Chuyên gia Michael Ryan kêu gọi các nước tập trung làm hết sức để chống Covid-19 không nên đợi đến khi dịch tự suy yếu.
Chuyên gia Michael Ryan: "Việc cho rằng Covid-19 sẽ tự mất như cúm mùa hoàn toàn là một hy vọng viễn vông". Ảnh: Reuters |
Trong cuộc họp báo ngày 6/3 ở Geneva (Thụy Sĩ), Giám đốc Chương trình Y tế Khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chuyên gia Michael Ryan cảnh báo thế giới đừng kỳ vọng Covid-19 sẽ tự hết vào mùa hè.
Theo lời ông Ryan, giới chuyên gia hiện vẫn chưa hiểu rõ hoàn toàn cơ chế hoạt động và khả năng lây lan của Covid-19 "dưới các điều kiện thời tiết khác nhau", do đó chưa có bằng chứng cho thấy dịch Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra sẽ suy yếu vào mùa hè như bệnh cúm.
"Chúng ta phải luôn cảnh giác rằng dịch sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian tới. Việc cho rằng Covid-19 sẽ tự mất như cúm mùa hoàn toàn là một hy vọng viễn vông", ông Ryan nói.
"Chúng ta phải chống chọi với virus, không thể hy vọng virus corona sẽ tự biến mất được", ông Ryan tiếp tục nhấn mạnh.
Chuyên gia Ryan kêu gọi các nước tập trung làm hết sức để chống Covid-19 không nên đợi đến khi dịch tự suy yếu.
Nhiều chuyên gia cũng tỏ ra đồng tình với phát biểu của Giám đốc Ryan và đều cảnh báo không được chủ quan trông chờ ngày hết dịch, theo tờ South China Morning Post.
GS Marc Lipsitch thuộc ĐH Harvard (Mỹ) cho biết quan điểm dự đoán ngày tàn dịch đã có tiền lệ từ trước. Cụ thể, dịch SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng) khi bắt đầu lây lan hồi năm 2002 cũng từng được dự đoán sẽ biến mất vào mùa hè cùng năm, nhưng phải mãi đến cuối năm 2003 thì virus mới được kiểm soát.
"Tôi cho rằng 'biến mất' là một từ dở tệ đã được dùng để mô tả những gì xảy ra với dịch SARS. SARS được kiểm soát nhờ những nỗ lực y tế cộng đồng mạnh mẽ, can đảm chưa từng thấy ở thời hiện đại. Chưa có dịch bệnh nào tự biến mất được", ông Lipsitch nói.
Theo Báo Thanh niên, cũng tại cùng cuộc họp báo, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ lo ngại sâu sắc về số ca nhiễm virus ngày càng tăng ở các nước có thu nhập thấp và hệ thống y tế còn yếu.
Ông Tedros khuyến cáo các nước nên coi việc chống dịch Covid-19 là ưu tiên, đồng thời nhấn mạnh việc tăng cường các biện pháp chống dịch và phát triển vắc xin, thuốc điều trị. Tính đến nay, dịch Covid-19 đã lây lan ra hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ với số ca nhiễm vượt mốc 100.000.
Theo dữ lệu của Bộ Y tế, tính đến thời điểm 12h trưa ngày 7/3, trên toàn thế giới đã ghi nhận 102.104 trường hợp nhiễm Covid-19 và 3.491 ca tử vong.
Hoa Vũ (T/h)