Công ty cổ phần Tập đoàn môi trường Nhật Việt (JVE) đã gửi công văn đề xuất tài trợ miễn phí thí điểm xử lý mùi của bãi rác Nam Sơn bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản.
Người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn gây tình trạng ùn ứ rác thải. |
Cụ thể, trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch JVE Group cho biết để giúp người dân sinh sống trong vùng ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn được sống trong bầu không khí trong lành hơn, JVE Group đã gửi công văn báo cáo lãnh đạo thành phố Hà Nội về đề xuất tài trợ miễn phí thí điểm xử lý mùi của bãi rác Nam Sơn bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản.
JVE Group sẽ áp dụng công nghệ sục khí nano của Nhật Bản (công suất của loại máy nano dự kiến sử dụng lớn gấp 5 lần công suất của máy nano đã lắp đặt thí điểm tại sông Tô Lịch) lắp đặt trực tiếp vào các ô chứa nước rỉ rác, hồ sinh học với số lượng hợp lý để đưa lượng lớn các bọt khí siêu nhỏ kích thước micro và nano "lặn" xuống để phân hủy tận gốc các khí gây ra mùi hôi thối như khí Hydro Sunfua H2S (mùi trứng thối), khi Amoniac NH3(mùi khai), CH4...trong các ô nước rỉ rác.
Chuyên gia kỹ thuật của JVE phân tích: "Không phải cứ sục khí đưa oxy vào bằng máy sục khí thông thường là khử được mùi hôi thối mà mấu chốt nằm ở chỗ chúng ta đưa oxy vào nhưng oxy đó phải tồn tại lâu được trong nước và dưới tầng đáy thì mới phân hủy được các khí gây ra mùi ở trên".
Theo chuyên gia, sục khí thông thường sẽ chỉ tạo ra bọt khí to (đường kính từ 1~2mm) chỉ tồn tại khoảng 5 giây là nổi lên mặt nước và vỡ ra. Do vậy, bọt khí oxy thông thường không tồn tại được lâu trong nước và ở dưới đáy được nên không gặp và không phản ứng được với các khí gây ra mùi thôi hối trong nước rỉ rác. Do vậy, nếu sử dụng máy sục khí thông thường thì càng sục càng bốc mùi hôi thối vì các khí độc chưa bị phân hủy và và bay lên.
Trong khi nếu sục khí nano sẽ tạo ra đồng thời 2 loại bọt khí siêu nhỏ kích thước micro (đường kính <50μm) bọt khí nano (đường kính <50nm) của Nhật Bản sẽ “lặn” vào trong nước và xuống tầng đáy, và thời gian “lặn” 1 lần của bọt khí nano khi sục khí tối thiểu là 8 tiếng tức thời gian “lặn” vào trong nước và xuống tầng đáy dài hơn bọt khí thông thường là 5.760 lần.
Do vậy, hiệu quả mùi hôi thối được xử lý rất nhanh trong thời gian ngắn bởi khi “lặn” và tồn tại lâu trong nước và tầng đáy thì nó gặp và phân hủy tức thì các khí độc như H2S(mùi trứng thối), NH3(mùi khai), CH4, do vậy hiệu quả xử lý mùi rất nhanh và càng sục nano càng hết mùi hôi thối, chuyên gia lý giải thêm.
Trước đó, khoảng 20h ngày 23/10, hàng chục người dân tại xã Nam Sơn, Hồng Kỳ đã căng lều, dựng bạt ngăn cản xe chở rác di chuyển vào 2 Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Tình trạng này đã tái diễn lần thứ hai trong năm 2020 và lần thứ 15 trong những năm qua.