Liên quan đến Dự án thí điểm làm sạch một góc hồ Tây bằng Công nghệ Nano - Bioreactor (nay gọi là Công nghệ Bio - Nano Nhật Bản), đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Việt Nhật (JVE Group - đơn vị thí điểm làm sạch sông Tô Lịch) cho biết đến nay dự án đã chính thức kết thúc toàn bộ cả giai đoạn duy trì để kiểm chứng khả năng không bị tái ô nhiễm.
Theo kết quả phân tích của cơ quan đánh giá độc lập, dự án đã chứng minh thành công chất lượng nước trong khu thí điểm đạt Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08-MT:2015/BTNMT), không bị tái ô nhiễm, mùi hôi tanh giảm, tầng bùn đáy và các khí độc như H2S, NH3, CH4 bị phân hủy mạnh, mật độ tảo giảm không còn tình trạng phú dưỡng.
Đặc biệt, cá trong khu quây thí điểm sống khỏe mạnh, không bị chết, khác biệt hoàn toàn với tình trạng cá chết, nước bị ô nhiễm ở bên ngoài khu quây tại hồ Tây thời gian qua.
Theo JVE Group, phía chuyên gia Nhật Bản và JVE Group năm 2019 khi thực hiện Dự án thí điểm đã kết hợp với Đơn vị phân tích độc lập - Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) tiến hành đo nồng độ Oxy hòa tan DO vào cả ban đêm để đánh giá chính xác về nồng độ Oxy hòa tan DO vào ban đêm tại bên trong và bên ngoài khu thí điểm.
Lần đo gần đây nhất vào ngày 23/11/2022, qua hình ảnh camera giám sát tại khu vực thí điểm xử lý ô nhiễm cho thấy rất rõ, thời điểm hơn 17h cùng ngày, ở vị trí bên ngoài khu vực thí điểm không cá chết trôi dạt vào bờ.
Tuy nhiên, vào thời điểm khoảng hơn 23h đêm cùng ngày, camera đã ghi lại nhiều cá chết trôi vào khu vực bờ. Cùng lượng oxy hòa tan DO đo được của các đơn vị độc lập cho thấy, vào ban ngày, oxy hòa tan DO bên ngoài khu thí điểm đạt 6.99 mg/l, nhưng ban đêm (thời điểm 20h) nồng độ Oxy hòa tan DO chỉ đạt 0.59 mg/l (thấp hơn mức nồng độ Oxy hòa tan DO tối thiểu cần thiết là 2mg/l).
Trong khi đó, cùng thời điểm 20h ban đêm, hàm lượng oxy hòa tan bên trong khu vực thí điểm vẫn đạt tới 5.63mg/l (xấp xỉ cột A1 - mức cao nhất đảm bảo cho cá hô hấp, sinh trưởng, phát triển tốt)", đại diện JVE cho biết .
Vì vậy, theo JVE Group, chuyên gia Nhật Bản khẳng định chính xác nguyên nhân chủ yếu gây ra cá chết tại hồ Tây thời gian qua là hàm lượng Oxy hòa tan DO vào ban đêm thấp, không đủ mức tối thiểu và thời điểm chết chính xác chủ yếu là vào ban đêm.
Ngoài ra, thì các yếu tố như khí độc (H2S, NH3, CH4) tích tụ trong tầng bùn đáy, nước ô nhiễm, tảo phú dưỡng, vv... cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc cá bị chết.
Đại diện JVE Group đưa ra giải pháp, khi thí điểm xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nano Bioreactor, tảo trong khu thí điểm bị giảm sự phát triển, không có tình trạng phú dưỡng; nồng độ oxy hòa tan DO tăng cao (cả ban ngày và ban đêm); giảm mạnh hàm lượng các chỉ số ô nhiễm như COD, BOD5, Amoni, vv...
Đồng thời, cải thiện rõ rệt độ trong của nước, ngăn chặn tình trạng cá chết bằng cách phân hủy các khí độc H2S, NH3, CH4; phân hủy lượng bùn hữu cơ tích tụ ở tầng đáy... Đảm bảo duy trì tổng thể môi trường cho cá, sinh vật thủy sinh sinh trưởng và phát triển tốt, không xảy ra tình trạng cá chết bên trong khu thí điểm.
Quá trình duy trì hệ thống thiết bị để kiểm chứng khả năng không bị tái ô nhiễm đến nay cũng đã hoàn thành, JVE Group đã trao đổi với phía Nhật Bản và phía Nhật Bản đã nhất trí việc kết thúc hoàn toàn Dự án thí điểm.
Ngày 21/12/2022, JVE Group đã gửi công văn đến các cơ quan chức năng về việc sẽ tiến hành công tác tháo dỡ thiết bị khu quây và các hạng mục liên quan được phía Nhật Bản giao cho duy trì quản lý thời gian qua. Đến nay, JVE Group đã tiến hành tháo dỡ xong toàn bộ các hạng mục của khu vực thí điểm hồ Tây vào ngày 29/12 vừa qua.
Hiếu Nguyễn