(ĐSPL) - Trả lời phỏng vấn của RFI, chuyên gia Pháp Brisset cho rằng Trung Quốc sẽ chiếm độc Biển Đông, nếu Việt Nam không thu hút được sự chú ý của thế giới.
|
Chuyên gia Pháp Jean-Vincent Brisset: "Tất nhiên là Việt Nam phải khởi kiện rồi, nhưng nhất là phải nỗ lực về mặt truyền thông". |
Hôm 14/6, tại khu vực giàn khoan Hải dương 981 hạ đặt trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, các tàu Trung Quốc đã dàn hàng ngang sẵn sàng đâm va để ngăn cản các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư của Việt Nam làm nhiệm vụ cũng như các tàu cá Việt Nam đang đánh bắt.
Từ đầu tháng 5 đến nay, tình hình vẫn luôn căng thẳng tại khu vực hạ đặt giàn khoan Hải dương 981, khiến người ta lo ngại khả năng xảy ra đụng độ trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tướng không quân Jean-Vincent Brisset, giám đốc nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) chuyên về an ninh châu Á và Trung Quốc, đã trả lời RFI về vấn đề này.
Trả lời câu hỏi liệu có xảy ra chiến tranh ở Biển Đông hay chỉ là chiến tranh cân não, giám đốc nghiên cứu IRIS Jean-Vincent Brisset nói: “Hiện giờ chưa có nguy cơ xảy ra chiến tranh do một phía nào đó chủ động gây chiến. Tuy nhiên chiến tranh cũng có thể xảy ra, do Trung Quốc tỏ thái độ vô cùng bạo lực, vô cùng đế quốc, khiến nguy cơ xung đột vẫn hiển hiện. Nếu xảy ra chết người ở phía Việt Nam và các nước khác chẳng hạn, thì đương nhiên sẽ có các vụ trả đũa, gây ra các vụ đối đầu càng ngày càng nghiêm trọng hơn”.
Theo giám đốc Jean-Vincent Brisset, Việt Nam và Philippines có các lý do tuyệt hảo khi đi tìm một giải pháp pháp lý. Kiện là một giải pháp tốt, nhưng vấn đề ở chỗ Trung Quốc không tôn trọng luật lệ quốc tế. Từ rất lâu Biển Đông là vùng biển quốc tế. Có một số đảo nhỏ được nhiều nước chiếm đóng, nhưng tương đối ổn, không có những yêu sách chủ quyền thô bạo. Chỉ có điều Trung Quốc lại tuyên bố toàn bộ Biển Đông là của họ, bất chấp mọi luật pháp quốc tế.
Về việc Bắc Kinh luôn đề nghị thương lượng song phương thay vì đa phương, tướng Jean-Vincent Brisset nói: “Bắc Kinh có thể hy vọng mạnh hơn đối thủ trong các giải pháp song phương. Rõ ràng là Bắc Kinh ít khi tiến hành các giải pháp đa phương, dù là với Châu Âu hay với các đối tác khác, mỗi lần có đề nghị thương lượng. Có rất ít trường hợp thương thảo đa phương với Trung Quốc vì không có lợi cho họ bằng song phương. Thế nên Bắc Kinh luôn xoay sở để phá hoại tất cả các toan tính của ASEAN cho giải pháp đa phương về vấn đề an ninh... Trung Quốc hiểu rất rõ rằng kẻ mạnh là người áp đặt luật chơi”.
Về phản ứng của Mỹ và Nhật Bản,giám đốc nghiên cứuJean-Vincent Brisset nói: “Người Nhật gặp khó khăn với Trung Quốc về hồ sơ Senkaku, cho rằng chính sách của Bắc Kinh rất nguy hiểm cho thế giới. Người Mỹ cũng quan tâm đến vấn đề này vì có lợi ích trực tiếp trong khu vực. Mỹ được tất cả các nước kêu gọi giúp đỡ vì trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc, các nước này không có đủ phương tiện kỹ thuật để đối phó. Giải pháp của họ là kêu gọi sự trợ giúp của Mỹ - một điều mới cách đây vài năm khó thể nghĩ đến… Người Mỹ sẽ ngày một hiện diện cụ thể hơn tại Biển Đông. Để tấn công một tàu của Philippines, Malaysia hay Việt Nam như Trung Quốc vẫn thường xuyên làm, họ có nguy cơ gặp phải một chiếc tàu Mỹ đi ngang qua. Bắc Kinh sẽ không muốn nhận lấy rủi ro khi tấn công, đánh chìm một tàu của Mỹ, như họ vẫn tự cho phép”.
Trở lại vụ giàn khoan Trung Quốc hạ đặt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, giám đốc nghiên cứu IRIS Jean-Vincent Brisset nói: “Nếu Việt Nam không thành công trong việc làm cho các nước khác trên thế giới chú ý đến vấn đề của mình, thì Trung Quốc sẽ thắng…như khi họ đánh chiếm Hoàng Sa cách đây 40 năm. Tất nhiên là Việt Nam phải khởi kiện rồi, nhưng nhất là phải nỗ lực về mặt truyền thông. Nếu muốn ra khỏi tình trạng hiện nay, thì Việt Nam cần phải làm cho thế giới chú ý đến những gì đang diễn ra tại Biển Đông”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gia-phap-tat-nhien-la-viet-nam-phai-khoi-kien-a36940.html