+Aa-
    Zalo

    Chuyên gia: United Airlines sẽ thua kiện

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo chuyên gia luật, hành vi cưỡng chế hành khách David Dao rời khỏi chuyến bay trong khi ông đã ngồi yên vị trên máy bay đã vi phạm chính quy định của United Airlines.

    Theo chuyên gia luật, hành vi cưỡng chế hành khách David Dao rời khỏi chuyến bay trong khi ông đã ngồi yên vị trên máy bay đã vi phạm chính quy định của United Airlines đề ra.

    Sự cố hãng hàng không Mỹ United Airlines cưỡng chế rời chuyến bay và gây bị thương hành khách gốc Việt hôm 9/4 ở sân bay quốc tế O'Hare, thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ đang gây phẫn nộ khắp thế giới.

    Vụ lùm xùm giữa United Airlines và hành khách gốc Việt David Dao bắt nguồn từ việc hãng hàng không này áp dụng chính sách đặt thừa vé (overbooking) trên chuyến bay.

    Đây được coi là hình thức tiết kiệm chi phí thường thấy ở nhiều hãng hàng không giá rẻ ở Mỹ để phòng trường hợp hành khách hủy chuyến hoặc máy bay cất cánh không đầy chỗ.

    Theo đó, các hãng máy bay thường cho phép một chuyến bay 150 ghế có thể đặt thừa thành 155 vé trong trường hợp ước tính có khoảng 10 khách hủy hoặc lỡ chuyến bay.

    Với phương thức này, chủ hãng có thể giảm xuống tối đa tình trạng khách không mua được vé trong khi đến lúc cất cánh lại có nhiều người hủy chuyến. Đồng thời tránh được tình trạng chuyến bay bị thừa nhiều chỗ khiến lợi nhuận giảm sút.

    Các hãng hàng không thường giải thích rằng, để giữ giá vé luôn rẻ, họ cần càng nhiều người lên máy bay càng tốt.

    Theo biên tập viên Simon Calder, phụ trách mảng du lịch trên tờ Independent, nhiều người không hài lòng về việc các hãng hàng không giá rẻ luôn bán thừa vé máy bay nhưng nếu việc này được điều phối một cách hợp lý, nó có thể có lợi cho nhiều người.

    Thông thường cách bán vé dư ra sẽ mang lại cơ hội mua vé cao hơn cho những người mua phút chót. Tuy nhiên đôi lúc có trường hợp không ai hủy chuyến hoặc lỡ chuyến, dẫn đến việc thừa khách và những người này sẽ được thương lượng đền bù bằng tiền mặt và đổi bằng một vé xuất phát ở lịch trình sau. Giá đền bù có thể lên tới mức trần là 1350 USD.

    Về lý thuyết, khi có quá số khách trong một chuyến bay, hãng hàng không sẽ hỏi toàn bộ hành khách xem ai có muốn đổi vé sang chuyến sau và nhận đền bù hay không.

    Gần như sẽ có nhiều người đồng ý với giải pháp này, nếu không có ai, một số hành khách được lựa chọn ngẫu nhiên sẽ được hãng hàng không thương lượng đề nghị rời chuyến bay trong êm đẹp, tuy nhiên sự cố giữa United Airlines hành khách gốc Việt David Dao được cho là tình huống hy hữu khi cả hai không có được sự đồng thuận.

    Tờ Newsweek cho biết, theo quy định được ghi trong hợp đồng với khách hàng của United Airlines, nhân viên an ninh được phép cưỡng chế hành khách ra khỏi máy bay và hãng này có quyền từ chối chuyên chở hành khách bằng nhiều lý do, kể cả trong trường hợp hành khách có vé hợp pháp.

    Sự việc hãng hàng không United Airlines cư xử với hành khách gốc Việt đang gây phẫn nộ cả thế giới.

    Cơ trưởng là người chịu trách nhiệm cho chuyến bay, và nếu cơ trưởng quyết định cho ai đó rời đi thì mệnh lệnh này phải được thi hành. Nếu hành khách từ chối sẽ bị coi là hành khách gây phiền nhiễu, không tuân lệnh cơ trưởng.

    Tuy nhiên, theo Jens David giáo sư luật tại trường Luật Cornell (Mỹ) phân tích, quy định của United Airlines cũng chỉ rõ trong trường hợp thừa vé như nêu ở trên, hãng này phải thương lượng và bồi thường cho người khách bị chỉ định trong thời điểm người này chưa lên chuyến bay.

    Nhưng trong trường hợp này ông David Dao đã ngồi lên chuyến bay và chuẩn bị cất cánh. Trường hợp cưỡng chế rời chuyến bay với một hành khách đã ngồi yên vị ở chỗ của mình chỉ được thực hiện trong trường hợp người này vi phạm các quy định như có hành vi lăng mạ, xúc phạm, hoặc bạo lực với người khác; hút thuốc lá; trang phục phản cảm v.v…

    Ngược lại, không có quy định được phép cưỡng chế hành khách rời chuyến bay sau khi khách đã hoàn tất thủ tục lên máy bay trong trường hợp chuyến bay thừa vé (overbooking).

    Trên thực tế chuyến bay của United Airlines lúc đó không hề nằm trong tình trạng thừa vé mà do hãng này muốn sắp chỗ cho 4 nhân viên của mình lên máy bay.

    United Airlines từng dính nhiều tiếng xấu trong việc cư xử với hành khách.

    Trong trường hợp này, hãng máy bay Mỹ đã cố tình cưỡng chế hành khách không đúng quy định. United Airlines đã sai lầm khi cho toàn bộ hành khách lên máy bay nhưng sau đó lại cố gắng tìm chỗ cho các nhân viên của mình.

    Hãng này đang vin vào lý do ông David Dao đã có hành vi “nổi nóng” và “gây rối” nên mới cưỡng chế. Nhưng lập luận này có thể bẻ gãy với lý do “chính United Airlines đã vi phạm hợp đồng trước khiến cho hành khách phải tỏ thái độ”, Giáo sư Jens David cho hay.

    Với sai lầm trong cách xử lý tình huống lần này, nếu rơi vào một vụ kiện tụng, United Airlines có thể sẽ thua cuộc và đối mặt với với khoản bồi thường lên tới hàng triệu đô la.

    Quốc Vinh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gia-united-airlines-se-thua-kien-a187372.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan