều kỷ niệm. Tuy nhiên, đến nay, đã đi được 1/3 chặng đường, chị cảm thấy Hy Lạp là đất nước ghi lại nhiều dấu ấn nhất. Từ trước đến nay, chị biết đến Hy Lạp thông qua báo chí với những danh từ phá sản, thất nghiệp... Chị luôn nghĩ, Hy Lạp đang rơi vào thời kỳ khủng hoảng. Nhưng khi đến, chị bị những bãi biển trải dài xanh mướt, những cánh đồng ô liu trĩu, những công trình đồ sộ... chinh phục. Không chỉ thế, con người ở đất nước này luôn hòa đồng, vui vẻ. Trên đường, khi biết anh chị đang đạp xe về Việt Nam, họ tặng nhiều thức ăn, nước uống và lo lắng như những người thân.

    Trong cuộc trò chuyện, khi nói về người Việt trong mắt bạn bè quốc tế, chị bảo: "Trong tâm thức, tôi luôn suy nghĩ mình là người Việt. Mặc dù tôi đã mang thêm quốc tịch Pháp, nhưng dòng máu trong tôi là của dòng dõi Lạc Hồng. Bất kể đi đâu, tôi cũng giới thiệu mình là người Việt Nam. Tôi biết, nhiều nơi có sự bất đồng, hiểu lầm nhưng chỉ là số ít. Nhiều người khi biết tôi là người Việt thì tỏ ra ngỡ ngàng và yêu quý hơn. Đây cũng chính là một trong những lý do tôi quyết định trở về quê hương và xây dựng hạnh phúc với Rasom. Khi nghĩ, con mình được sinh ra, lớn lên trên đất Việt và tiếp xúc với văn hóa Việt trước tiên thì tôi rất mừng".

    Khát vọng khám phá văn hóa và ẩm thực quê nhà

    Hành trình đạp xe từ Pháp về Việt Nam của chị và người yêu bắt đầu từ ngày 17/9/2014. Dự định, cuộc du mục kéo dài 18 tháng, vào mùa xuân 2016 sẽ về đến quê nhà. Các đất nước anh chị sẽ trải qua trên hành trình bao gồm Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Áo, Italy, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Gruria, Armenia, Iran, Turkmenistan, Ouzbekistan, Tadjik, Istan, Kirghizistan, Kazakstan, Nga, Trung Quốc. Khi về đến Việt Nam, anh chị sẽ đi dọc theo chiều dài đất nước để khám phá văn hóa và ẩm thực của mỗi vùng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-it-biet-ve-cap-tinh-nhan-dap-xe-qua-18-quoc-gia-a85621.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.