Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới toàn bộ người dân thế giới, bao gồm cả trẻ em. Theo USA Today, trong thời gian đại dịch bùng phát tại Mỹ, công việc xoa dịu sự lo lắng của các gia đình và thúc đẩy các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ đã thuộc về các bác sĩ nhi khoa. Theo đó, Học viện Nhi khoa Mỹ, một nhóm đại diện cho khoảng 67.000 bác sĩ nhi khoa tại Mỹ, đã trở thành một cái tên quen thuộc tại quốc gia này. Trong đó, nhóm đã tư vấn những biện pháp đầu tiên dựa trên nghiên cứu khoa học chẳng hạn như việc cho học sinh quay trở lại trường học sớm và yêu cầu các em duy trì khoảng cách khoảng 1m.
Hiện nay, Mỹ đã phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 Pfizer đối với nhóm trẻ em từ 5-11 tuổi. Theo đó, người đứng đầu Học viện Nhi khoa Mỹ, Tiến sĩ Lee Savio Beers đã trao đổi với USA Today và giải đáp những băn khoăn về công việc của nhóm, cách giữ an toàn cho trẻ tại trường và tại sao việc tiêm chủng cho trẻ nhỏ là quan trọng.
Được biết, Học viện Nhi khoa Mỹ là nơi cung cấp dữ liệu nhanh chóng và rộng rãi nhất về số ca mắc COVID-19, nhập viện và tử vong ở nhóm đối tượng trẻ nhỏ. Chia sẻ về việc này, bà Lee cho biết: "Mọi người chỉ đang nhìn vào bức tranh tổng thể về đại dịch nhưng ít ai nhìn xem cụ thể là đại dịch COVID-19 đã tác động thế nào tới trẻ em".
Theo bà Lee, Học viện Nhi khoa Mỹ đã mô hình hoá những gì họ làm để ứng phó với dịch bệnh. Cụ thể, học viện đã tập hợp một nhóm ứng phó với sự cố, các nhà lãnh đạo có chuyên môn bao gồm các bác sĩ nhi khoa và một số nhà khoa học phân tích dữ liệu. Trong đó, họ đã tập hợp cả các bác sĩ có chuyên môn bệnh truyền nhiễm, y tế học đường, quản lý thảm họa, kiểm soát lây nhiễm bệnh.
Bà chia sẻ: "Nhóm dữ liệu của chúng tôi đã hợp tác với các nhân viên tại Hiệp hội Bệnh viện Nhi để tập hợp dữ liệu cấp quốc gia về trẻ em và COVID-19. Đó là nguồn dữ liệu toàn diện nhất hiện nay, tuy nhiên chúng tôi vẫn bị giới hạn bởi cách các tiểu bang báo cáo dữ liệu của họ và liệu họ có chia nhỏ dữ liệu theo độ tuổi hay không".
Lên tiếng về tầm quan trọng của việc phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 ở trẻ em, Tiến sĩ Lee nói: "Trẻ em nói chung rất khỏe mạnh. Nhìn vào một số phân tích gần đây về tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở trẻ em, trong năm qua, COVID-19 chỉ đứng thứ 8 trong số các nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ nhỏ. Và trong vài tháng qua, con số này đã tăng lên vị trí thứ 6 nhưng nhìn chung cũng không quá đáng báo động. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là việc phòng chống bệnh. Nếu chúng ta có những cách an toàn và hiệu quả để ngăn ngừa bệnh nặng hoặc tử vong ở trẻ thì đó là điều quan trọng và cần làm. Nếu bạn là cha mẹ của một đứa trẻ bị ốm nặng hoặc qua đời, số liệu thống kê không quan trọng đối với bạn. Điều quan trọng là con bạn đã phải chịu đựng những căn bệnh có thể phòng tránh được".
Đồng thời, người đứng đầu Học viện Nhi khoa Mỹ khẳng định vaccine ngừa COVID-19 là công cụ an toàn và hiệu quả để ngăn ngừa bệnh ở trẻ. Đối với những phụ huynh còn băn khoăn liệu có nên tiêm phòng cho trẻ không, Tiến sĩ Lee nói rằng chỉ những trẻ em có tiền sử dị ứng với thành phần vaccine, trường hợp rất hiếm gặp, mới nên cân nhắc trước khi tiêm. Ngoài ra, những trẻ em có tiền sử bệnh tim có thể tìm tới các chuyên gia tư vấn trước khi tiêm chủng.
Bà nhấn mạnh: "COVID-19 có thể gây bệnh nghiêm trọng ở trẻ em và nguy cơ đó vượt xa những rủi ro về tác phụ phụ hiếm gặp của vaccine. Càng nhiều người được chủng ngừa, virus càng ít có khả năng lây lan thành các biến thể mới. Đặc biệt, khi được tiêm chủng, trẻ em sẽ dễ dàng ở lại trường hơn và không phải lo lắng quá nhiều về dịch bệnh".
Do đó, bà Lee khuyên các bậc phụ huynh nên cho con đi tiêm chủng ngay cả khi các em đã mắc COVID-19. Bà phân tích: "Khả năng miễn dịch tự nhiên của bạn sau khi khỏi bệnh có thể thay đổi. Đối với một số người, khả năng miễn dịch có thể mạnh mẽ và duy trì lâu dài. Đối với những người khác, nó có thể suy giảm nhanh chóng. Không có cách nào để biết bạn thuộc loại nào. Và chúng tôi đã thấy mọi người có thể mắc COVID-19 nhiều hơn một lần".
Minh Hạnh(Theo USA Today)